Doanh nghiệp Đức thay đổi quan điểm đầu tư vào Việt Nam

05/12/2024 - 14:37

PNO - Nếu như trước đây đầu tư trực tiếp (FDI) từ Đức chủ yếu tập trung vào Singapore, Thái Lan và Malaysia, thì nay Việt Nam được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Nhà đầu tư Đức chọn Việt Nam do có vị trí địa lý thuận lợi và thị trường tiêu dùng cho tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh.

Ngày 5/12, Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức (GBA) tại Việt Nam cho biết, tính đến tháng 10/2024 đã có hơn 530 công ty Đức đang hoạt động tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lên đến 3,6 tỉ USD.

Các khoản đầu tư này phân bổ cho các ngành trọng điểm, từ sản xuất - công nghệ cao, logistics đến năng lượng tái tạo.

Nhà máy mới khai trương tại Long Thành, Đồng Nai của Pearl Polyurethane Systems
Nhà máy mới khai trương tại Long Thành, Đồng Nai của Pearl Polyurethane Systems

Một số dự án nổi bật tại Việt Nam của các nhà đầu tư Đức có thể kể tới như: Ziehl-Abegg - nhà cung cấp hàng đầu thế giới về công nghệ thông gió này đã mở nhà máy sản xuất trị giá 20 triệu USD tại Đồng Nai; Kärcher - công ty nổi tiếng với các giải pháp làm sạch sáng tạo đã rót 500 tỉ đồng xây dựng nhà máy sản xuất tại Quảng Nam; Pearl Polyurethane Systems cũng đã khai trương nhà máy mới tại Long Thành, đóng góp vào con số 1,2 tỉ USD FDI cho Đồng Nai, chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2024...

Ngoài ra, trung tâm vận hành của DIGI-TEXX Vietnam tại Hậu Giang khai trương vào tháng 8 vừa qua đã tuyển dụng hơn 900 lao động địa phương, góp thêm phần thúc đẩy kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Với TPHCM, quan hệ TPHCM và Đức đang phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Theo thống kê của UBND TPHCM, Đức hiện có 252 dự án đầu tư tại thành phố với tổng vốn đăng ký hơn 378 triệu USD, đứng thứ 14/122 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào TPHCM.

Sự tăng trưởng liên tục về vốn đầu tư từ Đức phản ánh sức hấp dẫn của Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng, nổi lên như một trung tâm đầu tư với vị trí chiến lược, lực lượng lao động phát triển, cùng các sáng kiến của chính phủ hướng tới cải thiện cơ sở hạ tầng.

“Năm 2024 đã chứng minh sức mạnh của cam kết chung trong quan hệ Đức-Việt. Chúng tôi không chỉ là những người tham gia vào sự tăng trưởng của Việt Nam mà còn là những đối tác tích cực trong việc định hình tương lai của đất nước này” - ông Alexander Ziehe - Chủ tịch GBA đánh giá.

Bên cạnh mặt tích cực, theo GBA, Việt Nam vẫn còn một số thách thức với nhà đầu tư Đức như: tính cập nhật, thay đổi của các quy định đầu tư; cơ sở hạ tầng còn thiếu kết nối; minh bạch hơn nữa trong chính sách đầu tư; những điểm khó trong thủ tục cấp thẻ tạm trú cho chuyên gia nước ngoài (làm việc tại Việt Nam).

Năm 2025 doanh nghiệp Đức ưu tiên đầu tư năng lượng tái tạo, chuyển đổi số

GBA cho biết, năm 2025 doanh nghiệp Đức sẽ tiếp tục ưu tiên cho các khoản đầu tư bền vững, tập trung vào các ngành như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và sản xuất công nghệ cao.

Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức cùng với 30 năm thành lập GBA vào năm 2025, GBA sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển nền kinh tế số thông qua việc đưa các khoản đầu tư công nghệ cao vào các lĩnh vực như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) và big data.

Bên cạnh đầu tư vào công nghệ, GBA cũng sẽ mở rộng các sáng kiến dạy nghề, đặc biệt là các chương trình giáo dục nghề nghiệp song hành theo mô hình của Đức. Những sáng kiến này sẽ trang bị cho lực lượng lao động Việt Nam những kỹ năng cần thiết để phát triển và thích ứng với nền kinh tế tương lai.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI