Doanh nghiệp lo lắng
Bà Phạm Quế Anh - Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh Quảng Nam, Giám đốc điều hành Công ty Hội An Express - cho hay: “Nói mở cửa du lịch ngày 15/3 nhưng doanh nghiệp (DN) du lịch vẫn chưa có thông tin chính thức về các quy định cơ bản cũng như chính sách về y tế, thị thực (visa). Tới nay, chính sách về visa vẫn chưa cởi mở nên sẽ không thể có lượng lớn khách quốc tế đổ vào Việt Nam ngay”.
Vấn đề cách ly tại nơi lưu trú cũng khiến các DN băn khoăn. Ông Đinh Văn Lộc - Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Đà (VIETDA Travel) - nói: “Nếu vẫn còn quy định cách ly tại nơi lưu trú thì rất khó để tạo đột phá ở thị trường khách quốc tế bởi DN du lịch sẽ loay hoay với nhiều loại giấy phép, còn khách sẽ cân nhắc bởi giá tour bị đẩy lên cao, cộng thêm sự gò bó trong chuyến đi”.
Hiện nay, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã tạo điều kiện hết sức thông thoáng để phục hồi toàn diện du lịch và nếu cánh cửa du lịch quốc tế không sớm mở rộng thì du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục thất thế, thiệt hại là rất lớn không chỉ cho ngành du lịch mà còn với nhiều ngành khác nữa.
|
Những du khách quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc theo chương trình tour thí điểm trọn gói hồi tháng 11/2021 - Ảnh: Nhật Anh |
Tại Quảng Nam, khách quốc tế luôn chiếm tỷ trọng lớn (thường xuyên hơn 60% hằng năm) trong tổng lượng du khách đến địa phương này. Việc chưa tiếp cận được khách quốc tế, nhất là khi sự kiện “Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022” sắp khai mạc, sẽ khiến quá trình phục hồi của ngành du lịch thêm khó khăn. Bà Văn Thị Cẩm Tú - Phó Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam - cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi tích cực kết nối với các đơn vị lữ hành, nhưng đến giờ này vẫn chưa có động tĩnh gì và chưa xác định được thời điểm khách quốc tế trở lại với Mỹ Sơn”.
Bà Dương Thị Công Lý - Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội chi nhánh Huế - cho biết, các đơn vị du lịch vẫn chưa nắm được thông tin liên quan việc “mở cửa”, trong khi để đón khách quốc tế vào, cần có thời gian chuẩn bị, ít nhất cũng một tháng: “Khách quốc tế đi du lịch rất khoa học, họ xác định sẵn khách sạn, điểm tham quan, thời gian, vé máy bay… và sẽ rất khó chịu nếu mọi thứ bị thay đổi vào phút chót. Nếu làm không đồng bộ, chúng tôi sẽ rất khó bán tour”, bà Lý cho biết.
Ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ du thuyền cho khách quốc tế tại tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP.Hải Phòng - cho biết, khách của công ty tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha… đều chưa thể xin visa đến Việt Nam. “Hiện tại, các đơn vị chức năng vẫn chưa chốt được cách đón khách. Khâu cấp visa - điều kiện đầu tiên để nhập cảnh - mà còn chưa chốt phương án thì du khách làm sao mua vé máy bay, mua tour?”, ông Hà nói.
Theo đại diện các DN du lịch, đến ngày 10/3, họ vẫn chưa có thông tin chính thức về quy định đón khách, quy định kiểm soát dịch từ cơ quan chức năng mà chỉ mới nghe chủ trương và các dự thảo, đề xuất của các bộ, ngành. Trong khi đó, họ còn thêm mối lo về xung đột Nga - Ukraine. Trước mắt, thị trường tạm mất đi nguồn khách Nga. Chiến sự sẽ tác động đến nền kinh tế của nhiều quốc gia, lạm phát tăng có thể ảnh hưởng đến giá tour, giá vé máy bay, giá khách sạn, nhà hàng…
“Mùa hè là cao điểm đón khách Nga, khách châu Âu đến các bãi biển Việt Nam du lịch, nghỉ dưỡng. Chiến sự Nga - Ukraine khiến chúng tôi phải lùi kế hoạch đón, khách cũng hủy hoặc dời tour. Điều này gây khó cho chính sách giá, nhất là giá vé máy bay. Thị trường hàng không phục hồi song song với du lịch, đường bay chưa nhiều, giá vé tăng sẽ đẩy giá tour tăng, rất khó chào bán cho du khách”, ông Phạm Hà nói.
Đại diện các DN du lịch tha thiết mong các bộ hữu trách sớm công bố quy định về đón khách để DN có cơ sở lên kế hoạch kinh doanh, quảng bá thông tin, xúc tiến việc bán tour cho du khách.
Bộ Y tế chỉ mới... dự thảo
Hiện tại, Bộ Y tế vẫn đang lấy ý kiến của các bộ, ngành về dự thảo quy định phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh. Theo dự thảo, người nhập cảnh vào Việt Nam không cần có chứng nhận tiêm vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, chỉ cần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ hoặc kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 24 giờ trước khi xuất cảnh. Kết quả xét nghiệm phải được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như người đã hoặc đang lưu trú tại Việt Nam. Dự thảo không yêu cầu người nhập cảnh cách ly ba ngày tại nơi lưu trú. Tuy nhiên, với sự thay đổi này, đại diện các DN cho rằng, nó vẫn gây khó cho các đơn vị dẫn tour.
Ông Trần Thế Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour - cho rằng, nếu áp dụng theo hướng này, rất khó tránh khỏi trường hợp du khách không có chứng nhận tiêm vắc-xin hoặc đã điều trị khỏi COVID-19. Đối tượng này có khả năng bị nhiễm, ủ bệnh trước, trong và sau khi đến Việt Nam, trong đó có cả những trường hợp chưa được tiêm vắc-xin (do các vấn đề về sức khỏe hoặc lý do khác). Những khách này khi nhiễm bệnh, tỷ lệ chuyển nặng cao hơn và có thể gây áp lực cho ngành y tế khi lượng du khách nhập cảnh tăng cao.
“Tại sao Bộ Y tế không đưa ra bộ tiêu chí ngược lại, tức quy định khách đến phải có chứng nhận vắc-xin hoặc đã khỏi COVID-19 và coi đó là “hộ chiếu vắc-xin” để đảm bảo họ được an toàn. Cộng thêm kết quả xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh thì khách sẽ tự tin, thoải mái hơn khi đi du lịch” - ông Trần Thế Dũng đề xuất.
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng - cho biết, visa đang là mối quan tâm lớn của các DN du lịch: “Chúng tôi đề nghị quay lại áp dụng như trước khi có dịch chứ áp dụng như quy định bây giờ thì từng khách vào phải xin thị thực hết. Ví dụ, 13 thị trường trước đây được miễn thị thực, bây giờ mình bắt phải xin thì thời gian chờ đợi rất lâu, tốn kém chi phí”. Theo ông, nếu vẫn ràng buộc về visa, sẽ có quá nửa lượng khách đang muốn quay lại Việt Nam có thể đổi ý định. Hiện khách đang chờ các quy định của Việt Nam cụ thể như thế nào mới quyết định quay lại hay không.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam - cho rằng, trước mắt, cần áp dụng lại chính sách thị thực như trước đây để tạo điều kiện cho du khách quốc tế. Tính đến ngày 2/3, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận “hộ chiếu vắc-xin” với 15 nước, trong đó có một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Úc, Ấn Độ… Ông Thanh nói: “Năm 2019, du khách từ một số nước được miễn thị thực hoàn toàn, không cần xin phép, không cần cấp phép. Giờ chính sách y tế, thị thực đều khó khăn thì họ sẽ ngại đến Việt Nam. Khách quốc tế phải mất ít nhất vài tháng để lên lịch cho chuyến du lịch. Khi các thông tin, quy định vẫn còn bỏ ngỏ, hầu hết đơn vị du lịch không có cơ sở để chốt tour”.
TPHCM tập trung các giải pháp giữ chân khách quốc tế lâu hơn Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM. Để thực hiện mục tiêu này, bà Ánh Hoa cho biết, ngành du lịch TP.HCM sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để mở cửa với khách du lịch quốc tế. Đồng thời sở xác định sẽ chú trọng việc tạo cảm giác an toàn nhưng vẫn giữ được sự thông thoáng nhất định cho du khách đến TP.HCM. Hiện TPHCM đang đẩy mạnh tập trung xây dựng nhóm giải pháp truyền thông quảng bá cho ngành du lịch, phối hợp cùng các hãng hàng không, các cơ quan ngoại giao, DN để thực hiện và thu hút khách. Lễ hội Áo dài TPHCM cũng là sự kiện để hiện thực hóa mục tiêu này. Tới đây sẽ là các sự kiện ngày hội du lịch, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế… Bên cạnh đó, sở cũng đã làm việc với hãng thông tấn CNN và các kênh truyền thông quốc tế uy tín để truyền thông, quảng bá du lịch TPHCM ra quốc tế. Cách đây ít ngày một thỏa thuận hợp tác giữa Sở Du lịch TPHCM, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) cũng đã được ký kết. Sự kiện này cũng nằm trong chuỗi quảng bá hình ảnh du lịch TPHCM, chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3. |
Nhóm PV