Doanh nghiệp đón đơn hàng xuất khẩu

01/03/2024 - 06:20

PNO - Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp gỗ, may mặc, thủy hải sản, nông sản ở TPHCM liên tiếp nhận được đơn đặt hàng từ các đối tác nước ngoài, thắp lên hy vọng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2024 tốt hơn năm trước.

Nhiều ngành hàng đón tin vui

Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây - cho biết, công ty đã nhận đơn hàng mì, phở, bánh tráng, nước tương đủ để sản xuất cho cả năm 2024. Hiện tại, người lao động trong công ty phải tăng ca liên tục để kịp tiến độ giao hàng. 

Ông Phạm Hải Long - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon - thông tin, công ty đã có đơn hàng để người lao động được làm việc, nhưng số đơn hàng xuất khẩu vẫn còn ít. Những năm trước khi có dịch COVID-19, vào thời điểm này, công ty đã nhận đơn hàng đủ để sản xuất cả năm, còn hiện nay, đơn hàng chỉ đủ làm trong vài tháng. 

Công nhân Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu kiểm tra lô sầu riêng chuẩn bị xuất khẩu - ẢNH: T.HOA
Công nhân Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu kiểm tra lô sầu riêng chuẩn bị xuất khẩu - Ảnh: T.Hoa

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - chia sẻ: trong 2 tháng đầu năm 2024, doanh thu xuất khẩu rau quả đạt gần 800 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023. Hơn 2/3 lượng rau quả được xuất sang Trung Quốc, còn lại là các nước khu vực ASEAN, châu Âu, châu Mỹ, vùng Đông Bắc Á. So với các lĩnh vực khác, đơn hàng rau quả ổn định hơn, có lúc tăng rất mạnh. 

Theo ông, Việt Nam có lợi thế là nằm gần thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất thế giới là Trung Quốc trong khi các nước khác gặp khó khăn khi đưa hàng vào Trung Quốc qua Biển Đỏ đang xảy ra khủng hoảng. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đàm phán với phía Trung Quốc để xuất khẩu thêm một số mặt hàng, đồng thời thúc đẩy việc đưa hàng vào các nước vùng Trung Đông, châu Phi. Do đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung trong năm 2024 có thể đạt 6,5-7 tỉ USD (năm 2023 đạt 5,6 tỉ USD).

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM - cho biết, các đối tác đã bán hết hàng tồn kho nên bắt đầu đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam. Khoảng 60% doanh nghiệp thành viên của hội đã nhận được đơn hàng đến quý II/2024, một số ít đã có được đơn hàng đến hết năm. 

Theo ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM - đơn hàng xuất khẩu năm 2024 không dồi dào như các năm trước nhưng cũng đủ cho công nhân sản xuất. Từ tháng 8/2023 đến nay, xuất khẩu gỗ tăng trưởng 5 - 8%, cắt đứt chuỗi tăng trưởng âm nhiều tháng liên tiếp. Tuy nhiên, đà phục hồi của ngành gỗ có bền vững hay không còn phụ thuộc vào mùa hội chợ, như hội chợ quốc tế đồ gỗ, hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu…

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, do xung đột ở Biển Đỏ nên thời gian vận chuyển rau quả vào châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi tăng thêm 15-18 ngày, đẩy chi phí vận chuyển lên gấp đôi, làm tăng giá thành, giảm chất lượng sản phẩm, làm giảm lợi thế cạnh tranh với sản phẩm của các nước Nam Mỹ (đường vận chuyển hàng của các nước này không đi qua Biển Đỏ). Một số doanh nghiệp đã phải chuyển sang đường hàng không khiến giá thành cao hơn, lượng hàng ít đi. 

Nông dân Bình Thuận thu hoạch thanh long xuất khẩu - ẢNH: ANH TUẤN
Nông dân Bình Thuận thu hoạch thanh long xuất khẩu - Ảnh: Anh Tuấn

Ông Phạm Hải Long cho biết thêm, ngay trong quý I, các doanh nghiệp đã đối mặt với bất ổn về giá thành, chi phí. Ngoài chi phí vận chuyển hàng hóa tăng do xung đột ở Biển Đỏ, chi phí nguyên liệu đầu vào của ngành thực phẩm đang tăng nhưng sức mua lại giảm, nhà nhập khẩu đề nghị giảm giá bán sản phẩm. Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉ giá VND/USD biến động mạnh, tăng 500 đồng/USD (gần 2%) trong khi mức tăng, giảm của các năm trước chỉ 1 đồng, cao nhất là 30 đồng.

“Các năm qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỉ giá rất tốt. Doanh nghiệp mong trong năm 2024, tỉ giá vẫn sẽ ổn định; các chính sách giảm thuế, giảm tiền thuê đất được duy trì bởi kinh tế sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm 2023”.

 Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Agrex Saigon

 

Hiện nay, giá nguyên vật liệu ngành cao su, nhựa giảm khoảng 10%, các chất phụ gia và nguyên vật liệu khác đang giảm khoảng 5 - 10%, lãi suất cho vay giảm còn 5 - 6%/năm. Đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp dự trữ nguyên vật liệu, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Anh, do đơn hàng chưa nhiều nên doanh nghiệp chưa dám vay tiền để tăng dự trữ. Dẫn dự báo của Liên hiệp quốc (tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 chỉ khoảng 2,4%, tổng giá trị thương mại quốc tế giảm khoảng 2%), ông cho rằng, đơn hàng xuất khẩu của tất cả các ngành hàng trong cả năm 2024 sẽ không thể dồi dào được. 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - đánh giá: đơn hàng xuất khẩu ở các lĩnh vực như gỗ, dệt may, thủy hải sản, gạo, cà phê, rau quả đã có ngay từ đầu năm là tín hiệu đáng mừng. Nhưng không nên quá kỳ vọng bởi các đơn hàng chủ yếu là ngắn hạn (1-3 tháng, dài nhất cũng chỉ 6 tháng), không có những đơn hàng lớn. 

Theo ông, khó khăn nhất hiện nay là sức cầu của thị trường chưa có tín hiệu lạc quan, nên Chính phủ, ngành công thương cần tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, như Nam Mỹ, Trung Đông, Ấn Độ. Về chính sách giảm thuế, chính sách giảm thuế giá  trị gia tăng (VAT) nên được kéo dài đến hết năm 2024, mức giảm phải nhiều hơn. 

Duy trì đơn hàng, sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư 

Với Nghị quyết 98/2023/QH15 (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM), chính quyền TPHCM đã khởi động trở lại chương trình kích cầu đầu tư. HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết 09/2023 về ban hành quy định hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, hạ tầng, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, logistics, nhà ở xã hội. Đây là tín hiệu tốt nhưng cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chương trình được triển khai nhanh, quyết liệt trong năm 2024. 

Trong bối cảnh tiêu dùng cá nhân, tiêu dùng xã hội giảm thì tiêu dùng nhà nước là phương án tốt cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, giúp giải quyết được công ăn, việc làm cho người lao động. Để thị trường nhà ở xã hội được khởi sắc, cần kích cầu kép với cả người phát triển nhà ở xã hội và người mua nhà, kích cầu phân khúc nhà ở có giá dưới 2 tỉ đồng/căn thông qua việc giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ cho người mua nhà. 

Do không có đơn hàng nên nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp gần như không có, nhưng chính quyền thành phố cần có chính sách kích cầu vay với mục tiêu đầu tư đón đầu ở lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi lúc này, chi phí đầu tư, nhập máy móc, thiết bị còn rẻ. Đơn hàng xuất khẩu gạo, cà phê tăng trở lại nhưng nếu không tiếp tục quy hoạch vùng trồng, làm tốt khâu truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thì vẫn có thể mất đơn hàng bất cứ lúc nào. 

Để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tăng thu thuế, cần tăng cường sự chuẩn bị hạ tầng, cải cách hành chính để sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nếu TPHCM “dọn sẵn nhà” cho sạch sẽ, đẹp đẽ thì sẽ thu hút được các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, vi mạch đến đầu tư; nếu chần chừ thì dòng vốn sẽ chảy vào địa phương khác. TPHCM chỉ mới có 1 khu công nghệ cao nhưng đã đầy chỗ, 5 khu công nghiệp bắt đầu hết thời hạn cho thuê đất, cần chuyển đổi và tái cấu trúc. Với các khu công nghiệp chưa khai thác hết quỹ đất do vướng pháp lý như Hiệp Phước, Lê Minh Xuân, cần nhanh chóng gỡ vướng. Phải nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực về trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao. 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI