Doanh nghiệp đã dự liệu, nhiều nhóm hàng vẫn tăng giá dịp tết

20/02/2019 - 06:48

PNO - Năm nào cũng vậy, cứ khoảng 10 ngày trước tết Nguyên đán, những mặt hàng thủy hải sản, trái cây, thịt gia cầm đều tăng mạnh.

Chương trình bình ổn giá của TP.HCM được đánh giá là có những tác động tích cực đối với thị trường, nhưng trong nhiều năm qua, dường như vẫn còn khá nhiều mặt hàng không thể bình ổn giá dù đã được “điểm mặt chỉ tên” về nguy cơ tăng giá.

Năm nào cũng vậy, cứ khoảng 10 ngày trước tết Nguyên đán, những mặt hàng thủy hải sản, trái cây, thịt gia cầm đều tăng mạnh. Tiểu thương ở các chợ nhỏ cho rằng, giá tăng ngay từ các chợ đầu mối, như cá thu, cá chẽm tăng phổ biến 20-30%. Cá thu là mặt hàng tăng giá mạnh nhất, chỉ sau một - hai đêm, mặt hàng này đã tăng bình quân 30.000 đồng/kg. Đỉnh điểm, ba ngày trước tết, giá cá thu tăng khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg. Dịp tết vừa rồi, trực tiếp mua cá từ các đầu mối bán sỉ tại chợ đầu mối Bình Điền, chúng tôi xác nhận điều này. 

Những loại hải sản khác tại chợ đầu mối Bình Điền cũng tăng giá hơn 20%, như cá ngân tăng từ 70.000 lên 100.000 đồng/kg (tăng khoảng 40%), mực ống tăng 25.000 - 30.000 đồng/kg, cá bạc má tăng 20.000 đồng/kg, tôm thẻ tăng 25.000 đồng/kg, tôm sú sông cũng tăng tương tự. Khi về đến các chợ truyền thống, điểm bán lẻ những mặt hàng này lại tăng giá thêm một lần nữa. Các loại thủy sản nước ngọt cũng tăng vọt trong dịp này. Những loại cá như diêu hồng, cá hú, cá lóc, cá thát lát… tăng bình quân 5.000 - 10.000 đồng/kg, thậm chí là 20.000 đồng/kg tại các chợ đầu mối, khi về đến chợ lẻ, lại tăng thêm từ 15.000 - 40.000 đồng/kg. 

Doanh nghiep da du lieu, nhieu nhom hang van tang gia dip tet

Đáng nói, đợt tăng giá của những nhóm hàng này kéo dài đến hơn hai tuần sau tết và dù giá tăng cao nhưng các chợ và cả siêu thị, cửa hàng bán lẻ thậm chí không có hàng bán. Ngoài nhóm hàng thủy hải sản, trái cây, thịt gà cũng tăng giá khá mạnh từ trước tết và kéo dài nhiều ngày sau tết do nguồn hàng thiếu hụt.

Trước tết, trên các phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Phúc Khoa - Phó tổng giám đốc Satra, đơn vị quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền - cho biết, việc tăng giá những mặt hàng này là bất khả kháng vì nguồn hàng cá biển giảm dần từ trước tết Nguyên đán do các tàu ghe giảm đánh bắt dần để nghỉ tết. Một số mặt hàng như cá thu, cá chẽm, tôm cua và một số loại thủy hải sản đông lạnh khan hàng vào những ngày cận và sau tết là nguyên nhân nhân dẫn đến việc tăng giá. 

Nhưng Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho rằng, nếu biết trước việc tăng giá theo chu kỳ như vậy thì các doanh nghiệp, nhà bán lẻ lớn như Saigon Co.op hay Satra nên mua dự trữ hàng để đảm bảo bình ổn thị trường. Theo ông Liêm, hầu hết doanh nghiệp, nhà bán lẻ lớn của TP.HCM đều được hỗ trợ vốn để đảm bảo nguồn hàng, giữ ổn định giá. Mỗi năm, TP.HCM đều tăng nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, lẽ ra, doanh nghiệp phải dùng tiền hỗ trợ để dự trữ hàng để vừa giải quyết đầu ra cho ngư dân, vừa tránh được tình trạng giá tăng phi mã.

Một số đầu mối kinh doanh thủy hải sản cho biết, cao điểm tiêu thụ những nhóm hàng này chỉ diễn ra trong khoảng hai - ba tuần. Chi phí để thu mua, sơ chế, cấp đông các sản phẩm này không hề rẻ và dễ dàng, trong khi người tiêu dùng vẫn thích mua sản phẩm tươi, ướp đá. Phải chăng, vì tránh rủi ro mà các doanh nghiệp nhận hỗ trợ chấp nhận “thả nổi” nhóm hàng ấy? 

Hùng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI