Doanh nghiệp cố tình nợ thuế để chiếm dụng vốn

23/07/2018 - 07:52

PNO - Có tới 1.258 doanh nghiệp chây ì nộp thuế với tổng tiền nợ thuế trên 1.550 tỷ đồng (tính đến ngày 31/5/2018). Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một hình thức chiếm dụng vốn của Nhà nước.

“Đại gia” cũng nợ

Cục Thuế TP.HCM vừa công khai “điểm mặt” các doanh nghiệp nợ thuế đợt II/2018. Trong số 1.258 doanh nghiệp (DN) nợ thuế, có trên 30 DN nợ thuế hơn 10 tỷ đồng/DN, đứng đầu là Công ty TNHH Thương mại Lô Hội (đóng tại Q.3, TP.HCM) với số tiền nợ 105,3 tỷ đồng; tiếp đến là Công ty cổ phần May Minh Hoàng nợ 70,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Lâm Viên nợ 65 tỷ đồng; Công ty TNHH Sản xuất giày Phú Sơn nợ 37 tỷ đồng…

Nhiều công ty bất động sản lớn cũng có tên trong danh sách nợ thuế đợt này, như: Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương nợ 33,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thanh Niên nợ 33,1 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Khang Thông nợ 13,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Xây dựng giao thông Đức Hạnh nợ 11 tỷ đồng…

Doanh nghiep co tinh no thue de chiem dung von
Công ty Nguyễn Kim vừa bị Cục thuế TP.HCM phạt, truy thu thuế 148 tỷ đồng.

Với những trường hợp chây ì tiền thuế liên tục, khi làm việc với cơ quan thuế, phần lớn DN giải thích do làm ăn khó khăn, lỗ lã liên miên nên không có tiền để nộp thuế đúng hạn. Không có tiền nộp thuế, nhưng DN vẫn có tiền nộp phạt với mức phạt gần 1% tiền nợ thuế/tháng.

Ông Trần Ngọc Tâm - Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - cho rằng, DN chiếm dụng vốn bằng nhiều cách và nợ tiền nộp thuế là một trong những dấu hiệu chiếm dụng vốn. Tiền phạt chậm nộp thuế hiện nay là 0,03%, tính ra mỗi tháng khoảng 0,9%, chưa đến 11%/năm. Mức phạt này thấp hơn so với lãi suất vay tín dụng (trên 11%/năm).

Vì vậy, nhiều DN cố tình nợ thuế trong khoảng thời gian cho phép (theo quy định là 90 ngày) và chấp nhận nộp phạt. Hết hạn, cục thuế áp dụng cưỡng chế thì DN mới chịu trả nợ thuế. 

Theo quy định, nếu quá thời hạn 90 ngày mà DN vẫn không nộp thuế, để thu hồi số tiền nợ thuế nêu trên, cục thuế sẽ áp dụng lần lượt các biện pháp cưỡng chế thuế: phong tỏa tài khoản ngân hàng để trích tiền nộp ngân sách; ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn; đề nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép kinh doanh…

Khó đòi như... nợ thuế

Đáng nói, nhiều vụ nợ thuế khó đòi khiến cơ quan thuế lúng túng, đau đầu, chẳng hạn như Uber nợ thuế 67 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa trả hết. 

Tại cuộc họp sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm 2018 mới đây, ông Trần Ngọc Tâm nhìn nhận, rất khó thu nợ thuế đối với Uber và cho biết, đang kiến nghị Tổng cục Thuế hỗ trợ, vì hiện nay Uber không tồn tại ở Việt Nam, tòa án đang thụ lý hồ sơ nhưng chưa biết lúc nào xử lý được.

Đến nay, Uber chỉ mới chấp nhận nộp 13 tỷ đồng/67 tỷ đồng tiền thuế bị truy thu. Phía Uber không mở tài khoản tại ngân hàng Việt Nam nên Cục Thuế TP.HCM chưa thể áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản theo quy định.

Tương tự, mới đây, khi cơ quan thuế gửi thông báo cưỡng chế, Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim mới chịu nộp phạt và tiền truy thu thuế 148 tỷ đồng, do “lách” thuế thu nhập cá nhân bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ. 

Cụ thể, qua thanh tra, ngày 29/6, Cục Thuế TP.HCM ký quyết định truy thu thuế thu nhập cá nhân hơn 104,74 tỷ đồng, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Nguyễn Kim hơn 19,41 tỷ đồng và phạt chậm nộp thuế thu nhập cá nhân hơn 24,18 tỷ đồng. Đến ngày 18/7, công ty này mới nộp đủ số tiền phạt và tiền truy thu thuế 148 
tỷ đồng. 

Doanh nghiệp cố tình nợ vì… luật cho phép

Trước đây, mức phạt chậm nộp thuế là 0,07%/ngày, tỷ lệ nợ thuế thấp; khi mức phạt nợ thuế giảm xuống 0,03%/ngày, tỷ lệ nợ thuế tăng cao.

Luật cho phép DN nợ thuế trong vòng 90 ngày và tiền phạt chậm nộp 0,03%/ngày nên DN cứ dựa vào đó mà tà tà nộp thuế. Có những DN cứ đợi đúng 90 ngày mới chịu nộp thuế và lặp lại chu kỳ này thường xuyên. 

Khi cơ quan thuế mời lên làm việc, họ chấp nhận đóng phạt với lý do không có tiền nên nợ thuế, thậm chí có DN nói thẳng “dùng tiền nợ thuế làm vốn thay vì đi vay vốn”. 

“Mức phạt giảm đã hỗ trợ phần nào cho DN. Chính sách này không tạo điều kiện cho DN chiếm dụng vốn, nhưng lại là cơ hội để cho DN chiếm dụng. Luật quy định vậy, không còn cách nào khác, chúng tôi chỉ biết động viên DN nộp thuế đúng hạn. Nhưng DN vẫn thà nợ thuế, chịu nộp phạt hơn là vay ngân hàng, để tránh các thủ tục. Điều này dẫn đến nợ thuế trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng cao” - ông Tâm cho hay.

Theo ông Tâm, tỷ lệ nợ thuế tăng cao gây khó khăn, thách thức lớn cho cơ quan thuế. Cục Thuế TP.HCM sẽ tăng cường quản lý nợ, đôn đốc nộp thuế nhằm kéo giảm tổng nợ thuế đến cuối năm nay không vượt quá 5% so với tổng thu ngân sách Nhà nước. Tính đến hết ngày 30/6/2018, Cục Thuế TP.HCM đã thu được 3.336 tỷ đồng tiền DN nợ thuế trong năm 2017, đạt 44%, trong đó, thu bằng biện pháp quản lý được 1.935 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế được 1.401 tỷ đồng.

Ông Tâm kiến nghị: “Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để tránh thất thu thuế như: quản lý các giao dịch không hóa đơn, giao dịch mua bán qua mạng, đặc biệt là các tổ chức không có trụ sở giao dịch tại Việt Nam như Google, Facebook và các đơn vị bán hàng trực tuyến, kinh doanh qua mạng. Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp quản lý bằng công nghệ thông tin”. 

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, có thực tế là DN chây ì nộp thuế, dùng tiền nợ thuế làm vốn kinh doanh thay vì phải vay ngân hàng với lãi suất cao và thủ tục rườm rà. Với những trường hợp này, cơ quan thuế phải xử lý nghiêm bằng cách tính lãi suất phạt đủ cao, theo công thức: mức phạt = lãi suất ngân hàng + 3 - 5%. 

Nếu hối thúc DN đóng thuế đúng hạn không hiệu quả và mức phạt trên vẫn chưa đủ sức răn đe, cần cộng thêm một số khoản lệ phí phạt. 

Song song đó, vấn đề chính vẫn là nâng cao ý thức của DN cần tự giác đóng thuế đúng hạn, vì Nhà nước cần ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, còn DN cần có trách nhiệm xã hội, vì thuế là nguồn thu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nam Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI