Doanh nghiệp có thể chết oan vì kiểu thông tin 'dấu hiệu sai phạm'

24/08/2018 - 07:00

PNO - Nhận định cảm quan ban đầu của cơ quan chức năng về doanh nghiệp, như vụ việc xảy ra tại Con Cưng và cơm tấm Kiều Giang mới đây có thể “giết chết” doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tổn thất nặng từ những công bố nhanh

Theo các luật sư, với sự lan truyền thông tin mạnh mẽ qua mạng xã hội, kênh thông tin điện tử, những bản tin ngắn gọn, xoáy sâu vào những “dấu hiệu vi phạm” do cơ quan chức năng đưa ra có thể gây bất lợi rất lớn cho doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Văn Đức - Đoàn luật sư TP.HCM, người từng đại diện cho Cơ sở Kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Vietfoods) có trụ sở tại tỉnh Bình Dương - cho biết, ngày 20/4/2016, Đội 14 thuộc Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.Hà Nội đã bắt giữ, niêm phong 2,2 tấn sản phẩm của Vietfoods bán cho Công ty Thương mại thực phẩm Hùng Anh, đồng thời cung cấp thông tin cho một số kênh truyền hình, báo chí với nội dung sản phẩm Vietfoods đã sử dụng sodium nitrate 251 là chất cấm, chất gây ung thư, không được Bộ Y tế cho phép lưu hành, với hàm lượng từ 89 - 100mg/kg.

Doanh nghiep co the chet oan vi kieu thong tin 'dau hieu sai pham'
 

Nhưng chỉ ít ngày sau, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hàm lượng natri nitrat INS 251 (loại chất giúp ổn định màu thực phẩm) được phát hiện trong sản phẩm xúc xích Vietfoods là nằm trong ngưỡng an toàn đối với người sử dụng. 

Việc lực lượng QLTT vội vàng nhận định và thông tin “sản phẩm của Vietfoods có chất cấm, chất gây ung thư” đã gây tổn hại nặng nề cho nhà sản xuất, khiến cơ sở phải ngừng sản xuất hơn một tháng, trên 100 công nhân nghỉ việc, hàng hóa bị thu giữ hoặc bị trả về, thiệt hại tạm tính hàng chục tỷ đồng.

Con Cưng cũng trở thành nạn nhân của những nhận định nhanh từ cơ quan chức năng. Từ những sai phạm rất nhỏ hoặc dấu hiệu sai phạm chưa rõ ràng của Con Cưng, thông tin lực lượng QLTT kiểm tra đồng loạt chuỗi cửa hàng này cũng liên tục được cung cấp cho các kênh truyền thông; thậm chí, một vị cục phó Cục QLTT còn lên tiếng chỉ ra 7 dấu hiệu sai phạm của chuỗi cửa hàng này.

Hậu quả là, doanh thu của công ty giảm 1-2 tỷ đồng/ngày trong hơn một tháng, theo tiết lộ của lãnh đạo Con Cưng. Thế nhưng, kết quả kiểm tra được công bố chỉ là lỗi… vi phạm hành chính. Dường như cũng nhận thấy những bất thường trong quy trình kiểm tra, ngay sau khi công bố vi phạm của Con Cưng, Bộ Công thương ban hành ngay quyết định thành lập tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với công ty này của Cục QLTT.

Doanh nghiep co the chet oan vi kieu thong tin 'dau hieu sai pham'
 

Doanh nghiệp có thể chết oan

Hiện những thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khỏe rất nhạy cảm với dư luận, nên các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nhanh chóng bị thiệt hại khi “dính” thông tin bất lợi.

Trong lúc vụ việc tại Con Cưng vừa tạm lắng, mới đây, quán cơm tấm Kiều Giang (Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Kiều Giang) tại Q.9, TP.HCM lại trở thành đề tài tranh luận trong dân. Ngày 21/8, đoàn kiểm tra liên quận (Q.2, Q. 9, Q.Thủ Đức) thuộc Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM bất ngờ kiểm tra quán cơm này phát hiện nhiều nguyên vật liệu, gia vị… đựng trong các thùng, can nhựa.

Trong lúc cơ quan chức năng thông báo là niêm phong toàn bộ số hàng tại đây để chờ kết quả xét nghiệm các mẫu để xử lý thì bao phủ trên các kênh truyền thông là những từ ngữ nặng nề, đầy ẩn ý như: sử dụng nguyên liệu “lạ”, sai phạm nghiêm trọng…  Đại diện công ty sở hữu quán ăn nổi tiếng này cho biết, lượng khách đã giảm 1/3 sau khi bị nêu thông tin kiểm tra, uy tín thương hiệu bị tổn hại.

Đại diện một doanh nghiệp ngành thực phẩm tại TP.HCM tâm sự, ông rất sợ đoàn kiểm tra đi cùng các cơ quan truyền thông. Công nhân làm tại xưởng hay bếp không thể biết chính xác về nguồn gốc các nguyên phụ liệu.

Doanh nghiep co the chet oan vi kieu thong tin 'dau hieu sai pham'

Cơ quan chức năng cần để doanh nghiệp giải thích, cung cấp các hóa đơn, chứng từ và cần thời gian lấy mẫu, phân tích trước khi công bố vì không loại trừ các hoạt động bôi xấu, lợi dụng truyền thông và cơ quan nhà nước từ các đối thủ cạnh tranh.

Trong dư luận, không ít người nêu nghi vấn về sự kỳ lạ trong hoạt động kiểm tra và công bố “thông tin ban đầu” một cách mơ hồ, thiếu căn cứ của một số đoàn kiểm tra. Tại sao chỉ mới lấy mẫu (chưa xét nghiệm nên chưa có kết quả), chỉ mới hỏi nhân viên, chưa nghe lãnh đạo doanh nghiệp giải thích, đã vội công bố thông tin? Tại sao trong đoàn kiểm tra lại có sự xuất hiện của phóng viên? Họ cho rằng, hình như “có mùi” trong hoạt động kiểm tra này. 

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức, có khá nhiều văn bản quy định, việc công bố kết luận kiểm tra chỉ được thực hiện khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Chẳng hạn, lực lượng QLTT khi kiểm tra doanh nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc “bảo vệ bí mật nguồn thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra, thanh tra liên quan đến tổ chức, cá nhân được kiểm tra, thanh tra chuyên ngành” theo điều 5 Pháp lệnh QLTT do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 8/3/2016. 

Điều 11 pháp lệnh này cũng quy định, công chức QLTT không được phép “tiết lộ trái phép thông tin, tài liệu, hồ sơ vụ việc liên quan đến hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của lực lượng QLTT”.

“Việc cơ quan chức năng - trong đó có QLTT - vừa mới kiểm tra, phát hiện đối tượng bị kiểm tra “nghi có dấu hiệu vi phạm” đã vội vàng công bố thông tin với công luận là không đúng quy định pháp luật. Nếu việc công khai thông tin này gây thiệt hại cho doanh nghiệp bị kiểm tra, người công bố thông tin hoàn toàn có thể đối diện với việc bị bồi thường thiệt hại” - luật sư Đức khẳng định. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI