Doanh nghiệp có sẵn kịch bản "sống chung" với COVID-19, chờ Nhà nước phối hợp

19/09/2021 - 06:36

PNO - Tại hội nghị “Hai giải pháp tái kích hoạt sản xuất” do Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu tổ chức vào tối 18/9, các ý kiến cho rằng muốn phục hồi kinh tế thì cần phải có sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp (DN), đặt mình vào vị trí của DN để tháo gỡ những bất cập.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu Việt Nam, Chủ tịch Mỹ Lan Group, cho hay mỗi tuần DN (đặt tại Trà Vinh) của ông phải dừng sản xuất nửa ngày để xét nghiệm khiến doanh thu thiệt hại gần 4 tỷ đồng/tháng. Chưa kể chi phí xét nghiệm cho 350 nhân viên là 240 triệu đồng/tháng, chi phí phát sinh từ “3 tại chỗ”. 

Một DN may bên cạnh cũng vận hành “3 tại chỗ” với 2.215 người. Chi phí xét nghiệm RT-PCR cho số lao động này 1,435 tỷ đồng mỗi tháng, chưa tính các phí phát sinh khác.

Nhà nước cần có sự phối hợp với DN để tháo gỡ những bất cập, phục hồi tái sản xuất. (Ảnh minh hoạ)
Nhà nước cần có sự phối hợp với DN để tháo gỡ những bất cập, phục hồi tái sản xuất (Ảnh minh họa)

Trà Vinh hiện có vài DN hơn 5.000 công nhân và nhiều DN trên dưới 1.000 công nhân nhưng chỉ có hai đơn vị y tế được phép xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR. Việc quy định DN phải xét nghiệm hàng tuần khiến cả bệnh viện và DN đều cực khổ. Nên rất cần có giải pháp xét nghiệm đúng cách để giảm chi phí, thời gian cho DN. 

Ông Mỹ cho rằng, nếu chỉ để giám sát và phát hiện nhanh người bị nhiễm tại môi trường làm việc đông người thì có thể thực hiện xét nghiệm nhanh cho kết quả trong vòng 30 phút với chi phí thấp hơn nhiều so với RT-PCR. Xét nghiệm nhanh thì bộ phận y tế của DN có thể thực hiện hàng ngày mà không phải dừng sản xuất.

"Chúng tôi đã chia 350 nhân viên thành 13 tổ, mỗi ngày chỉ xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho 13 người đại điện, chi phí khoảng 72,8 triệu đồng mỗi tháng. Nếu gộp 2 một mẫu khi test, chi phí chỉ còn 36,4 triệu đồng. Thấp hơn rất nhiều so với mức 240 triệu đồng công ty đang phải trả. Sẽ không có phương thức xét nghiệm chung nào phù hợp cho mọi DN khác nhau về số lao động, lĩnh vực sản xuất và môi trường làm việc.

Có thể cho phép DN tự đề xuất, lựa chọn phương thức xét nghiệm hiệu quả nhất trong điều kiện của mình và nhân viên y tế vẫn có thể giám sát. Tôi luôn hy vọng cách tiếp cận mới của chính phủ - sớm bình thường mới - được các địa phương, bộ ngành hiểu đúng để mở thêm cánh cửa "sống" cho DN” - tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đề xuất.

Để DN và Nhà nước phối hợp hiệu quả, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) đề xuất 5 hướng giải pháp.

Thứ nhất, chiến lược “phủ xanh” vắc xin cần thay đổi. Thay vì phân bổ vắc xin về địa phương hiện nay hãy để DN tiếp cận vắc xin một cách chủ động thông qua việc đăng ký với các đầu mối hay các đơn vị dịch vụ. DN sẽ tự tính toán bộ phận lao động nào cần phải ưu tiên tiêm mũi 2 để tái sản xuất.

Thứ hai, cần để DN đóng vai trò chủ động tổ chức y tế tại chỗ, tự chủ việc sàng lọc, xét nghiệm, chăm sóc F0… Nếu DN nào không thể tự chủ, có thể kết hợp với các dịch vụ y tế tư nhân. 

Thứ ba, những bất cập về quản lý lưu thông thời gian qua cần được tháo gỡ. Những người đã tiêm 2 mũi vắc xin (hoặc 1 mũi có điều kiện kèm theo) được cấp mã QR để đi lại. Việc vận tải hàng hóa đang cũng được quản lý bằng mã QR. Do đó cần có sự liên thông dữ liệu, DN sẽ khai báo những ai đủ điều kiện, lộ trình di chuyển vào hệ thống nhà nước chứ không phải xin phép như trước nữa, việc kiểm tra sẽ dựa trên dữ liệu. Điều này sẽ có sự thay đổi lớn khi trao thêm sự chủ động cho DN, hỗ trợ DN thay vì kiểm soát.

Thứ tư, cần tiếp tục các chính sách an sinh, hỗ trợ người lao động. TPHCM đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, song thực tế vẫn có bất cập và khó khăn. Cần có sự hỗ trợ từ ngân sách, quỹ BHXH, công đoàn... chi đến từng DN để chi trả ngay cho người lao động đang sản xuất, người lao động bị ngừng việc. Chỉ có DN mới hiểu rõ lực lượng lao động của mình cần phải hỗ trợ ra sao, đây cũng là cách giúp DN giữ chân được người lao động, vì nếu không còn lao động sẽ là một rủi ro rất lớn cho DN.

Cuối cùng, việc hỗ trợ tài chính cho DN là vấn đề mà các DN đang rất quan tâm hiện nay. Cần phải giảm các nghĩa vụ về thuế, phí; cần Nhà nước chi quỹ công đoàn để không thu các quỹ này; cung tiền cho các ngân hàng thương mại để khoanh nợ, giảm lãi suất mạnh hơn nữa.

“Hiện các DN ngoại (FDI) đã có những kịch bản rất cụ thể, họ đã dự đoán từng tình huống để đưa ra kế hoạch rất bài bản cụ thể thích ứng. Để DN nắm được các chiến lược, kế hoạch của Nhà nước họ sẽ có sự chuẩn bị để phục hồi một cách đồng bộ, tránh và hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất. Trong chiến lược sắp tới, Nhà nước cần nâng cao năng lực quản lý và tận dụng năng lực quản trị của DN. Ngược lại các DN nội cũng cần phải đánh giá lại “sức khỏe” của mình, qua đợt dịch này cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro, khủng hoảng thay vì đối phó” - ông Phạm Phú Ngọc Trai thông tin thêm.

Thanh Hoa

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI