Doanh nghiệp chưa biết mua bán tín chỉ carbon thế nào

28/11/2023 - 15:34

PNO - Một số doanh nghiệp đã nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển sang kinh tế tuần hoàn nhưng chưa rõ làm sao để được cấp chứng nhận bảo vệ môi trường, mua tín chỉ carbon ở đâu và giao dịch bằng hình thức nào.

Tại tọa đàm “Tín chỉ carbon - Chìa khóa chuyển đổi sang một thế giới giảm phát thải ròng bằng 0” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phía Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 28/11, đại diện một doanh nghiệp dệt may cho biết, đã đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái, xử lý nước, tiết kiệm nước, giảm khí thải nhà kính… Nhờ vậy đã tiết kiệm được chi phí sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp này thắc mắc không biết làm sao để được cấp chứng nhận bảo vệ môi trường, chứng nhận giảm phát thải nhà kính. “Chúng tôi muốn đưa thông tin chứng nhận này lên sản phẩm nhằm tăng thêm tính cạnh tranh nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về các vấn đề này” - đại diện doanh nghiệp này nói.

Một số doanh nghiệp khác chia sẻ, từ tháng 10/2023, Liên minh châu Âu áp dụng hàng rào thuế carbon, nếu doanh nghiệp không bù trừ carbon thì sản phẩm không được xuất khẩu vào thị trường này. Thế nhưng, hiện các doanh nghiệp vẫn không biết mua tín chỉ carbon ở đâu, giao dịch bằng hình thức nào. 

Một số doanh nghiệp đã chuyển đổi sản xuất xanh từ sớm nhưng đến nay vẫn chưa rõ việc phải mua tín chỉ carbon ở đâu và giao dịch bằng hình thức nào.
Một số doanh nghiệp đã sử dụng điện năng lượng mặt trời để giảm khí phát thải nhà kính nhưng chưa rõ cách thức mua tín chỉ carbon - Ảnh minh họa

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ (Viện Chiến lược Chính sách tài Nguyên và môi trường  - Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho rằng, theo lộ trình, năm 2028 sẽ thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon. Có sàn, bất cứ người dân là chủ rừng hay doanh nghiệp có trồng rừng, góp phần bảo vệ diện tích rừng, cải thiện công nghệ để giảm khí phát thải nhà kính… có thể giao dịch mua bán tín chỉ này. Sau đó, căn cứ vào quy định của nhà nước để biết phải bù trừ ra sao. Nếu đang thiếu thì doanh nghiệp phải mua tín chỉ hoặc cải tiến công nghệ, trồng thêm rừng. Nếu thừa thì có thể để dành cho năm sau hoặc giao dịch trên sàn để thu lợi nhuận.

Nhưng để làm được điều này và trong khi chờ đợi thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, người dân và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ tư vấn của các đơn vị được Liêp hiệp quốc, Liên minh châu Âu công nhận. Có như vậy mới xây dựng được hệ thống kiểm kê khí nhà kính, giám sát phát thải nhà kính một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ khẳng định, trong thời gian tới, Viện sẽ triển khai các dự án giảm khí phát thải nhà kính theo quy mô thế giới và toàn cầu, sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp và người dân để doanh nghiệp có thể giao dịch, mua bán tín chỉ này.

Ông Phạm Hoàng Hải (Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) thông tin thêm, doanh nghiệp cần chờ đợi thêm để lộ trình pháp luật của Việt Nam về tín chỉ carbon, giảm phát thải ròng bằng 0 được hoàn thiện. Trong thời gian này, doanh nghiệp nên nhanh chóng nhập cuộc bằng cách đầu tư vào hệ thống năng lượng mặt trời, điện áp mái, xử lý nước, tiết kiệm nước, đạt được chỉ số xanh (chỉ số Leed), giảm phát thải khí nhà kính… Nếu không chuẩn bị từ sớm mà chờ đến khi hệ thống pháp luật hoàn thiện mới bắt đầu thì doanh nghiệp sẽ bị tụt lại phía sau và sẽ bị thị trường quốc tế đào thải. Những doanh nghiệp nắm bắt cơ hội để cải tiến có thể thu được lợi nhuận khổng lồ từ giao dịch tín chỉ carbon trong tương lai.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI