Doanh nghiệp cho thuê tài chính cần "lột xác" để phát triển

27/04/2017 - 11:00

PNO - Hoạt động cho thuê tài chính ở Việt Nam ra đời khá sớm, nhưng đánh giá của Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực này đa số hoạt động chưa hiệu quả.

Công ty cho thuê tài chính đầu tiên được cấp phép năm 1996, từ những năm đầu kinh tế mở cửa. Trải qua hai mươi năm với các giai đoạn biến động, báo cáo vào cuối 2016 cho thấy nhiều công ty vẫn đang chật vật tìm hướng thay đổi.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31.12.2016 có 11 công ty cho thuê tài chính đang hoạt động trên thị trường, trong đó có 3 công ty 100% vốn nước ngoài, còn lại chủ yếu trực thuộc các ngân hàng thương mại trong nước. Tuy nhiên, nguồn vốn tham gia thị trường của 11 công ty trong lĩnh vực này vẫn còn khá nhỏ, với tổng vốn điều lệ chưa đến 5.000 tỉ đồng.

Doanh nghiep cho thue tai chinh can
Ra đời sớm nhưng hoạt động cho thuê tài chính ở VN vẫn chưa hiệu quả.

Đánh giá của công ty cho thuê tài chính Chailease cho thấy, hoạt động cho thuê tài chính vốn đã hình thành rất lâu trên thế giới nhưng vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Nguyên nhân là do thói quen giao dịch tín dụng với các ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác của các doanh nghiệp Việt Nam còn chậm thay đổi. Đây cũng là yếu tố hạn chế doanh nghiệp hội nhập, nâng cao công nghệ và mở rộng sản xuất kinh doanh trong điều kiện tín dụng ngân hàng vốn rất khắt khe và yêu cầu tài sản đảm bảo.

Các chuyên gia đánh giá, sự chật vật của các công ty cho thuê tài chính có nhiều nguyên nhân. Một trong những lý do khiến các hoạt động kinh doanh kém hiệu quả là do quy mô nhỏ (công ty lớn nhất có vốn điều lệ 1.000 tỉ) khiến họ phải tiếp cận vốn với lãi suất cao, bị hạn chế mức tài trợ cho khách hàng…

Nguồn vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp hoạt động hiện từ vốn vay ngân hàng, trong khi thị trường tài chính rộng lớn, doanh nghiệp cần được tiếp cận và sử dụng vốn bằng nhiều kênh và các sản phẩm tài chính đa dạng hơn nữa. Chưa kể môi trường pháp lý rủi ro dễ tác động đến thua lỗ và nợ xấu trong các hoạt động cho vay, thuê mua tài chính.

Năm 2013, hàng loạt công ty cho thuê tài chính rơi vào khó khăn, thua lỗ và nợ xấu của nhiều công ty thậm chí đến 50%. Từ 14 công ty hoạt động trong lĩnh vực này đã “rơi rụng” chỉ còn 10. Sau cú sốc khủng hoảng, các doanh nghiệp đã từng bước vực dậy các hoạt động, tái cơ cấu và đa dạng dịch vụ. Mới đây nhất, ngân hàng Tín thác lớn nhất của Nhật, Sumitomo Mitsui Trust Bank – SMTB, đã chính thức gia nhập thị trường cho thuê tài chính Việt Nam thông qua thỏa thuận ký kết ngày 29.4 với BIDV. Với 49% vốn sở hữu tại công ty BLC, SMTB thành nhà đầu tư nước ngoài thứ 4 gia nhập thị trường này.

Doanh nghiep cho thue tai chinh can
Công ty cho thuê tài chính BLC chính thức trở thành liên doanh BSL với SMTB, sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp quyết định ngày 12.4. 2017. Ảnh: BIDV

Công ty cho thuê tài chính BLC do BIDV sở hữu được chuyển đổi thành BIDV-SuMi TRUST (BSL), và cũng trở thành liên doanh đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực này, sau các công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài là Chailease, Vietnam International, Kexim Vietnam được cấp phép hoạt động từ khá lâu.

Mô hình liên doanh với SMTB là bước chọn lựa khôn ngoan của BIDV trong việc nâng cao nguồn vốn, tận dụng năng lực và kinh nghiệm của đối tác để phát triển. Thực tế thị trường cho thấy một số công ty cho thuê tài chính đang tìm cách thay đổi hình ảnh, cơ cấu hoạt động và tìm kiếm đối tác liên doanh uy tín đang là phương thức được chọn lựa.

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI