Doanh nghiệp châu Âu đặt niềm tin vào khả năng ngoại giao của Việt Nam

05/04/2025 - 06:40

PNO - Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) đã có chia sẻ sau 36 giờ chứng kiến những biến động mạnh mẽ về chính sách thuế quan mới gây chấn động thị trường toàn cầu.

Theo ông Bruno Jaspaert - Chủ tịch EuroCham Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp châu Âu không thể lường trước những biện pháp thuế quan quyết liệt như vậy. Họ vẫn đặt niềm tin vào khả năng ngoại giao khéo léo của Việt Nam trong việc điều hướng căng thẳng thương mại toàn cầu. Khoảng 2/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát giữ quan điểm trung lập - không quá lạc quan nhưng cũng không quá lo ngại.

Các danh nghiệp châu Âu tại Việt Nam
Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam không lường trước những biện pháp thuế quan như hiện tại - Ảnh: Thùy Dương

Theo EuroCham Việt Nam, ngay trước "cơn bão" này, họ đã khảo sát các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Khảo sát cho thấy, 39% doanh nghiệp dự đoán chiến lược giá - bao gồm biến động thuế quan và chi phí vận hành - sẽ là thách thức lớn. Trong khi đó, 36% dự đoán nhu cầu thị trường và doanh thu sẽ gặp khó khăn từ mức trung bình đến đáng kể.

“Mặc dù vậy, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa điều chỉnh chiến lược đầu tư hoặc tuyển dụng, phản ánh cách tiếp cận "chờ đợi và quan sát" trước những biến chuyển trong chính sách thương mại toàn cầu được dự báo nhưng chưa chắc chắn ở thời điểm khảo sát" - ông Bruno Jaspaert cho biết.

Cũng theo khảo sát, tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trong quý I/2025 có dấu hiệu cải thiện nhẹ so với các quý trước. Cụ thể, 42% doanh nghiệp tham gia khảo sát giữ quan điểm trung lập về môi trường kinh doanh, cho thấy ưu tiên cảnh giác trước những thay đổi đang diễn ra trên thế giới.

Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn là yếu tố chi phối tâm lý chung. Hơn một nửa số doanh nghiệp (52%) coi suy giảm kinh tế toàn cầu và biến động trong thương mại quốc tế là những mối lo ngại hàng đầu. Trong khi đó, 36% chỉ ra rằng sự không chắc chắn trong chính sách quản lý và quy định pháp lý đang kìm hãm triển vọng kinh doanh của họ.

Bên cạnh đó, dù 68% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư - thể hiện cam kết dài hạn của họ - nhưng con số này đã giảm 7 điểm phần trăm so với quý IV/2024, khi 75% bày tỏ sự tin tưởng tương tự. Điều này phản ánh sự cẩn trọng hơn của các doanh nghiệp châu Âu trong cách nhìn nhận và tiếp cận môi trường đầu tư của Việt Nam.

Các doanh nghiệp cho biết, họ đang quan sát kỹ lưỡng những thay đổi pháp lý sắp tới. Cụ thể là kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2025 dự kiến sẽ đưa ra những điều chỉnh đối với các luật như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quảng cáo, khiến nhiều doanh nghiệp giữ tâm thế theo dõi sát sao. Phần lớn các doanh nghiệp cho biết họ sẽ duy trì chiến lược "chờ và quan sát" trước những thay đổi này.

Thực tế, các doanh nghiệp châu Âu từ lâu đã đánh giá cao sự linh hoạt của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, điều này được củng cố qua cách tiếp cận tinh tế nhưng quyết đoán của Chính phủ trước những thách thức toàn cầu. Theo đánh giá của họ, sức bền của nền kinh tế Việt Nam không chỉ dựa vào những con số tăng trưởng, mà còn ở khả năng thích ứng - cả về mặt cơ cấu nội bộ lẫn chiến lược đối ngoại - trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động. Những thách thức mới liên tục xuất hiện, đòi hỏi sự gắn kết để biến khó khăn thành cơ hội.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI