Doanh nghiệp cần sự đồng hành để sớm phục hồi sản xuất - Bài 1:

Doanh nghiệp chật vật tự gỡ khó

03/11/2021 - 06:26

PNO - Quay lại sản xuất gần một tháng nay nhưng các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các quy định về xét nghiệm, sử dụng lao động, di chuyển liên tỉnh.

LTS: Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam đã và đang nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất sau thời gian dài giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19. Thế nhưng, các doanh nghiệp đang gặp phải hàng loạt khó khăn, trở ngại do các yếu tố khách quan, chủ quan và rất cần sự đồng hành từ những chính sách phù hợp của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương. 

Chỉ làm cầm chừng, chưa dám bung sức

Bà Huỳnh Phương Trinh - Phó Tổng giám đốc sản xuất Công ty Bột Quốc tế Intermix - cho biết, hiện công ty bị thiếu hụt hơn 15% nguồn lao động. Công ty đã nâng mức lương, trợ cấp nhưng việc tuyển dụng vẫn khó khăn do người lao động không thể về quê để làm hồ sơ tuyển dụng. Do tuân thủ quy định mở cửa từng giai đoạn nên hiện công ty chỉ mới hoạt động khoảng 60% năng suất. Vừa chia ca sản xuất, vừa thiếu lao động nên đơn hàng giao chậm, nhiều khách hàng đã chuyển đơn hàng đi nơi khác. Ngoài ra, do đang tồn lượng lớn nguyên liệu không sản xuất kịp trong thời gian giãn cách xã hội nên công ty phải tốn thêm chi phí thuê kho để dự trữ. 

Cũng theo bà Phương Trinh, hầu hết chi phí đầu vào đều tăng cao, giá nguyên phụ liệu tăng phi mã, như giá bột mì từ 600 USD/tấn nhảy lên 850 USD/tấn. Cũng may, công ty có nguyên liệu dự trữ nên vẫn giữ nguyên giá sản phẩm để giữ khách.

“Quy trình xử lý trường hợp nhiễm bệnh chưa nhất quán giữa các quận, huyện. Như với việc cách ly ca nhiễm, nơi thì cho cách ly 21 ngày, nơi thì 28 ngày nên công ty lúng túng. Cần có sự nhất quán giữa các địa phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) phòng, chống dịch hiệu quả, an toàn. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng yêu cầu phải xét nghiệm SARS-CoV-2 cho nhân viên khi vào công ty họ, dẫn đến phát sinh thêm nhiều chi phí. Chúng tôi đang phải sản xuất cầm chừng để giữ khách hàng và tạo việc làm cho nhân viên, đang phải chịu lỗ chứ chưa có lợi nhuận” - bà Phương Trinh cho hay.

Do quy định di chuyển khó khăn, thời gian cách ly dài ngày nên nhân sự tại Công ty TNHH Công nghệ môi trường WEPAR luôn thiếu hụt, không dám nhận hợp đồng mới
Do quy định di chuyển khó khăn, thời gian cách ly dài ngày nên nhân sự tại Công ty TNHH Công nghệ môi trường WEPAR luôn thiếu hụt, không dám nhận hợp đồng mới

Ông Trần Minh Tú - Giám đốc điều hành Nhà máy sản xuất Kềm Nghĩa Sài Gòn - cho biết, nhà máy cũng đang thiếu 10% lao động và vẫn chưa tuyển được. Trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội, do chậm tiến độ sản xuất nên đơn hàng bị hủy liên tục. Hiện nay, sau nhiều lần đàm phán, cam kết, đơn hàng không còn bị hủy nhưng công ty vẫn chưa rõ theo quy định có bao nhiêu ca mắc COVID-19 (F0) thì phải đóng cửa nên vừa sản xuất, vừa hồi hộp. Nếu nhà máy bị đóng cửa đột ngột, chắc chắn các đối tác sẽ rời đi và không bao giờ trở lại. 

Ông Trần Minh Tú cho hay, theo quy định, DN nào không có nhân viên y tế để làm xét nghiệm thì có thể thuê nhân viên y tế bên ngoài hoặc cử nhân sự đi học. DN đã tốn chi phí cử nhân viên đi học nhưng khi xét nghiệm, vẫn phải có thêm nhân viên y tế “chính quy” đến giám sát, rất lãng phí. Hiện nay, quy định xét nghiệm đầu vào cho công nhân không còn phù hợp với tình hình mới, không có giá trị, gây tốn kém cho DN bởi sau đó, công nhân vẫn về nhà, tiếp xúc nhiều người và vẫn có nguy cơ lây nhiễm. Thế nhưng, quy định này vẫn chưa được bãi bỏ hoặc sửa đổi. “Quy định phải cách ly 2-3 tuần đối với F0 (tùy quận, huyện) dù đã tiêm hai mũi vắc-xin cũng không hợp lý trong bối cảnh DN cạn kiệt nguồn chi phí và thiếu nhân lực như hiện nay” - ông Trần Minh Tú nói thêm. 

Xét nghiệm với mật độ cao là không ổn

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mãi - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ môi trường WEPAR -do các quy định về xét nghiệm và cách ly còn nghiêm ngặt nên tình trạng thiếu hụt nhân sự của các DN càng thêm trầm trọng. Trong đợt giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vừa qua, nhân sự của WEPAR chỉ còn 20-30% do nhiều người về quê. Hiện tại, công ty vẫn thiếu 50% nguồn lao động. Các dự án của công ty rải rác ở các quận, huyện và các tỉnh, nhân viên của WEPAR đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin nhưng do ra ngoài tiếp xúc nhiều người nên dễ nhiễm bệnh, nếu bị nhiễm thì dù đã tiêm hai mũi vẫn bị buộc phải cách ly 14 ngày. Điều này càng khiến nhân sự thêm thiếu hụt. 

Bà Xuân Mãi than: “Khách hàng sợ dịch bùng phát trở lại nên hối thúc thực hiện các dự án gấp nhưng do thiếu hụt nhân sự, việc lưu thông liên tỉnh vẫn trắc trở nên chúng tôi không dám ký thêm hợp đồng mới mà chỉ duy trì các hợp đồng cũ để giữ khách. Trong khi đó, chúng tôi đang phải tốn chi phí xét nghiệm COVID-19 cho nhân viên từ 3-5 ngày/lần theo quy định. Chúng tôi mong muốn việc lưu thông giữa các tỉnh được thuận lợi, bỏ quy định cách ly bảy ngày đối với F0 khỏi bệnh và người đã tiêm hai mũi vắc-xin nếu đi công tác từ các tỉnh về”. 

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các DN Khu công nghiệp TPHCM (HBA) - phản ánh, việc đưa F0 đi cách ly vẫn chưa khoa học, mỗi đơn vị y tế lại có cách giải quyết riêng. Sở Y tế TP.HCM cho phép y tế tư nhân hỗ trợ đưa công nhân đi cách ly, nhưng chi phí xe mỗi nơi mỗi kiểu. Khu vực nào là đối tác của bệnh viện dã chiến nhà nước thì DN đỡ tốn kém, còn nếu là bệnh viện tư nhân thì DN phải tốn từ 1,5-3 triệu đồng/F0. Trong khi đó, theo luật, chi phí xử lý bệnh truyền nhiễm là do Nhà nước lo. 

Theo ông, quy định xét nghiệm với mật độ cao là không ổn. Bộ Y tế đã có văn bản quy định chỉ xét nghiệm 20% và hai tuần/lần, nhưng theo bộ tiêu chí 10 điểm do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM ban hành, người có thẻ xanh vẫn phải xét nghiệm mỗi tuần/lần, thẻ vàng và nhóm có nguy cơ cao vẫn phải xét nghiệm ba ngày/lần. Nhìn chung, DN đang phải chịu chi phí xét nghiệm rất lớn.

Chưa thể gọi là “bình thường mới”

Theo ông Nguyễn Văn Bé, qua sáu tháng đại dịch, DN nào có ký túc xá hoặc khu lưu trú công nhân thì DN đó rất chủ động trong phòng, chống dịch do áp dụng được phương thức sản xuất “ba tại chỗ”. Do đó, trong các dự án khu công nghiệp, cần có hạng mục xây dựng khu lưu trú công nhân. Các bộ, ngành - nhất là Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an - cần có sự đồng bộ trong việc kiểm soát thông thương liên tỉnh bằng một hệ thống quốc gia vì 400 khu công nghiệp và khu kinh tế của cả nước cần được kết nối giao thương nhanh chóng nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên phụ liệu, hàng xuất nhập khẩu. 

“Cần phải làm rõ như thế nào là kiểm soát dịch hiệu quả, tránh những quyết định không đem lại hiệu quả như thời gian qua. Chẳng hạn như việc yêu cầu hơn 30.000 công nhân Công ty Freetrend nghỉ việc và đóng cửa nhà máy khi chỉ xuất hiện vài chục trường hợp nhiễm bệnh là vội vàng, hay giãn cách xã hội trên diện rộng lúc chưa cần thiết, hoặc thiếu vắc-xin nhưng lại tiêm cào bằng trong toàn xã hội thay vì ưu tiên cho các lực lượng tiền tuyến, trực tiếp sản xuất, lưu thông hàng hóa. Nếu như yêu cầu DN phải kiểm soát dịch hiệu quả mà chính quyền lại chống dịch lúng túng như cũ thì cũng như không” - ông Nguyễn Văn Bé nói. 

Quay lại sản xuất đã gần một tháng nhưng các doanh nghiệ p vẫn còn chật vật bài toán lao động, nguyên liệu, các quy định bảo đảm an toàn phòng, chống dịch (trong ảnh: Nhà máy sản xuất Kềm Nghĩa Sài Gòn đang thiếu 10% lao động) ẢNH: T.HOA
Quay lại sản xuất đã gần một tháng nhưng các doanh nghiệ p vẫn còn chật vật bài toán lao động, nguyên liệu, các quy định bảo đảm an toàn phòng, chống dịch (trong ảnh: Nhà máy sản xuất Kềm Nghĩa Sài Gòn đang thiếu 10% lao động).

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TPHCM - cho rằng, tiêu chí quan trọng là phải nâng cao tính cạnh tranh của thị trường trong nước và nước ngoài, nhưng hiện Việt Nam phục hồi kinh tế khá chậm, dẫn đến giảm sức cạnh tranh với các nước. Khi đối tác ký hợp đồng, họ xem xét, đánh giá các nguồn cung ứng, trong khi việc nối lại nguồn cung ứng, logistics vẫn chưa ổn, TP.HCM vẫn chưa mở cửa hoàn toàn để DN yên tâm sản xuất. Với tình hình hiện nay thì chưa thể gọi là “bình thường mới”.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng nói về sự thiếu nhất quán, đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương gây khó cho DN: “Quốc hội đã đưa ra nhiều quyết sách, chỉ thị nhưng khi triển khai đến địa phương thì chưa nhất quán. Bộ máy hành chính cần tìm cách phục vụ cho DN chứ không chỉ quản lý DN. Những chính sách Nhà nước hỗ trợ DN vẫn vướng ở thủ tục thực hiện nên nhiều DN chưa tiếp cận được. Cần có sự đồng bộ và quan trọng là làm sao cho DN an tâm đầu tư sản xuất”. 

Ngày 1/11, Sở Y tế TPHCM ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp. Theo đó, người lao động chỉ cần tiêm một mũi vắc-xin và có kế hoạch tiêm chủng tiếp mũi hai, người đã tiêm đủ hai mũi, người đã khỏi bệnh đều được tham gia sản xuất. Tại nơi làm việc, người lao động phải tuân thủ 5K. 

Chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, tác động của dịch bệnh là có nhưng tác động của các biện pháp phòng, chống dịch chính là nguyên nhân gây đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian qua. Vấn đề lớn nhất hiện nay là tạo niềm tin cho DN và người lao động. “Dịch có thể bùng phát đợt mới với mức độ dữ dội hơn nhưng vấn đề cần tính đến là phải có giải pháp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, sống chung an toàn với dịch. Đóng cửa, dừng lại tất cả hoạt động là biện pháp đơn giản nhất nhưng hậu quả là rất nặng nề” - tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định. 

Thanh Hoa - Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI