Doanh nghiệp chật vật tìm nguyên vật liệu

12/04/2022 - 06:09

PNO - Giá nguyên vật liệu tăng nhanh, tốc độ vận chuyển chậm làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp lại không thể tăng giá sản phẩm bán ra.

Tranh nhau mua nguyên liệu 

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) - cho biết: các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ nội thất đã ký hợp đồng xuất khẩu đơn hàng đến quý III/2022, thậm chí có DN đã ký hợp đồng cung ứng sản phẩm đến hết năm. Thế nhưng hầu hết hiện đang thiếu gỗ nguyên liệu do phần lớn gỗ nguyên liệu được nhập khẩu từ Nga, mà Nga lại đang bị nhiều nước cấm vận. 

Bà Lê Thị Bích Cảnh - Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Mỹ Đức - cho biết Nga là nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu lớn của cả thế giới. Từ khi có dịch COVID-19, các loại gỗ sồi trắng, óc chó, tần bì đã thiếu, khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, tình trạng thiếu hụt càng trầm trọng hơn. Ngoài nhập gỗ trực tiếp từ Nga, các DN Việt Nam còn nhập gỗ của Nga thông qua Trung Quốc nhưng hiện các nhà cung cấp của Trung Quốc cũng đang giữ lại nguồn gỗ nguyên liệu để bù đắp sự thiếu hụt. Các DN chế biến gỗ đang phải cạnh tranh nhau để có nguyên liệu, khiến giá gỗ tăng 55% và dự báo sẽ còn tăng thêm nữa. Giá gỗ keo trong nước cũng tăng nhanh do ảnh hưởng của giá xăng dầu. 

“Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu có thể ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, nguy cơ phải bồi thường hợp đồng rất lớn. Nhiều DN đang chọn giải pháp thu hẹp sản xuất” - bà Lê Thị Bích Cảnh nói. 

Nhiều ngành nghề sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu hiện gặp không ít khó khăn do chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị đứt gãy
Nhiều ngành nghề sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu hiện gặp không ít khó khăn do chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị đứt gãy

Ngành chế biến thực phẩm cũng gặp khó khăn tương tự. Ông Lê Anh - Giám đốc Công ty TNHH Lê Gia - cho biết do giá dầu tăng mạnh, nhiều tàu cá ở tỉnh Thanh Hóa giảm hoặc ngừng đánh bắt khiến nguồn nguyên liệu cá cơm than, tép, ruốc… của công ty thiếu hụt, tăng giá 50 -70%. Lê Gia phải thu mua khắp cả nước, chịu phí vận chuyển cao. Chai, lọ, bao bì, tem nhãn, màng co ni-lông, nắp chai, vỏ thùng các-tông cũng đang thiếu hụt, tăng giá…

Phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, với những khó khăn hiện tại, cần có chính sách phát triển nguồn gỗ trồng trong nước. Đó là giải pháp dài hạn. Trước mắt, cần có một kênh dự báo sớm về giá cước, giá nguyên liệu, mùa vụ sản xuất của các nước… để các DN nắm rõ và chủ động điều chỉnh phương án sản xuất. 

Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN TPHCM - cho biết dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm thu hẹp hoặc tắc nghẽn dòng tiền của hầu hết DN. Muốn thay đổi công nghệ, tìm nguyên liệu thay thế hay tăng dự trữ nguyên liệu, DN phải có vốn lớn. Với tình hình thế giới bất ổn như hiện nay, các DN phải có kế hoạch tài chính trong ba năm thay vì chỉ một năm như lâu nay. 

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, điều mong mỏi chung của các DN hiện nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có các chính sách phù hợp, tốt nhất để DN tiếp cận nguồn vốn vay, khoanh nợ, gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ (bao gồm nợ gốc và lãi tới hạn), giảm lãi suất tiền vay trên cơ sở hạ thấp tỷ lệ thu nhập lãi cận biên của ngân hàng thương mại (NHTM) đến mức phù hợp. Cần gia hạn nợ đến hết năm 2023 thay vì quy định đến tháng 6/2022. Đồng thời, DN cũng mong NHNN cho phép các NHTM áp dụng chính sách ân hạn đến ba năm (từ năm 2021-2023) đối với các khoản vay trung và dài hạn. Thời gian của hợp đồng vay cũng kéo dài thêm tương ứng với thời gian ân hạn mà không làm thay đổi số tiền phải trả lãi từng kỳ theo lịch trả nợ trước đó, nhằm giảm áp lực trả nợ. 

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, ngành dệt may, giày da, gỗ, điện tử, ô tô… dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng là những ngành phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Do nhu cầu nhập khẩu lớn nên các DN luôn phụ thuộc về số lượng, tiến độ, giá cả, quá trình vận chuyển. 

Theo ông, Việt Nam đã xây dựng nhiều đề án khuyến khích, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển để tự chủ nguồn cung nguyên vật liệu nhưng trải qua hàng chục năm, ngành công nghiệp này vẫn mờ nhạt, ì ạch. Nguyên nhân là do các đề án chỉ mang ý nghĩa động viên là chính, chưa có chính sách khuyến khích hoặc có nhưng khó tiếp cận. Do đó, cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành này ngay từ bây giờ. 

Tại hội nghị giao ban với các tổ chức hội quý I/2022 mới đây, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM - cho biết sở sẽ tăng cường hoạt động kết nối giữa DN với ngân hàng, tích hợp, cung cấp thông tin về thị trường, chính sách thị trường một cách thuận lợi cho DN… Năm 2022, thành phố sẽ tập trung triển khai kêu gọi đầu tư vào các trung tâm logistics, phối hợp triển khai hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao; đồng hành với các DN trong hoạt động xúc tiến, kích cầu…

Tại tọa đàm “Tìm giải pháp kéo giảm chi phí xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp” ngày 6/4, ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan - nhận định những tác động xấu đến chuỗi cung ứng, logistics và nhiều khâu khác của xuất nhập khẩu sẽ còn dai dẳng, không thể giải quyết ngay trong thời gian ngắn. Mặc dù Chính phủ đã có những gói kích cầu, hỗ trợ nhưng DN vẫn mong muốn có thêm những cơ chế hỗ trợ về vốn; kéo dài hơn thời hạn áp dụng thuế VAT 8%…

Đại diện Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam cũng kiến nghị tăng cường đơn giản hóa thủ tục hải quan để giảm bớt chi phí cho DN. Áp dụng các biện pháp thủ tục hải quan đơn giản, minh bạch, hiệu quả như chỉ sử dụng một văn bản hành chính (giấy hay điện tử) duy nhất đối với hàng hóa làm thủ tục hải quan; chỉ sử dụng một phương pháp kiểm tra hàng hóa (máy soi hay thủ công)…

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI