Doanh nghiệp cần vốn hay thị trường?

28/03/2013 - 07:05

PNO - PN - Trần lãi suất (LS) huy động chính thức về mức 7,5%/năm từ ngày 26/3, kéo theo LS cho vay ngắn hạn cũng được hạ xuống ở mức phổ biến 10,5 - 11,5%/năm. Mặc dù LS hạ nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn ngại vay vốn ngân hàng (NH), bởi...

Đó chỉ là LS của vốn ngắn hạn, trong khi DN lại cần những đồng vốn dài hạn hơn, mà những kỳ hạn từ 12 tháng trở lên hiện vẫn do tổ chức tín dụng ấn định. Chính vì thế, hiện vốn vay ở các kỳ hạn dài vẫn ở mức 14-15%/năm. Ngoài ra, vấn đề tài sản thế chấp cũng là một trở ngại không nhỏ. Theo một DN cơ khí ở Q.Bình Tân, TP.HCM, DN này đang có nhu cầu vay năm tỷ đồng để nhập nguyên vật liệu nhưng đến NH nào cũng bị đòi tài sản thế chấp có giá trị trên mười tỷ đồng. “Tôi mang giấy tờ nhà đi thế chấp nhưng chỉ được vay khoảng hai tỷ đồng vì giá trị nhà và đất chỉ khoảng năm tỷ đồng”, giám đốc DN nói trên cho biết.

Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Linh Như cho biết, dù LS tiền gửi thời gian gần đây giảm khá mạnh, nhưng ông vẫn phải vay với LS 16,5%/năm. Vì thế, ông chỉ dám vay khi đã ký được hợp đồng và vay số vốn vừa đủ. Là một DN sản xuất thương mại nên hàng tồn kho không nhiều, nhưng ông Quang cũng cho rằng, năm qua các DN phải đối mặt với khá nhiều khó khăn do giá đầu vào tăng mạnh. Cho đến thời điểm này, tình hình thị trường thực sự chưa mấy sáng sủa, nên việc khôi phục sản xuất là không khả thi. “Nếu LS cho vay hạ xuống mức 10-12%/năm thì may ra mới dám vay vốn để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, LS hạ là một chuyện, thị trường có hấp thu sản phẩm hay không mới quan trọng. Nếu không, sản xuất ra rồi chất đống trong kho thì cũng chết”, ông Quang nói.

Doanh nghiep can von hay thi truong?

Ảnh minh họa: Internet

Theo số liệu của NH Nhà nước, tính đến ngày 21/3, tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu khởi sắc với mức tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 0,03% so với cuối năm 2012. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ lại âm 1,54%, so với cuối năm 2012, tín dụng bằng ngoại tệ âm đến 6,25%. Trong khi đó, huy động vốn tiếp tục tăng 1,81% so với tháng trước và tăng 3,86% so với cuối năm ngoái. Nhìn những con số trên có thể thấy, tốc độ tăng trưởng của huy động vốn vẫn cao hơn cho vay, tình hình hấp thụ vốn của DN thực sự chưa khả quan, dù LS đã hạ xuống mức có thể chấp nhận được. Theo nhận định của ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc NH Á Châu, nguyên nhân chính của tình trạng này là do DN khó bán được hàng hóa, dẫn đến không có nhu cầu vay thêm vốn để sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, dù các NH có giảm thêm LS, DN cũng không mặn mà.

Hiện tại, việc cho vay khó khăn nên các NH phải giảm giá vốn, giảm LS huy động. Theo nhận xét của các NH, vào thời điểm này, nếu giảm LS huy động, lượng tiền gửi vào NH không giảm nhiều vì các kênh đầu tư khác không hấp dẫn. Trong khi đó, nếu huy động với LS cao mà không cho vay được, NH sẽ ứ đọng vốn giá cao, mua trái phiếu cũng không có lãi. Vì vậy, việc giảm LS huy động là cần thiết. Theo dự báo của ông Toàn, khả năng LS huy động sẽ được cơ quan quản lý công bố giảm thêm 0,5-1%/năm trong thời gian tới, vì lạm phát đang được kiểm soát khá tốt. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc gỡ trần LS huy động có thể sẽ được cân nhắc trong nửa cuối năm 2013. Tuy nhiên, hiện trần LS huy động không còn là ưu tiên hàng đầu của chính sách tiền tệ cũng như không phải là mối quan tâm lớn của cộng đồng DN. Thực tế cho thấy, điều cần nhất cho DN lúc này chính là thị trường, chứ không phải vốn.

Ca Hảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI