Doanh nghiệp cần được hỗ trợ niềm tin

14/09/2020 - 06:39

PNO - Khi ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 được đánh giá ghê gớm hơn và gói hỗ trợ lần thứ hai cũng đã được đề xuất trong bối cảnh nhiều đối tượng chưa tiếp cận được gói hỗ trợ lần thứ nhất, một số đại diện doanh nghiệp cho rằng, các chính sách phải hướng đến việc củng cố niềm tin và động lực cho doanh nghiệp.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký quyết định tổ chức điều tra đột xuất đánh giá tác động của dịch COVID-19 tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp lần thứ hai. Tổng cục Thống kê được giao lên phương án, tổ chức điều tra, tổng hợp và công bố kết quả trong tháng 9/2020 để Chính phủ và các cấp, các ngành, các địa phương có căn cứ ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu thiệt hại, ổn định và phát triển. 

Khảo sát của Ban IV, 47% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, tỷ lệ doanh nghiệp cắt giảm trên 50% lao động chiếm 33%
Khảo sát của Ban IV, 47% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, tỷ lệ doanh nghiệp cắt giảm trên 50% lao động chiếm 33%

Trước khi có đợt điều tra này, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cũng đã khảo sát lần 3 ở 349 doanh nghiệp và 15 hiệp hội về tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần 2 và công bố cách đây ít ngày. Kết quả, 20% doanh nghiệp trả lời đã phải tạm dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp cho biết không cân đối được thu chi, 2% đã giải thể và chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng. Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt trong 6 tháng tới là không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; đảm bảo trả lương, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, tiền vay ngân hàng và các chi phí về điện, nước, nhiên liệu đầu vào, tiền thuê nhà xưởng, kho bãi…

Đáng chú ý, điều đầu tiên trong các khuyến nghị chính sách mà Ban IV gửi Chính phủ là việc củng cố niềm tin của doanh nghiệp thông qua chính sách và thực thi chính sách. Trong hai cuộc khảo sát do chính đơn vị này thực hiện cách đây vài tháng, hầu hết các doanh nghiệp trả lời hoàn toàn tin tưởng và đánh giá cao việc Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành kịp thời phòng chống, ngăn chặn dịch, đảm bảo an toàn cho người dân, giúp doanh nghiệp dần ổn định và tái thiết cơ hội sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, trong lần khảo sát thứ ba, đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội. Đại diện rất nhiều doanh nghiệp cho biết, họ rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ do nhiều điều kiện chưa hợp lý, thiếu thực tiễn, quy trình thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian chờ đợi các cấp hướng dẫn. Từ đó, họ không còn hào hứng đưa ra các giải pháp, kiến nghị. Đặc biệt, một số hiệp hội còn bày tỏ sự thất vọng do kiến nghị nhiều lần nhưng gần như không có sự thay đổi.

“Nhiều doanh nghiệp đang chịu thiệt hại nặng nề do dịch, đứng trước áp lực về dòng tiền, về sự bất định của tương lai nên góc nhìn có xu hướng trở nên tiêu cực hơn” - Ban IV đánh giá. Do vậy, ban này đề xuất, chính sách của Chính phủ trong gói hỗ trợ tới đây cần hướng đến việc củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp lên hàng đầu. Đồng thời, Chính phủ cũng cần có các quyết sách và cơ chế giúp chính sách ra đời nhanh, thực thi kịp thời, minh bạch… vì theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng cần “cấp cứu” nhưng các chính sách hỗ trợ không được thực thi nhanh khiến doanh nghiệp “chết lâm sàng”.

Thay vì hỗ trợ khi doanh nghiệp đã kiệt quệ, Ban IV đề nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi hoặc báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi một số chính sách theo hướng giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra, để doanh nghiệp cân đối và sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu nhằm giữ người lao động, duy trì sản xuất, kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp và hiệp hội tiếp tục kiến nghị Chính phủ áp dụng mạnh hơn việc miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản tiền phải nộp trong năm 2020-2021, như các loại tiền bảo hiểm, tiền thuế, phí với Nhà nước, tiền thuê đất, tiền lãi vay ngân hàng, kinh phí công đoàn... 

T.Hùng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI