Doanh nghiệp bắt tay nông dân để rộng đường xuất khẩu

02/04/2018 - 16:30

PNO - Hiện rất nhiều loại trái cây tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa xuất khẩu do hàng loạt thị trường đẩy mạnh nhập khẩu, trong đó có nhiều loại trái mà ít ai nghĩ có thể xuất khẩu được.

Xuất khẩu những trái “dân dã” 

Vừa đóng một container tắc hơn chục tấn để xuất khẩu sang Trung Đông, ông Nguyễn Bá Tùng - chủ cơ sở kinh doanh trái cây xuất khẩu Ba Tương (H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) - cho biết, thời gian gần đây, rất nhiều loại trái cây “dân dã” lại được nhiều thị trường ưa chuộng.

Xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn vào những thị trường lớn không còn là điều mới lạ; những loại trái gia vị (chanh, tắc…) hay những loại trái tưởng chừng như chỉ để “ăn chơi” như ổi cũng có đơn hàng ở những thị trường lớn. 

Một ký ổi nếu bán cho thương lái tại vườn, chỉ được khoảng 3.000-3.500 đồng, nhưng khi bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giá thu mua là 4.000 đồng/kg. Tất nhiên, ổi xuất khẩu đòi hỏi tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm cao hơn. Đặc biệt, một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật còn bắt buộc phải có mã vùng trồng. Bù lại, ổi xuất khẩu vào Canada có giá hơn 70.000 đồng/kg, tắc cũng hơn 50.000 đồng/kg.

Doanh nghiep bat tay nong dan de rong duong xuat khau
Đang là năm thứ ba ngành hàng trái cây đẩy mạnh xuất khẩu bằng việc thay đổi chất lượng.

Chủ một cơ sở xuất khẩu trái cây khác tại tỉnh Tiền Giang cũng chia sẻ, gần đây, cơ sở liên tục xuất khẩu ớt chỉ thiên đi Nhật và trái khổ qua đi Đài Loan. Quy trình trồng, thu hoạch và sơ chế những nông sản này rất nghiêm ngặt:  trái ớt phải thẳng, dài khoảng 5cm, khi bỏ lên lọt khuôn quy định mới được chọn lựa; khổ qua thì phải vệ sinh cả những kẽ nhỏ nhất của trái để tránh tồn dư bọ rệp. 

Thị trường nước ngoài “hút” hàng trái cây khiến nhiều mặt hàng cũng tăng giá nhanh chóng. Những năm trước, mít khoảng 40.000 đồng/kg đã được xem là được giá thì nay tăng lên trên 60.000 đồng/kg; chanh không hạt từ 20.000 đồng/kg cũng tăng vọt lên trên 30.000 đồng/kg; giá nhãn, thanh long, vú sữa… cũng tăng cao. Theo một số chủ vựa trái cây lớn tại tỉnh Tiền Giang, giá trái cây xuất khẩu tăng bình quân 10.000-15.000 đồng/kg ở hầu hết các loại trái.

Nhà xuất khẩu “bắt tay” với nông dân

Hơn 70 tuổi, sở hữu hơn 5ha nhãn, ông Lê Thành Lộc - chủ vườn nhãn tại ấp An Hòa, xã An Nhơn, H.Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp - cho hay, nhờ xuất khẩu mà vườn nhãn của gia đình ông mới thực sự có giá trị.

Sau hai năm xuất khẩu nhãn “vườn nhà” đi Mỹ, ông đúc kết: “Bán thứ người ta cần chứ không phải bán cái mình có”. Trước đây, hộ ông và nhiều hộ trồng nhãn khác canh tác, bón phân, phun thuốc đều theo thói quen hoặc theo tư vấn của cửa hàng vật tư nông nghiệp. Từ khi “bắt tay” với các nhà xuất khẩu thì các hộ dần thay đổi. Nhà thu mua cung cấp cho các hộ danh sách những hóa chất cấm sử dụng đối với nhãn khi xuất khẩu, nông dân mang danh sách những chất này đến cửa hàng, yêu cầu chỉ bán những vật tư không chứa những thành phần trên.

Thậm chí, những nông dân như ông Lộc còn chuẩn bị sẵn cả thiết bị kiểm tra nhanh dư lượng một số chất tồn dư để đề phòng rủi ro. Họ càng mạnh dạn thay đổi thói quen canh tác khi giá thu mua tốt và được đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản lượng.

Nhiều người trồng nhãn xuất khẩu tại tỉnh Đồng Tháp còn chủ động giảm dần sự phụ thuộc vào hóa chất, phân hóa học. Một nhóm nông dân trồng nhãn còn thành lập  hội quán, thường gặp mặt nhau mỗi tuần một lần để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm làm vườn.

Hội quán còn kết nối với một số nhà khoa học và biết được cách cải tạo đất bằng phân vi sinh thay vì liên tục đổ phân hóa học vào thúc cây, chế được thuốc trừ sâu ngâm từ các loại cây cỏ. Nhờ vậy mà cả H.Châu Thành có 100/500ha nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi bất cứ thị trường nào.

Khi thay đổi thói quen trong canh tác trái cây, nông dân cũng được bù đắp một cách xứng đáng. Ông Huỳnh Văn Quyền - nông dân trồng hơn 1ha thanh long tại H.Châu Thành, tỉnh Long An - cho hay, từ khi liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, công sức bỏ ra cho vườn nhiều hơn, vì phải bảo đảm tiêu chuẩn về kích cỡ, trọng lượng trái trong điều kiện không dùng phân, thuốc hóa học.

Thế nhưng, ông cảm thấy công sức bỏ ra được đền bù xứng đáng. Lý do là sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận thu được từ vườn thanh long đã trên 1 tỷ đồng. “Cái được lớn nhất là không phải thấp thỏm trông chờ vào thương lái” - ông Quyền cho hay. Giờ đây, các hộ nông dân đã có thông tin về nhu cầu từ các thị trường nhiều hơn, tránh được chuyện ép giá.

Ông Nguyễn Đình Mười - Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T - cho biết, trước nay, nông dân trồng theo nhu cầu của thương lái, mà thị trường của thương lái hẹp hơn. Họ không được định hướng là trồng như thế nào để có thể bán được ra nhiều nước.

Trong khi đó, những thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Úc, Trung Đông lại cần rất nhiều loại trái cây từ Việt Nam. Đặc biệt, họ sẵn sàng trả giá cao hơn để có được sản phẩm chất lượng, theo tiêu chuẩn rất khắt khe. Nếu doanh nghiệp nắm bắt được đòi hỏi của thị trường và đặt hàng thì nông dân sẽ làm được. 

Ông Mười dẫn chứng, thị trường Nhật chuộng trái thanh long từ Bình Thuận vì trái này có độ chua, trong khi thị trường Mỹ lại chuộng trái thanh long ngọt từ miền Tây Nam bộ. Chỉ khi nhà xuất khẩu nắm được nhu cầu nhà nhập khẩu và biết đặt hàng với nông dân thì cả hai mới có thể cùng hưởng lợi. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI