Sáng ngày 22/2, tại trụ sở UBND TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP đã có buổi đối thoại trực tiếp với 36 doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP nhằm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.
Tình trạng sụt giảm nguồn cung bất động sản là nút thắt lớn của thị trường bất động sản TPHCM trong 2 năm qua, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật. Hậu quả, cả năm 2019 chỉ có 1 một dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận chủ trương đầu tư” (giảm 12 dự án so với năm trước) và chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư” (giảm 24 dự án).
Tại cuộc họp, Công ty CP địa ốc Thảo Điền (Công ty địa ốc Thảo Điền) kiến nghị các cơ quan chức năng xem giải quyết vướng mắc tại dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý (91A Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Bình, quận 9).
Dự án được UBND TPHCM chấp thuận đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) có văn bản giao đất, Cục Quản lý hoạt động của Bộ Xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở công trình… theo các quyết định này thời gian hoàn thành dự án dự kiến quý II/ 2018 nhưng đến nay công ty vẫn chưa thể triển khai dự án.
“Chúng tôi đã hoàn tất tất cả các thủ tục theo yêu cầu của các cấp, cơ quan có thẩm quyền. Phần đất thực hiện dự án chúng tôi đã quản lý, sử dụng từ năm 1993, nguồn vốn thực hiện dự án là nguồn vốn của công ty và đối tượng phục vụ của dự án là nhà ở xã hội cán bộ công nhân, viên chức, người nghèo… trên địa bàn quận 9 và lân cận. Đến thời điểm này gần 10 năm chúng tôi vẫn chưa được giao đất. Trong trường hợp không thể giải quyết được, thời gian đã quá lâu (gần 10 năm), chúng tôi mong thành phố có văn bản trả lời để chúng tôi có thể tiếp tục hay ngưng triển khai dự án” – đại diện Công ty địa ốc Thảo Điền kiến nghị.
|
Công ty Him Lam kiến nghị thành phố gỡ vướng cho dự án khu nhà ở Him Lam, quận 9 |
Còn theo Công ty CP đầu tư kinh doanh địa ốc Him Lam (Công ty Him Lam) dự án thành phần khu nhà ở Him Lam (phường Phước Bình, quận 9) thuộc dự án thành phần của dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc (quận 9) do Công ty CP Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính.
Nhưng do Công ty Địa ốc 10 đến nay vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm của chủ đầu tư chính, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng; dự án bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, điều tra, dẫn đến Khu nhà ở Him Lam vẫn chưa được giao đất để công ty thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho khách hàng.
Công ty Him Lam đề nghị được thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính theo tỷ lệ phân bổ cho dự án, để Công ty Địa ốc 10 hoàn thành trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng trục chính của dự án theo quy hoạch được duyệt.
Công ty CP địa ốc Phú Long (Công ty Phú Long) cũng “kêu cứu” vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại phân khu số 15 của dự án Dragon City (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè), dù đất mua qua đấu giá nhưng vẫn còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay Công ty Phú Long không thể triển khai dự án.
Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đề xuất UBND TPHCM và các sở, ngành liên quan hướng dẫn trình tự thủ tục để công ty và UBND quận 5 hoàn thành công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án Charmington Dragonic (góc đường Tản Đà - Hàm Tử, phường 10, quận 5).
Công ty CP địa ốc Sài Gòn (Saigonres) chủ đầu tư dự án chung cư An Bình (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2012. Do một số vướng mắc về pháp lý nên đến nay công ty muốn đóng tiền sử dụng đất dự án vẫn không được vì cơ quan chức năng vẫn chưa tính tiền sử dụng đất cho dự án. Thực trạng chậm tính tiền sử dụng đất dự án cũng là vướng mắc chung mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải gánh chịu thiệt hại.
|
Công ty Quốc Cường Gia Lai kiến nghị các sở, ngành sớm giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng đối với 6 dự án đang bị ách tắc |
Trong khi đó, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Công ty Quốc Cường Gia Lai) đề nghị các sở, ngành sớm giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng đối với 6 dự án đang bị ách tắc nhiều tháng qua, trong đó quan trọng nhất là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè.
Dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè có diện tích 91 ha đã được UBND TP “chấp thuận đầu tư” từ năm 2017 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án cũng đã được phê duyệt từ tháng 4/2017. Dự án có quỹ đất hỗn hợp, có đất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng đất, nên công ty phải quay về Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) để làm lại các bước thủ tục từ đầu. Do bất cập của các chính sách công ty đã mất hơn 3 năm vẫn chưa làm xong thủ tục.
Kế hoạch sử dụng đất của dự án Phước Kiển đã được phê duyệt năm 2018, nhưng nay UBND huyện Nhà Bè đang trình xin gia hạn, thì Sở TNMT đã không đưa vào danh sách gia hạn. Thủ tục này, Sở Kế hoạch Đầu tư đang thụ lý, nhưng hiện nay công ty không được gia hạn vì chưa có quyết định chủ trương đầu tư”...
Nhiều sở cứ cho chuyên viên đi họp rồi khi hỏi lãnh đạo lại ú ớ
Trước các ý kiến của các doanh nghiệp, tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM nói: "Về vấn đề quy hoạch, dự án nhà ở, nhiều sở cho chuyên viên đi họp về rồi khi đụng đến chuyện hỏi các giám đốc sở lại ú ớ.
|
Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo tại cuộc họp |
Chẳng hạn, có dự án chỉ có chuyện trao đổi chỉ tiêu quy hoạch mà kéo dài gần 1 năm, trong khi chuyện đó giải quyết chỉ cần một tuần. Tôi nói đây là sự phối hợp không đồng bộ giữa các sở để giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp. Làm được hay không thì báo cho người ta biết. Doanh nghiệp vay ngân hàng làm dự án mà thủ tục kéo dài như thế này rất khó khăn".
Theo ông Phong, đụng đến vấn đề phụ trách thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Nếu các giám đốc sở bận không đi họp được phải yêu cầu người đi họp thay báo cáo lại. Việc này cần chấn chỉnh lại. Rất nhiều chuyện như vậy. Tôi không đủ thời gian kể ra đây chứ các đồng chí đừng nghĩ tôi không biết.
|
Bích Trần