PNO - Dự án chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng chính quyền huyện, tỉnh vẫn để cho doanh nghiệp ngang nhiên san lấp đất, phân lô bán nền.
Tháng 3/2017, Công ty cổ phần Đầu tư Đất Quảng (trụ sở tại tỉnh Quảng Ngãi) trình UBND tỉnh Quảng Ngãi bản thỏa thuận địa điểm và chủ trương thực hiện dự án Khu dịch vụ và dân cư An Phú tại trung tâm huyện Mộ Đức. Dự án này được UBND tỉnh hoan nghênh và ủng hộ.
Tháng 4/2017, ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - ký quyết định nhất trí chủ trương cho công ty này lập quy hoạch chi tiết dự án trên với diện tích khoảng 7,8ha, giao công ty phối hợp với các sở, ngành thực hiện các bước cũng như bổ sung dự án vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của huyện Mộ Đức. Tháng 5/2017, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi các sở liên quan, nhất trí cho Công ty Đất Quảng lập hồ sơ xin phép khai thác đất san lấp cho dự án tại mỏ đất trong thị trấn Mộ Đức. Tháng Chín cùng năm, UBND tỉnh xin ý kiến Tỉnh ủy về dự án này. Sang tháng 10/2017, ông Trần Ngọc Căng ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên do Công ty Đất Quảng làm chủ đầu tư với diện tích sử dụng đất khoảng hơn 6,8ha.
Tháng 7/2018, ông Căng ký quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trước đó, tổng diện tích dự án còn khoảng 7,7ha với tổng số 288 lô đất xây dựng nhà ở và thương mại dịch vụ (tương ứng diện tích đất khoảng 4ha). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 105 tỷ đồng, tiền sử dụng đất và tiền thuê đất của dự án gần 24 tỷ đồng.
Dự án Khu dịch vụ và dân cư An Phú đã bán gần hết nền, mới được phê duyệt ĐTM
Dù chưa thực hiện xong việc đền bù và di dời, giải tỏa, công ty vẫn tiến hành san lấp và xây dựng hạ tầng. Tháng 7 và tháng 12/2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành hai quyết định cho phép Công ty Đất Quảng được bán đất cho cá nhân, tổ chức với đợt 1 là 161 lô và đợt 2 là 72 lô.
Theo hồ sơ mà chúng tôi nắm được, chủ đầu tư dự án này đã ký kết với Công ty cổ phần Đất Xanh Đà Nẵng để công ty này phân phối sản phẩm. Từ cuối năm 2018, dự án đã được Công ty Đất Xanh Đà Nẵng thông báo mở bán rầm rộ với tên thương mại là dự án Sunfloria City. Tháng 3/2019, báo Quảng Ngãi đăng bài thông báo Công ty Đất Xanh Đà Nẵng đã mở bán giai đoạn 2 dự án Sunfloria City, sự kiện mở bán này thu hút hơn 800 khách hàng, nhà đầu tư tham dự.
Diễn tiến dự án là vậy, nhưng bất ngờ đến ngày 27/9/2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty Đất Quảng vì thi công dự án Khu dịch vụ và dân cư An Phú nhưng không có ĐTM. Theo đó, công ty này bị xử phạt 300 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động dự án trong vòng sáu tháng kể từ ngày ký quyết định.
Ngày 14/1/2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính mới ký quyết định phê duyệt nội dung ĐTM dự án Khu dịch vụ và dân cư An Phú với các yêu cầu chặt chẽ như: đảm bảo an toàn quá trình giải phóng mặt bằng, vận chuyển nguyên vật liệu, xử lý nước thải trong quá trình xây dựng; xây dựng hệ thống thu gom và thoát nước mưa chảy tràn quanh khu vực dự án, xây dựng trạm xử lý nước thải với công suất 150m3/ngày đêm đạt quy chuẩn Việt Nam…
Yêu cầu chặt chẽ là vậy, nhưng quy trình phê duyệt lại ngược hoàn toàn. Đến nay, dự án đã bán gần xong các nền, khách hàng bắt đầu xây nhà trên đất nền dự án, trạm xử lý nước thải vẫn chẳng thấy đâu.
Do muốn làm nhanh cho kịp dịp kỷ niệm(?)
Ông Nguyễn Phong - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi - thừa nhận, dự án trên được triển khai khi chưa kịp làm ĐTM.
Vì sao không có ĐTM mà dự án vẫn triển khai? Ông Phong lý giải, do chủ đầu tư vừa thi công vừa làm ĐTM, nhưng năng lực của đơn vị tư vấn làm ĐTM yếu nên khi đưa hồ sơ lên Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh thì bị trả về, yêu cầu làm lại và do đơn vị tư vấn làm lại ĐTM quá chậm nên khâu san nền dự án đã xong.
Về trách nhiệm, ông Phong cho biết, thẩm quyền cấp phép xây dựng là của UBND huyện Mộ Đức nên việc để triển khai một dự án không có ĐTM là thuộc trách nhiệm của huyện. “Cái này huyện cấp phép xây dựng, nên huyện đề nghị cứ đẩy nhanh tiến độ. Ông chủ tịch huyện đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư để kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng huyện. Lúc đó, huyện tổ chức hoạt động quảng bá, kêu gọi đầu tư nên cũng đẩy nhanh công trình đó để đưa ra giới thiệu, chứ về nguyên tắc, anh phải đánh giá tác động môi trường mới thực hiện dự án” - ông Phong nói.
Ông Phong nói thêm: “Mà cái đó, bây giờ cũng đang vướng. Ví dụ, theo Luật Đầu tư thì không phải làm ĐTM mà theo Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường thì phải làm ĐTM rồi mới thực hiện dự án. Hai cái này đang vênh nhau nên nhà đầu tư thực hiện dự án đó là họ làm theo Luật Đầu tư, có muốn xử phạt họ cũng khó. Vừa rồi xử phạt, phải kêu nhà đầu tư lên, phân tích cho họ theo Luật Bảo vệ môi trường nên họ chấp nhận nộp phạt”.
Về việc vì sao dự án không đủ điều kiện để tiến hành xây dựng mà Sở Xây dựng vẫn tham mưu cho UBND tỉnh ký quyết định cho phép nhà đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ông Phong nói, sở thấy công trình đầy đủ hạ tầng cấp điện, cấp nước, đường giao thông… đủ điều kiện. Còn ĐTM hay khu xử lý nước thải là “phần” do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý.
Ông Phạm Ngọc Lân - Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức - thừa nhận: “Sai rồi đó”. Ông Lân nói: “Do không có ĐTM nên chủ đầu tư bị phạt và kéo dài tiến độ, chứ không thì xong lâu rồi”. Thực tế thì, dự án nằm ngay trước UBND huyện này đã mở bán từ lâu.
Được biết, ngoài dự án trên, tại huyện Mộ Đức, còn nhiều dự án khác bị cấp tỉnh phát hiện vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và ra quyết định xử phạt hàng trăm triệu đồng.
TPHCM yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.