|
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nêu 4 nhóm giải pháp để hỗ trợ, vực dậy kinh tế TP |
TP cần đưa số ca nhiễm từ 1.000 xuống 500 người/ngày
Tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 9/11, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TPHCM) cho biết, dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, TPHCM là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cuối tháng 10 số ca nhiễm chiếm 47% cả nước, số ca tử vong chiếm 75%. Do vậy thời gian giãn cách xã hội của Thành phố cũng là dài nhất so với các địa phương, khoảng gần 4 tháng.
Theo ông , khi thực hiện phương châm “ai ở đâu ở đấy” thì việc hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ duy trì tối thiểu. Bình quân giai đoạn đó chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 0,7% tổng số doanh nghiệp toàn TP. Tức là khoảng hơn 99% doanh nghiệp ngừng hoạt động, kéo theo người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng. TPHCM ảnh hưởng nặng nề về tăng trưởng kinh tế. Dự báo năm nay tăng trưởng âm 5%. Để khắc phục hậu quả, ông cho biết TP đã tổ chức nhiều cuộc toạ đàm với chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học. Qua đó xác định có 4 giải pháp cần nhanh chóng thực hiện để vực dậy kinh tế.
Thứ nhất, tổng kết bài học sâu sắc bài học về COVID-19 trong 2 năm qua để thực hiện phòng chống dịch tốt hơn nữa. Đối với TPHCM cần đưa số người nhiễm bình quân một ngày từ mức 1.000 người hiện nay xuống dưới 500 người.
Thứ hai, cần hỗ trợ người đã nhiễm COVID-19 và những gia đình có đã người mất vì đại dịch để phục hồi sức khoẻ, có điều kiện quay trở lại làm việc.
Thứ ba, hỗ trợ thu hút trở lại hàng trăm ngàn lao động đã trở về quê. Đồng thời bổ sung đáp ứng nhu cầu lao động mới. TP hiện đang thực hiện và số lao động còn thiếu khoảng 8%.
Thứ tư, cần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: doanh nghiệp đang cần gì? Mặc dù kinh tế TP năm nay dự kiến tăng trưởng âm 5%, song các tiền đề vật chất tinh thần quan trọng nhất của nơi đóng góp 23% GDP cả nước vẫn còn nguyên vẹn. Cụ thể, theo ông, thiết bị công nghệ máy móc 288.000 doanh nghiệp vẫn còn nguyên; lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ, hơn 90% người lao động, hệ thống giao thông, đường, hạ tầng, các hợp đồng kinh tế, quan hệ kinh tế cơ bản vẫn còn nguyên.
“Đoàn tàu kinh tế TPHCM vẫn còn nguyên đầu tàu, các toa tàu, đường ray, trưởng tàu, lái tàu, trưởng toa, 92% nhân viên toa tàu", ông Nhân nói và cho biết đoàn tàu này cần kinh phí để “mua dầu, khi chạy trở lại, bán được vé sẽ có tiền trả nợ vay”.
ĐBQH TPHCM tính toán, để hỗ trợ để vực dậy 288 ngàn doanh nghiệp và 400 ngàn các hộ kinh doanh của Thành phố cần tổng mức vay 440.000 tỉ để khởi động lại. Ông khẳng định, số tiền vay 5 tỷ chiếm 20% doanh thu; hộ kinh doanh được vay 25 triệu đồng, chiếm 5% doanh thu, do đó các khoản vay này là “có thể trả được”.
Việt Nam còn nhiều cơ hội phát triển, tăng tốc
|
ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao là cơ hội để phát triển, tăng tốc kinh tế trong thời gian tới |
Từ điểm cầu tại TPHCM, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) khẳng định, Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển cao và tăng tốc. Hiện quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế đã giúp chúng ta có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, vị thế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
ĐB chia sẻ đồng ý với 16 chỉ tiêu, kế hoạch của năm 2022 mà Chính phủ đề ra. Trong đó, chỉ tiêu phấn đấu GDP tăng 6-6,5%, nếu kiểm soát tốt dịch, theo ông có thể đạt được, thậm chí tăng cao hơn nữa. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh thêm một số giải pháp liên quan tới vấn đề này.
Về nhóm giải pháp thứ nhất là kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ĐBQH đề nghị tập trung, quan tâm y tế cơ sở, y tế dự phòng, vấn đề tự chủ vắc xin, thuốc điều trị, đặc trị COVID-19.
Nhóm giải pháp thứ hai là tăng cường, quản lý kiểm soát giá cả, không để đầu cơ, lũng đoạn giá, làm cho lạm phát cao tăng trở lại, như năm 2008 chúng ta lạm phát 23%, năm 2011 lạm phát 18,56 %, năm 2012 gần 10%. Nếu lạm phát cao sẽ phá vỡ việc thực hiện các kế hoạch của chúng ta.
Nhóm giải pháp thứ 3, tập trung giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả trong năm 2021. Đến nay còn trên 160.000 tỉ đồng cần tập trung giải ngân để tạo đà phát triển cho giai đoạn tới. Năm 2022, kế hoạch đầu tư công lên tới hơn 526 ngàn tỉ đồng. “Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn, nếu muốn tăng đầu tư công lên nữa, chúng ta cần chú ý đến yếu tố giải ngân và xem xét ưu tiên đầu tư các khu vực trọng tâm, trọng điểm, có sức lan toả, góp phần tăng nguồn thu ngân sách trong giai đoạn tới”, ông nói.
Giải pháp cuối cùng, để kinh tế tăng, huy động vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỉ đồng, trong đó vốn trong nhân dân gần 2 triệu tỉ đồng, theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, phải có gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hỗ trợ từ khoảng 2-3% cho khoản dư nợ từ 1-2 triệu tỉ đồng. Nếu hỗ trợ trong 2 năm thì cần nguồn lực khoảng 40.000 - 60.000 tỉ đồng, có thể lấy từ đầu tư công chưa phân bổ.
M.Quang