PNO - Nhiều di sản, tựa con lắc đơn, hoặc bị phá bỏ, hoặc rơi vào số phận cải lão hoàn đồng mỗi đợt trùng tu vẫn đang kéo dài. Những vật chứng thời gian trăm năm, tuyệt đẹp về hình hài lẫn giá trị văn hóa, cuối cùng, lại bất lực trước cung cách ứng xử hồ đồ của hậu thế.
Mới đây, cây cầu ngói chợ Thượng (H.Nam Trực, tỉnh Nam Định), một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, đã bị biến dạng hoàn toàn sau khi tu sửa, dường như không còn đủ bi hài để gây bàng hoàng, nuối tiếc. Bởi danh sách nhiều di sản, tựa con lắc đơn, hoặc bị phá bỏ, hoặc rơi vào số phận cải lão hoàn đồng mỗi đợt trùng tu vẫn đang kéo dài. Những vật chứng thời gian trăm năm, tuyệt đẹp về hình hài lẫn giá trị văn hóa, cuối cùng, lại bất lực trước cung cách ứng xử hồ đồ của hậu thế.
Charles Edouard Hocquard (1853-1911), dẫu là một bác sĩ quân y trong đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, nhưng lại nổi tiếng vì những bức ảnh ông chụp phong cảnh, con người, xã hội An Nam. Đến Bắc kỳ năm 1884, hành quân nhiều nơi, từ Sơn Tây, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, cho đến Hà Nội, Hưng Hóa, Lạng Sơn, “kẻ xa lạ” này đã kịp ghi lại hình ảnh nhiều cây cầu ngói (còn gọi là cầu có mái che), và nhờ thế, chúng ta mường tượng được phần nào hình dáng, kết cấu và vẻ đẹp riêng của chúng. Thường chỉ bắc qua đoạn sông hẹp, thậm chí là đoạn kênh mương không quá chục mét, nhưng các cây cầu ngói, như dân gian ví von, giống cánh diều uốn cong nối những con đường lấm tấm bụi đất hoặc thửa ruộng xanh ngát. Màu đỏ của mái ngói, màu nâu thẫm của các trụ cầu gỗ, chữ nghĩa của các cụ đồ cũng bay bổng trong hai vế đối đầu cầu, lối đi lát đá, hành lang đủ rộng để khách bộ hành nghỉ chân, lan can bằng gỗ đủ chắc chắn để vịn tay mỗi khi hóng gió… tất cả, như một tiểu phẩm kiến trúc xinh xắn, phù hợp với điều kiện địa lý và công năng sử dụng trong những làng quê nhỏ bé.
Cầu chợ Thượng sau khi trùng tu
Không chỉ phục vụ giao thông, nhiều cầu ngói còn đảm nhận chức năng thờ cúng, tâm linh, và tính chất “hai trong một” này khiến cầu ngói (không chỉ ở Bắc bộ) đóng vai trò kết nối, theo đúng nghĩa đen và bóng, giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái đang là và cái đã là. Ngắm những cầu ngói cầu kỳ như ở Phát Diệm (Ninh Bình), Nam Định, hay chùa Thầy, mới thấy người nông dân xưa cũng có khi phong lưu, phong tình, biết tìm sự hài hòa giữa điều kiện cư trú và óc thẩm mỹ của mình. Cầu ngói, tôi muốn nhấn mạnh, càng là ví dụ cụ thể chứng minh người Việt ưa thích những công trình nho nhỏ, biểu lộ nét tinh tế, tinh xảo, đậm ý vị nhân sinh khiêm nhường, thay vì hướng đến mức độ kỳ vĩ, hoành tráng - điều đã trở thành cuộc đua bất tận trong tư duy xây dựng và thẩm mỹ hiện nay. Dễ hiểu vì sao người ta tu sửa cầu ngói chợ Thượng na ná “nhà ống”, và gạt phắt các cấu kiện chạm trổ, hoa văn để phủ ập bê tông, ốp đá.
Cầu ngói chợ Thượng tuy không nổi tiếng bằng cây cầu ngói chùa Lương ngay bên cạnh (H.Hải Hậu, tỉnh Nam Định) nhưng cũng vào hàng danh kiều và đặc trưng của cầu ngói Bắc bộ xưa. Xây từ thời hậu Lê, cầu chợ Thượng theo đúng kết cấu “thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu), mố cầu xây bằng đá tảng, dầm cầu là gỗ lim, cột cái hình vuông, cột quân hình trụ tròn, lòng cầu lát đá tảng, rộng gần hai mét và dài chưa đến hai mươi mét. Trên thực tế, khởi thủy của cầu ngói có lẽ chỉ là những đoạn thanh gỗ hoặc tre được kết dựng đơn sơ, giống dạng cầu khỉ phổ biến hiện nay. Theo thời gian và tùy điều kiện tài chính từng nơi, cầu được gia tăng thêm các cố kiện khác, và biến cầu thành nhà, biến nơi đi lại kèm thêm nghỉ ngơi, đồng nghĩa với thăm hỏi, hẹn hò, gặp gỡ, sum họp.
Trong tư liệu của Hocquard, còn có hình ảnh vị quan Tây mặc áo vest, đội mũ cối, ngồi xe kéo chạy qua cầu ngói ở Sơn Tây, hẳn theo chuyện công cán, nhưng xét khía cạnh biểu tượng, thì đó là dấu hiệu mở đầu cho sự mờ dần của các cây cầu ngói. Lịch sử sẽ không quá gay cấn nếu các cây cầu mới, bằng kết cấu thép khổng lồ như cầu Long Biên chẳng hạn, không ngừng được dựng lên và khiến tâm tư con người dao động. Chỉ có rêu phong và nét cổ kính của thời thế thì vẫn đổ xuống trên mái ngói, bức tường, lối đi của những cây cầu dám trơ gan cùng tuế nguyệt. Ấy nhưng, khi trùng tu cầu chợ Thượng, người ta thấy nét rêu phong đơn giản là cũ, xấu nên “tống tiễn” nó bằng lớp xi-măng bóng loáng.
Một cách đọc kiến trúc và rộng ra là lịch sử văn hóa quá giản đơn đến mức thô sơ như vậy, thì không cách nào cứu được tình trạng xâm phạm, phá hoại di tích đội lốt trùng tu, tôn tạo. Ô Quan Chưởng, bốt Hàng Đậu ở Hà Nội, thành nhà Mạc ở Tuyên Quang, ba trong số hàng chục “nạn nhân” của trùng tu, cũng đang được mặc những chiếc áo quá mới bởi tư duy kim tiền ưa nhanh chóng, tiện dụng. Dẫu phê phán, thỏa hiệp hay bắt buộc phải phục hồi nguyên trạng thì, về cơ bản, “mọi sự đã rồi” và riêng điều này, làm hao dần niềm hy vọng về một đoạn kết có hậu cho các công trình di sản văn hóa lịch sử đang, sẽ được trùng tu khác.
Khi bác sĩ Hocquard chụp những bức ảnh thuộc dạng đầu tiên các cây cầu mái ngói ở Bắc bộ, hẳn ông không ngờ chúng sẽ dần biến mất. Phương tiện máy ảnh trong tay ông, vô hình trung, đã trở thành thứ lưu giữ ký ức về cầu mái ngói ở Bắc bộ. Còn những người Pháp sau Hocquard, mà chủ yếu tập trung ở Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO), có nhiều phương tiện và kỹ thuật hơn, thì từng xắn tay, bỏ công sức trùng tu thành công hàng loạt di tích đình, chùa. Tôi không nghĩ tất cả họ đều lãng mạn và lãng mạn hơn chúng ta như sách vở thường thêu dệt. Tôi chỉ nghĩ chúng ta thiếu tinh thần hiếu cổ và hiểu biết, trách nhiệm cần thiết để tiếp cận thấu đáo các di sản của cha ông. Chúng ta đành loay hoay và riêng với tốp thợ quê đang tu sửa cầu ngói chợ Thượng, cứ như con rối không điểm tựa, không biết nghe cậy ai, nhà khoa học, nhà quản lý, chính quyền hay người dân, khi bắt đầu công việc tu tạo.
Lược giản tham vấn, chúng ta cũng bỏ qua việc nghe chính mình, nếu không, bàn tay đã chùn lại khi vung nhát búa đầu tiên vào hòn đá, bức tường mà người Việt hằng tin vạn vật hữu linh của trăm năm trước.