edf40wrjww2tblPage:Content
Bệnh nhân Tr. đang được tập bài luyện cảm giác và suy giảm trí nhớ
Chơi để nhớ
Mỗi sáng, anh H.Ng.Tr. (48 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) được người nhà đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy để khôi phục khả năng nói và chứng suy giảm trí nhớ sau đột quỵ. Anh khoe: “Nhờ tích cực tập luyện mà mấy hôm nay đi xe ôm, tôi không còn phải nhờ người thứ ba ngồi phía sau giữ cho an toàn nữa. Tôi cũng đã tự tắm, ăn uống được dù trí nhớ vẫn còn sa sút, nói thì được nhưng chưa trôi chảy”. Buổi tập của anh Tr. bắt đầu bằng việc dùng bàn tay trái đang bị mất cảm giác (biến chứng của đột quỵ) để bốc ngẫu nhiên một món đồ nằm trong rổ nhưng không được nhìn. Anh sờ đồ vật và suy nghĩ thật kỹ để đoán tên đồ vật đã bốc được. Món đồ đầu tiên anh Tr. bốc trúng là một cái ly bằng nhựa, nhưng trải qua hai phút sờ nắn, anh vẫn không thể đoán ra.
Anh Tr. tập trung cao độ, căng thẳng, có lẽ việc này quá khó đối với tình trạng sức khỏe, khả năng cảm nhận của anh. Anh định dùng tay còn lại để tiếp xúc với đồ vật cần xác định, nhưng cô điều dưỡng ngăn cản, anh nôn nóng, bất lực, bóp mạnh cái ly đầy tuyệt vọng. “Thật sự không biết đây là vật gì nữa. Khó quá” - anh Tr. than. Đến lúc này, chị Đỗ Thị Hồng Nhung, kỹ thuật viên khoa Vật lý trị liệu (VLTL) cho phép anh được dùng tay không bị liệt để hỗ trợ. Vừa chạm tay vào “vật lạ”, anh reo mừng “Ô cái ly, dễ vậy mà… Bác sĩ thông cảm nhe, tay tôi bị liệt mất cảm giác nên khó đoán quá”. Trải qua ba-bốn vật bốc được là cái lược, lọ thuốc… anh Tr. vẫn không đoán được. Chị Nhung bắt đầu chuyển hình thức mới dễ hơn, bằng cách bỏ một vật vào bên trong khăn. Tay bị mất cảm giác sẽ tiếp xúc trực tiếp với “vật thể lạ”, tay không bị liệt phải để bên ngoài hỗ trợ. Lúc này, chị điều dưỡng bỏ vào khăn một cái nĩa. Anh Tr. vuốt một lượt rồi đoán “cái muỗng”, cô điều dưỡng khuyên: “Anh không cần vội, hãy tập trung, suy nghĩ thật kỹ rồi đoán”. Sau một hồi bệnh nhân (BN) vẫn chưa đoán ra, cô gợi ý: “Vật này dùng để găm, xiên thức ăn” anh Tr. suy nghĩ một lúc thì đoán ra đó là cái nĩa.
Đến lượt một cây bút lông được giấu bên trong khăn, BN vẫn chưa đoán ra, cô điều dưỡng tiếp tục gợi ý: “Vật này dùng để ghi lên bảng”, anh Tr. nhận ra đó là cây bút lông. Khi cô đề nghị anh mô tả hình dáng cây bút, anh tả “cây bút tròn, dài, hai đầu nhỏ lại”. Mở khăn ra, anh bắt đầu thực hiện tháo nắp bút và đậy nắp lại.
Giữa giờ giải lao, anh Tr. kể: cách đây ba tháng, anh bị tai biến mạch máu não. Nửa người bên trái bị liệt và không còn cảm giác. Sau khi được điều trị VLTL anh bắt đầu đi được, nhưng cảm giác ở cánh tay trái vẫn chưa phục hồi. Đặc biệt, trí nhớ của anh giảm sút trầm trọng.
Đang lúc chúng tôi trò chuyện với anh Tr., tiếng chuông giải lao ngân lên và giọng hát của một nam BN ở khu hoạt động trị liệu vọng vào với bài Hạ trắng. Nam “ca sĩ” này tên D.Q.H. (70 tuổi) cũng bị tai biến mạch máu não. Sau một thời gian điều trị, trí nhớ ông H. đã hồi phục gần như bình thường nhưng vì lớn tuổi nên ông thường ghé tới bệnh viện để ”bảo dưỡng”. Nghe ông hát, hàng chục khán giả là BN và các cô y tá đang tập cũng dừng lại để cổ vũ. Ông hát vừa xong thì đến lượt những BN, các cô y tá hát để những BN khác nghe.
Theo chị Đỗ Thị Hồng Nhung, bài tập điều trị suy giảm trí nhớ trước hết giúp người bệnh làm quen lại với tất cả vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày và không bị mất cảm giác khi sờ những đồ vật này, việc cầm nắm cũng trở nên chắc chắn hơn. Ngồi bên cạnh, anh Tr. khoe bắt đầu cầm được đũa. Thời gian điều trị thường kéo dài sáu tháng, nhưng nếu nhận thấy BN không phục hồi thì cân nhắc ngưng tập luyện. Cũng theo chị Nhung, bên cạnh việc đoán đồ vật, tập hát trong những giờ giải lao, thỉnh thoảng người bệnh còn được chơi lô tô để nhớ những con số…
Một bệnh nhân đang hát giữa giờ giải lao
Điều trị sớm khả năng phục hồi cao
Bác sĩ Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng khoa VLTL, Bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo: BN bị tai biến mạch máu não phải được tập VLTL càng sớm càng tốt. Nếu tập sớm, các tế bào thần kinh chưa bị tổn thương sẽ mọc nhiều nhánh hơn để hỗ trợ phần nào cho những tế bào đã bị mất; hoặc giúp kích hoạt làm xuất hiện thêm một đường dẫn truyền thần kinh mới.
Thế nhưng, do tập VLTL đòi hỏi người bệnh kiên nhẫn trong khi người nhà nôn nóng lại nghĩ VLTL không “ăn thua” nên thờ ơ với việc tập luyện của người bệnh. Nếu không tập sớm, người bệnh dễ bị dẫn đến tình trạng cứng khớp, teo cơ nặng; việc phục hồi chức năng sẽ rất khó. Hiện chưa có loại thuốc nào để kích thích các tế bào phát triển nhằm tái tổ chức não như tập VLTL. Việc tập luyện còn giúp người bệnh giảm trầm cảm, thêm tự tin…
Bác sĩ Huỳnh Bích Thảo, chuyên về ngôn ngữ trị liệu, khoa VLTL, Bệnh viện Chợ Rẫy giải thích: BN tai biến mạch máu não dễ bị tổn thương ở vùng điều khiển ngôn ngữ; do đó có thể bị mất ngôn ngữ, rối loạn phát âm hoặc rối loạn khả năng điều khiển vận động tạo lời nói theo ý muốn. Mức độ nặng hay nhẹ tùy từng BN, có người hoàn toàn không nói được hay có từ nói được, có từ không.
Trước khi thực hiện âm ngữ trị liệu, người bệnh sẽ được khám để lựa chọn bài tập phù hợp. Bài tập tăng dần từ dễ đến khó. Ví dụ, khởi đầu, người bệnh có thể cần trợ giúp mức độ cao, cần được làm mẫu mỗi lần nói, phối hợp kích thích thị giác (nhìn đồ vật, hình ảnh, chữ viết, nhìn mặt người đối diện để biết cách phát âm) và thính giác (nghe người đối diện nói để nói theo) mới có thể nói được một từ. Theo thời gian, người bệnh có thể tập nói câu, tả tranh, kể chuyện...
Đặc biệt, khi người bệnh tự tập hoặc giao tiếp ở nhà, người thân cần biết cách động viên thay vì hối thúc, chê trách hay xem người bệnh như trẻ con. Một số người bệnh có thể do buồn phiền, chán nản hoặc thất vọng mà không muốn tập luyện. Vì vậy, người nhà nên động viên, thử nhiều hoạt động khác nhau, với bất kỳ hoạt động nào có tương tác giúp người bệnh có thể sớm phục hồi như: hát karaoke, chơi cờ, đi siêu thị, đi chợ, đi chùa, đọc báo và kể lại bài báo, thăm hỏi, nói chuyện...
Theo các bác sĩ, khi tạo điều kiện cho những người bệnh tập trung hát karaoke, họ sẽ bớt mặc cảm, tự ti vì được gặp những người cùng cảnh ngộ. Khi hát, người bệnh sẽ tập “đua” theo con chữ trên màn hình ti vi, cải thiện được khả năng nói. Ngay cả việc cầm được micro với cánh tay bị yếu liệt cũng là cách tăng thêm sức mạnh cho các cơ bàn tay, các ngón tay. Khi việc cầm nắm đã vững vàng thì người bệnh có thể cầm các vật dụng cần sự tinh tế hơn, chẳng hạn như đũa gắp thức ăn. Những BN chưa nói tốt thì sẽ ngồi nghe BN khác hát rồi đọc nhẩm theo con chữ.
Qua từng ca từ, hình ảnh minh họa… trí nhớ của BN sẽ dần được đánh thức.
VĂN THANH