Đoàn Đại biểu Phụ nữ TPHCM nêu các sáng kiến về phụ nữ, trẻ em

10/03/2022 - 13:09

PNO - Tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, các đoàn đại biểu phụ nữ thảo luận tại tổ, đóng góp sáng kiến hành động vì phụ nữ và trẻ em; đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội, dự thảo Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đoàn Đại biểu Phụ nữ TPHCM nêu các sáng kiến liên quan.

Một nội dung được nhiều đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Phụ nữ TPHCM quan tâm là chăm lo cho trẻ em mồ côi hậu COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn.

Đại biểu Lê Thị Diễm Huỳnh (Chủ tịch Hội LHPN quận 4) cho biết, để triển khai chương trình “Kết nối yêu thương”, mỗi cán bộ Hội vận động hỗ trợ chi phí học tập mỗi tháng (với các em từ cấp 1 trở lên), hỗ trợ sữa (với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi). Thời gian hỗ trợ tối thiểu từ một năm trở lên.

Đồng thời, phát động ngày “chia sẻ yêu thương” trong chi bộ Hội, hội viên phụ nữ, với số tiền tối thiểu từ 20.000 đồng để tặng dụng cụ, phương tiện học tập hoặc trao mái ấm tình thương….

         Đoàn  đại biểu phụ nữ TPHCM có 26 đại biểu tham dự
Đoàn đại biểu Phụ nữ TPHCM có 26 đại biểu tham dự

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Chủ tịch Hội LHPN quận Gò Vấp) góp ý, có thể liên kết các doanh nghiệp trong quận hướng nghiệp cho trẻ mồ côi do cha mẹ mất vì dịch bệnh, độ tuổi từ 16-20.

Đại biểu Nguyễn Hạnh Thảo (Chủ tịch Hội LHPN TP. Thủ Đức) cho rằng nên đa dạng hóa hình thức “san sẻ yêu thương”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bà Hạnh Thảo lấy ví dụ, ở TP. Thủ Đức, Hội kết nối các cấp, các đơn vị doanh nghiệp để thực hiện chăm lo cho trẻ mồ côi sau đại dịch COVID-19. Mỗi một chi bộ trực thuộc Thành ủy Thủ Đức đứng ra đỡ đầu 4-5 cháu trẻ mồ côi tới khi các em tròn 18 tuổi.

Trẻ em có bố mẹ qua đời vì COVID-19 là một vấn đề phát sinh hậu đại dịch. Theo họa sĩ Đặng Ái Việt (Hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM), dù đã được đề cập, nhắc đến ở nhiều văn bản, đường lối nhưng “năm nay còn, năm sau các em lớn lên, có khi vượt ra khỏi tầm tay chúng ta và rơi vào một vòng xoáy khác. Chúng ta phải suy nghĩ kĩ càng và tường tận một điều: Có nên thu dung đối với các em mồ côi vì COVID-19 hay không? Cần có một chính sách ra sao?”.

Họa sĩ Đặng Ái Việt
Họa sĩ Đặng Ái Việt

Cuộc thảo luận tại tổ cũng dành nhiều thời gian nói về công tác gia đình, công tác phụ nữ.

Đại biểu Trương Thị Hiền (Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức TPHCM) nêu sáng kiến mỗi hội viên đăng ký một môn thể dục thể thao phù hợp với thể tạng của mình; đồng thời, học một cái gì đó tùy vào sở thích mỗi người.

Hiện, Việt Nam là một trong những nước có phụ nữ bị bạo hành nhiều. Không chỉ đánh đập, còn bạo hành trong lời nói, hành vi trong gia đình, đặc biệt bạo lực tình dục. “Nên chăng, cần có một sự phối hợp với các ban, ngành để cùng nhau hành động, hạn chế nhất có thể chuyện này”, đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết (Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương) đặt vấn đề.

Đại biểu  Hoàng Thị Diễm Tuyết còn nêu sáng kiến: “Với sự phát triển của khoa học hiện nay, có thể tầm soát ung thư (cổ tử cung) ở phụ nữ một cách dễ dàng. Ngoài đội ngũ nữ cán bộ công nhân viên chức được cơ quan tạo điều kiện để đi khám sức khỏe hằng năm, có một lực lượng lớn nữ lao động tự do, không có điều kiện, thì ta nên có một vận động nào đó để giúp đỡ”.

Từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM và bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM
Từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM và bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM

Về vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em, trước đây đã có các đề án triển khai ở một số thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Để hưởng ứng, một số hội cũng có những mô hình; tuy nhiên đang còn tự phát.

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TPHCM chia sẻ góc nhìn tham mưu: “Nếu Hội quyết tâm, có thể triển khai ngay từ tổ, hội. Mỗi tổ hội, hoặc một chi hội nên xây dựng một chương trình hành động cụ thể hướng đến an toàn cho phụ nữ và trẻ em; vì thực tế cho thấy, chính tổ hội, chi hội mới là cấp sâu sát nhất, có thể phát hiện và hiểu những gì gây ra điều chưa an toàn đó, sau đó đề xuất với khu phố, cấp ủy, đoàn hội, chính quyền địa phương”…

Cũng tại cuộc này, bà Trần Thị Huyền Thanh, Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM thông tin, Hội đã làm đề tài nghiên cứu khoa học về xâm hại trẻ em; trong đó hướng tới mỗi gia đình hạnh phúc thì các em phải hạnh phúc trong chính ngôi nhà của mình. Ngoài phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương để hỗ trợ về mặt sức khỏe, Hội cũng đã kí kết với Công an TP, Viện Kiểm soát, Tòa án nhân dân TP để có cơ chế phối hợp bảo vệ quyền hợp pháp của phụ nữ và trẻ em.

Hiện, có 713 em trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn vì COVID-19 được các mạnh thường quân đỡ đầu tới năm các em 18 tuổi. Mỗi tháng các em được nhận từ 1-2 triệu, tùy theo lứa tuổi. Tới quý 1 năm nay, đã làm thủ tục xong và 346 em đã nhận được tiền hỗ trợ. 

C.Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI