Đoạn cuối với… “phi công”

27/03/2021 - 05:52

PNO - Thím thường xuyên sống trong những hình dung, tưởng tượng về khoảng trống chồng không có bên mình, ngay cả bên mình, một cuộc gọi không đầu đuôi cũng trở thành chứng cứ, tiếp sức cho hoài nghi.

Thím tôi vừa được mệnh danh “nhà Conan học”. Không phải thím mê vị thám tử lừng danh mà quan điểm “Từ lâu, chân lý đã nói rằng những thứ nhỏ nhặt nhất chắc chắn quan trọng nhất” trong nguyên tắc phá án của Conan được thím áp dụng… không trượt phát nào.

May mà thím chỉ hóa Conan trong cuộc chung sống với chú tôi, mà đồ rằng, chính vì sự nhỏ hơn vợ bảy tuổi của chú mới là nguyên nhân.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Chuyện thứ nhất

Chú đi vào phòng, khép cửa, nghe một cuộc điện thoại. Thím đang nấu bữa tối, lật đật tắt bếp, đi theo sau chú, đứng áp tai vào cửa. Rồi, dường như không cưỡng nổi mình, thím mở cửa đi vào phòng, cố dỏng tai nghe. Chờ chú gọi xong, thím hỏi: “Sao không nghe ngoài kia?”. “Hàng xóm hát karaoke ầm ĩ, không thấy sao” - chú đáp.

Chuyện tưởng dừng ở đó nhưng thím “bồi” thêm: “Ông ra ngoài ăn tối phải không?”. Chú ngơ ngác: “Tôi có định đi đâu đâu”. Thím nhìn chồng: “Không phải người ta gọi, mời đi ăn hay sao?”. “Đồng nghiệp hỏi chút chuyện thôi”. Không từ bỏ, thím tiếp: “Phải cô gì tre trẻ hôm kia ghé nhà mình không?”. Chú mất kiên nhẫn: “Không, sao suốt ngày nhắc cô bé đó hoài vậy”. “Tôi có nói gì đâu, ông khó chịu làm gì”.

Bữa cơm của chú thím diễn ra trong thinh lặng. Tâm trí thím sống dậy cuộc trò chuyện cởi mở giữa “cô bé” hôm kia cùng chồng mình.

“Cô bé” ấy sang nhà mượn tài liệu cho luận văn tốt nghiệp. Thím không màng nội dung cuộc trò chuyện giữa họ nhưng cái cách chú say sưa, chăm chú nhìn cô học trò trình bày, thi thoảng lại bật cười dịu dàng khiến thím điên tiết. Còn “cô bé” ấy, sao lại mặc chiếc váy như đi gặp người yêu, lộ ra cả khe ngực.

Chú thừa biết nỗi khổ của vợ mình, cố gắng xóa tan bầu không khí nặng nề: “Vợ chồng anh Chín tháng sau cưới vợ cho con đó. Mình đặt may bộ áo dài ăn cưới đi”. Ngẩng lên, thím lộ rõ sự thất thần: “Những bộ cũ của tôi bị sao? Ông chê tôi già mặc không đẹp nữa hay gì?”.

Có lẽ đã quá sự chịu đựng, chú buông bát cơm, gương mặt sa sầm. Nhưng rất nhanh, ông tự trấn an mình, mỉm cười nhìn vợ: “Là tôi gợi ý thôi, mình thích sao cũng được mà”. “Không ai nói gì mà không có nguyên nhân hết. Ông chê tôi thì nói thẳng luôn đi” - thím chốt hạ. 

Chuyện thứ hai

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 vừa qua, cuối giờ chiều, khoa của chú tổ chức bữa tiệc nhỏ chúc mừng nữ giảng viên. 8 giờ tối chú mới về nhà, kịp tặng vợ bó hoa hồng rồi chạy thẳng vô phòng đánh một giấc. Mấy ly vang ở buổi tiệc làm chú váng vất say. Thím ngồi một mình, nhìn bó hoa, chảy nước mắt.

Trước lúc chú về, thím lướt Facebook, bảng tin hiện lên hình ảnh chú đang tặng một nhành hồng cho trưởng khoa - một phụ nữ. Hình ảnh trên Facebook một đồng nghiệp của chú. Dòng “tút” ghi: “Giảng viên nam khoa tôi không những tài giỏi mà còn rất ga-lăng”. 

Trong khi chú say giấc, thím ngồi xâu chuỗi những dữ kiện, rồi quả quyết với chính mình: cô trưởng khoa mới ly hôn chồng, liệu chú với cô này có gì với nhau không? Nghĩ quẩn chưa đủ… thím kết luận: “Nếu không có gì, sao người kia đăng tấm hình có chú, mà không là người đàn ông nào khác?”.

Thím vào phòng lấy điện thoại chú kiểm tra. Không cuộc trò chuyện nào rời xa công việc, nhưng thím vẫn không hết hoài nghi. Bà vào Facebook của người trưởng khoa. Không một thông tin nào đáng ngờ mà sao lòng thím cứ gợn từng đợt sóng ghen tuông.

Người phụ nữ đó xinh đẹp, giỏi giang và những dòng “tút” đọc nghe rất dịu dàng. Trong công việc, chuyện trò tiếp xúc nhiều, liệu chồng thím có bận nào “say nắng”? 

Chú tỉnh giấc giữa đêm. Bắt gặp vợ ngồi phòng khách bần thần, ông lo lắng: “Không khỏe chỗ nào sao?”. Bỗng dưng thím cáu gắt: “Mau chết, cho ông được tự do”.

Chú dẹp cơn buồn ngủ để ngồi cạnh vợ. Ông cố gắng trả lời những câu hỏi chán ngắt, liên quan đến cuộc sống và tính cách của vị nữ trưởng khoa. Lạ, ông trả lời cho bà an tâm, trong khi bà quả quyết, tại sao lại biết nhiều vậy?

Những mảnh chuyện trên được em gái tôi - đang “sống ké” nhà chú thím quan sát và kể lại. Em tiếp tục, hôm qua, thím nằm võng, mắt ngó điện thoại bâng quơ: “Vui được đoạn đầu, chứ ai biết ngày sau ra sao đâu”.

Thím đang đọc mấy bài báo về cô ca sĩ Q., nữ diễn viên V. đang tình tứ, đắm say tình trẻ - những “phi công” nhỏ hơn cả chục tuổi. Thím đọc xong, giọng buồn thiu, nói với em tôi: “Có khi, nay mai gì chú thím cũng không còn sống chung. Nhìn chú rồi nhìn thím mà coi! Một trời một vực, ổng không chán mới lạ”. 

Em gái chốt hạ, phải tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân này, khi mọi thứ vẫn chưa muộn bởi dường như, chú đang chịu đựng quá nhiều, biết đâu giọt nước sẽ tràn ly. Mà thím, cũng có sung sướng gì.

Phải tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân này. Ảnh minh họa
Phải tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân này. Ảnh minh họa

Chuyện… thường thôi

Chú thím chung sống được gần 30 năm. Hồi xưa, ai mà hỏi sao nên duyên nợ, thể nào thím cũng đầy tự hào: “Bọn này yêu đương rực rỡ lắm”. Đoạn rực rỡ đó bắt đầu từ mối quan hệ chị chị - em em. Em trai thím là bạn học của chú.

Chuyện tình “yêu chị của bạn” gặp phải nhiều rào cản, cũng vì tuổi tác chênh nhau. Đang trẻ, dung nhan đã cách biệt. Mà đàn bà thì lão hóa nhanh… Nhưng tình yêu sáu năm giữa chú thím đã kết thúc có hậu. Người là giảng viên, người là cô giáo cấp II. Chú thím sống hạnh phúc vô cùng. 

Mọi chuyện bắt đầu từ cách đây 5 năm, thím 46 tuổi, muốn ngủ riêng và không thích gần chồng. May sao, đời sống tình dục lạt lẽo không ảnh hưởng đến tình yêu của chú, ngược lại, kiến thức của một giảng viên xã hội học đủ giúp ông biết làm sao cho vợ vơi đi sự tủi thân.

Nhưng… trời ơi, ở tuổi 39, cuộc sống ổn định khiến chú đẹp… lồng lộng. Sự điềm đạm, chín chắn của người đàn ông có gia đình chỉ làm tăng thêm sự hấp dẫn cho ông. 

Bạn bè lo cho thím. Bao nhiêu loại thuốc níu kéo tuổi thanh xuân, cả quyết định về lại ngủ chung giường chẳng cải thiện tình hình. Thím trở nên nhạy cảm. Sự nhạy cảm của người đàn bà đầy nỗi lo mất chồng khiến thím bất an, đa nghi.

Thím thường xuyên sống trong những hình dung, tưởng tượng về khoảng trống chồng không có bên mình, ngay cả bên mình, một cuộc gọi không đầu đuôi cũng trở thành chứng cứ, tiếp sức cho hoài nghi.

Tâm lý của thím có lẽ cũng là chuyện bình thường. Ở độ tuổi này, mấy người sống tự tin, lòng bình lặng, an ổn bên người chồng nhỏ tuổi? Những đa nghi, những tưởng tượng mơ hồ, bất an của thím khiến tôi nhớ Peter Freuchen - một nhà thám hiểm Đan Mạch. 

Peter Freuchen kể về sự sinh tồn trong một trận bão tuyết. Ông dựng igloo - căn lều bằng tuyết - để ẩn náu. Nhiều ngày trôi qua, ông để ý những bức tường của căn lều đang che chở mình mỗi lúc một tiến gần mình. Thời tiết đặc biệt, hơi ông thở ra đóng thành băng, bám vào các bức tường, khiến igloo ngày càng hẹp.

“Trong hoàn cảnh ấy, không thể sống nếu cứ thở, càng không thể sống nếu không thở” - Peter Freuchen nói. Cũng vậy, nuôi sống những hồ nghi, bất an, tức đang giết dần mình.

Tôi chưa nghĩ ra lời khuyên hay giải pháp nào hay ho dành cho thím hoặc những ai đang có chung cảnh ngộ. Nhưng bộ phim Under Suspicion, mọi người nhớ không? Monica Bellucci trong vai người vợ rất được chồng yêu chiều.

Một lần, bắt gặp chồng ôm xã giao cô gái trẻ, bà quyết định ngủ riêng, nuôi mình trong quan hệ với chồng bằng những mối nghi ngờ ông yêu thích các cô gái trẻ đẹp. Để, khi chồng trở thành nghi phạm của những vụ án mà nạn nhân đều là các cô gái trẻ đẹp; Monica Bellucci đứng về phía cảnh sát, nỗ lực tìm kiếm chứng cứ.

Trong phòng điều tra, người chồng cố đưa ra những chỉ dấu ngoại phạm. Ông muốn kết thúc, mau chóng về với người vợ mình rất mực yêu thương. Bỗng ông phát hiện Monica Bellucci đang giúp cảnh sát, trong phút giây thất vọng, hụt hẫng về vợ mình, ông… nhận tội.

Vừa lúc ấy, người ta bắt được hung thủ thật sự. Kết phim, Monica Bellucci suýt tự vẫn bởi hối hận. Còn người chồng, lần đầu thấy vợ như một người xa lạ, chẳng dấu vết nào của người mình từng yêu… 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI