Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ tái xuất

17/04/2021 - 19:13

PNO - Chỉ lặng lẽ vài dòng thông báo trên mạng xã hội: “Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ trở lại, khai diễn kịch bản kinh điển Lưu Bị cầu hôn giang tả vào tối 1/5” thì chỉ trong vài giờ đồng hồ, vé của đêm diễn đã bán hết. Các suất hát sau dù chưa có lịch cụ thể nhưng yêu cầu đặt chỗ cũng đến tới tấp…

Lực lượng nghệ sĩ biểu diễn hùng hậu của gia tộc cải lương tuồng cổ Minh Tơ.
Lực lượng nghệ sĩ biểu diễn hùng hậu của gia tộc cải lương tuồng cổ Minh Tơ.

Sức hút từ một thương hiệu

“Thực ra đây là quyết định có phần ngẫu hứng nhưng cũng là sự ấp ủ của bản thân tôi và các anh chị, em cháu trong gia đình. Mùa dịch này, công việc ít lại, có thời gian suy ngẫm, nhìn xung quanh thấy nhiều người đang nỗ lực hết mình để giữ sàn diễn, vậy tại sao mình không chịu làm? Không ngờ đó cũng là ý của bà con trong gia đình, ai cũng khát khao được hát chỉ là chưa có dịp để tập hợp lại. Lại được sự hỗ trợ về điểm hoạt động là Sân khấu Sen Việt của NSƯT Nguyên Đạt, chúng tôi thêm tự tin để đưa bảng hiệu Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ trở lại”, nghệ sĩ Công Minh, được xem là người “đứng mũi chịu sào” cho sự trở lại này của “đại bang Minh Tơ” lừng lẫy một thời, cho biết.

Hội quán Sân khấu Nhỏ Sen Việt sẽ là điểm đóng đô của Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ.
Hội quán Sân khấu Nhỏ Sen Việt sẽ là điểm "đóng đô" của Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ.

Với khán giả cải lương nói chung và yêu thích cải lương tuồng cổ nói riêng, Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ còn hơn cả một thương hiệu nghệ thuật khi gắn với đó còn là truyền thống của một đại gia tộc với 6 đời “ăn cơm Tổ”.

Từ gánh hát bội Vĩnh Xuân Ban dưới mái đình Cầu Quan những năm đầu thế kỷ XX, các thế hệ của gia tộc Bầu Thắng - Khánh Hồng - Minh Tơ - Thanh Tòng nối tiếp nhau lao động nghệ thuật và không ngừng sáng tạo để dần hình thành một loại hình đặc sắc là cải lương hồ quảng, hay đến nay là cải lương tuồng cổ – loại hình có sự kết hợp giữa nghệ thuật hát bội, nghệ thuật cải lương, du nhập và Việt hóa một số yếu tố của kịch nghệ Trung Hoa, Đài Loan.

Một thời gian dài, Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ với những tên tuổi gồm cháu con dâu rể trong nhà, như: Thanh Tòng, Xuân Yến, Thanh Loan, Công Minh, Trường Sơn, Điền Thanh, Bạch Lê, Thanh Bạch, Hữu Cảnh, Bạch Long, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Lê Thanh Thảo… đã làm say đắm khán giả qua những kịch bản nổi tiếng: Trảm Trịnh Ân, Lưu Bị cầu hôn giang tả, Xử án Bàng Quý Phi, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong, Tô Hiến Thành xử án… Đến nay, dù sân khấu cải lương gặp muôn vàn khó khăn, Đoàn Minh Tơ cũng dừng hoạt động từ năm 1992, thì cải lương tuồng cổ vẫn luôn giữ được vị trí nhất định trong lòng công chúng, các kịch bản kinh điển mỗi khi tái diễn đều được khán giả đón nhận.

Nhiều lớp diễn nổi tiếng, điển hình như Xử án Thượng Dương (trích đoạn Câu thơ yên ngựa), của Đoàn Minh Tơ gần như đã trở thành mẫu mực, được biểu diễn thường xuyên ở các chương trình, các cuộc thi và đều được khán giả yêu thích.
Nhiều lớp diễn nổi tiếng, điển hình như Xử án Thượng Dương (trích đoạn Câu thơ yên ngựa), của Đoàn Minh Tơ gần như đã trở thành mẫu mực, được biểu diễn thường xuyên ở các chương trình, các cuộc thi và đều được khán giả yêu thích.

Nghệ sĩ Điền Trung, chồng nghệ sĩ Lê Thanh Thảo, là con rể thuộc thế hệ thứ năm trong gia tộc, dù đã là nghệ sĩ chuyên nghiệp vững nghề, thừa nhận chính bản thân cũng chưa tự tin bắt kịp guồng máy hoạt động của Đoàn Minh Tơ. “Tôi được nghe kể là Đoàn hồi xưa khó lắm, tập vở nghiêm túc y như trên lớp học, nay thực sự được tập vở theo đúng nề nếp gia đình – không có chuyện tập lơi, từng cách nảy hơi, nhả chữ, từng động tác tay chân, vũ đạo… đều bị chỉnh từng chút – mới thực sự thấu hiểu giá trị một thương hiệu không dễ dàng mà có”, nghệ sĩ Điền Trung chia sẻ.

Cũng theo Điền Trung, chính kỷ luật nghiêm ngặt giúp hình thành một lớp nghệ sĩ giỏi nghề và đa năng, không phân định vai chính phụ mà luân phiên diễn các vai đã tạo thành nét đặc trưng của Đoàn Minh Tơ được khán giả yêu mến và ghi nhớ đến hôm nay.

Cũng là một sân khấu truyền nghề

Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ sẽ ra mắt trở lại vào tối 1/5 với kịch bản Lưu Bị cầu hôn giang tả, sau đó sẽ ổn định lịch diễn hàng tuần tại Sân khấu Sen Việt.

“Nhiều người thắc mắc sân khấu nhỏ như ở Sen Việt có phù hợp với phong cách biểu diễn của đoàn Minh Tơ hay không? Thực tế, chúng tôi từng biểu diễn hát chầu trên những sân khấu còn nhỏ hơn nhưng người nghệ sĩ vẫn thể hiện được những vũ đạo điêu luyện đặc trưng của nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Ở sân khấu này cũng vậy, chúng tôi cố gắng tạo một điểm diễn ổn định phục vụ khán giả yêu mến đoàn, giới thiệu được những nét đặc sắc riêng của cải lương tuồng cổ phong cách Minh Tơ, cũng mong muốn mang đến cho khán giả yêu cải lương thêm một lựa chọn. Bên cạnh đó, mỗi 3 tháng, chúng tôi sẽ dàn dựng 2 vở quy mô biểu diễn ở sân khấu lớn. Đây mới là những tác phẩm thể hiện đúng hình ảnh của Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ”, nghệ sĩ Điền Trung cho biết.

Cả 3 thế hệ gia tộc Minh Tơ trên sàn tập vở cải lương Lưu Bị cầu hôn giang tả công diễn tối 1/5.
Cả 3 thế hệ gia tộc Minh Tơ trên sàn tập vở cải lương Lưu Bị cầu hôn giang tả công diễn tối 1/5.

Ngoài ra, đoàn cũng hướng đến một sân khấu truyền nghề. “Việc chọn dựng Lưu Bị cầu hồn giang tả khai diễn cũng thể hiện dụng ý đó. Đây là một kịch bản mẫu mực với nhiều lớp diễn kinh điển của nghệ thuật cải lương tuồng cổ, cũng là một trong những vở diễn ăn khách nhất của đoàn trước đây, dựng lại. Con cháu trong nhà chưa có dịp diễn qua hay xem vở sẽ được tìm hiểu lại những tinh hoa mà người đi trước đã sáng tạo.

Trước mắt, chúng tôi sẽ dàn dựng lại những kịch bản kinh điển gắn với tên tuổi Minh Tơ để con cháu và cả những nghệ sĩ trẻ yêu thích phong cách biểu diễn của Đoàn có thể rèn luyện, học nghề. Đoàn cũng không chỉ khép kín trong các thành viên gia tộc mà vẫn mở rộng chào đón những nghệ sĩ từng cộng tác, những bạn trẻ yêu mến thương hiệu Minh Tơ và mong muốn góp sức giữ lửa cho sàn diễn. Đây là trách nhiệm mà mọi thành viên trong gia tộc cùng chia sẻ lần này, không thể để nghệ thuật cải lương tuồng cổ của gia đình mai một”, nghệ sĩ Công Minh bày tỏ.

Thế hệ thứ 6 của gia tộc đã bộc lộ năng khiếu từ bé, sẵn sàng nối nghiệp gia đình.
Thế hệ thứ 6 của gia tộc đã bộc lộ năng khiếu từ bé, sẵn sàng nối nghiệp gia đình.

Vở Lưu Bị cầu hôn giang tả có sự góp mặt của 3 thế hệ gia tộc Minh Tơ là: NSƯT Trường Sơn (Ngô Tôn Quyền), Công Minh (Châu Du), Xuân Yến - Thanh Loan - Xuân Thu (Ngô quốc thái) thuộc thế hệ thứ 4; NSƯT Tú Sương (Ngô quận chúa), Điền Trung (Lưu Bị), Xuân Trúc (Triệu Tử Long), Lê Thanh Thảo (Tiểu Kiều) thuộc thế hệ thứ 5; hai bé Hồng Quyên - Tú Quyên (cung nữ)… thuộc thế hệ thứ 6.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI