Nếu biết theo dõi màu sắc, hình dạng “sản phẩm cuối của hệ tiêu hóa” mỗi khi trẻ ngồi bô, cha mẹ có thể giúp con phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm.
Ảnh minh họa
Mất con vì chủ quan
“Nếu tôi biết phân trắng là do bệnh nặng thì có lẽ con tôi không ra đi” - đó là tâm sự xót lòng của chị Nguyễn Thị Y. ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang - người mẹ vừa mất đứa con bị bệnh teo đường mật. Sau khi sinh con được hai tuần, chị Y. phát hiện con gái bị vàng da, đặc biệt vùng mắt. Chị nghĩ bé bị vàng da sinh lý, phơi nắng sẽ hết nên mẹ con cũng tắm nắng. Thấy bé mãi không hết vàng da, chị Y. cũng lo, nhưng con chị vẫn bú khỏe, ngủ ngoan và lên cân đều đặn, bé bốn tháng được 7,1kg, ai cũng khen bụ bẫm, lanh lợi nên chị an tâm.
Hết nỗi lo vàng da, chị lại thấy kỳ kỳ khi con đi phân màu trắng, về sau trắng như phấn. Chị đưa con đến một thầy thuốc ở gần nhà, ông này phán: “Sữa không tiêu hóa hết nên thải theo phân”. Nghe vậy, chị yên tâm trở lại. Đến khi bé được tám tháng, thấy bụng con ngày càng to, mắt vàng sậm hơn nên chị sợ con bị bệnh gan và đưa lên TP.HCM khám. Khi vào viện, BS kết luận bé bị viêm teo mật bẩm sinh, ứ mật nặng dẫn đến xơ gan nên phẫu thuật lúc này chỉ là giải pháp “còn nước còn tát”. Và dù được mổ, bé vẫn tử vong.
Theo BS Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1, teo đường mật là bệnh lý nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao nếu phát hiện muộn. Tuy nhiên, bệnh có dấu hiệu đặc trưng dễ phát hiện như: vàng da kéo dài. Vàng da sinh lý thường chỉ tồn tại trong hai tuần sau khi bé ra đời rồi giảm dần và hết, còn vàng da bệnh lý kéo dài hơn và nếu đi kèm với phân trắng, nước tiểu sậm màu thì cần phải nghi ngờ bệnh teo đường mật và cho trẻ đi bệnh viện ngay.
Nhiều phụ huynh chủ quan vì trẻ vẫn bú, chơi, ngủ, lên cân bình thường, không nghĩ là trẻ đang có bệnh. Do đó, đa số các trường hợp khi phát hiện bệnh thường đã vào giai đoạn muộn, biến chứng sang xơ gan, nguy cơ tử vong cao. Phẫu thuật là cách chữa duy nhất của bệnh lý này và thời điểm mổ càng sớm càng tốt, lý tưởng là trước hai tháng tuổi.
Bé Trần Huỳnh Bảo Th. với chiếc bụng to tướng do bệnh viêm teo mật, xơ gan
Hiện ở khoa Tiêu hóa BV Nhi Đồng 1 có nhiều trẻ đang đang điều trị bệnh teo đường mật, ứ mật như bé Trần Huỳnh Bảo Th. (18 tháng, ngụ TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) và bé Nguyễn Ngọc Như H. (17 tháng, ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Bà ngoại của bé H. kể: “Con bé bị vàng da lúc mới sinh, cả nhà bồng phơi nắng hoài không hết. Rồi bé đi cầu toàn phân trắng, mẹ bồng con đi mua thuốc uống thì người ta nói do sữa mẹ. Bé vẫn vui vẻ, chơi bình thường nên không ai nghĩ nó bị bệnh. Đến khi thấy vàng da hoài mới cho bé lên trên này khám thì BS nói đấy là do bệnh teo mật bẩm sinh. Bé đã được mổ lúc gần năm tháng, nhưng do phát hiện muộn nên…”.
Nói đến đó, bà lắc đầu và nhìn vào cái bụng đang to như chiếc trống của cháu do bệnh đã lan sang gan và gần một năm qua, bé luôn lấy bệnh viện làm nhà vì bị sốt, viêm phổi… Còn mẹ bé Th. nói trong nước mắt: “Ôm con trên tay mà biết mình sắp phải mất con, có nỗi đau nào hơn?”.
Bé Nguyễn Ngọc Như H. và bé Trần Huỳnh Bảo Th. đang điều trị bệnh viêm teo mật tại BV Nhi Đồng 1
Màu phân báo bệnh
Mỗi ngày, trẻ thu nạp vào cơ thể rất nhiều loại thức ăn nên “đầu ra” cũng thể hiện theo màu sắc của thức ăn như: củ dền, cà rốt, cà chua… và đây là điều bình thường. Thế nhưng, ngoài phân màu trắng kể trên, còn có những màu sắc khác ở “đầu ra” tố cáo bệnh đang tiềm ẩn ở trẻ:
- Phân màu đen: rất hôi, dẻo như hắc ín là dấu hiệu cho thấy trẻ bị xuất huyết tiêu hóa. Nguyên nhân có thể do viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc bệnh viêm dạ dày tá tràng xuất huyết.
- Phân đỏ tươi như máu (loại trừ ăn thức ăn có màu đỏ): cho thấy trẻ đang bị xuất huyết tiêu hóa ồ ạt. Bên cạnh đó, nếu phân có lẫn máu hoặc máu cuối bãi thì có thể do nứt hậu môn, bị polyp ruột, khi polyp bị đứt cuống sẽ gây chảy máu, bệnh lồng ruột… Những bệnh lý này, nếu không phát hiện, điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Vì vậy, dấu hiệu chỉ điểm từ màu phân rất có ý nghĩa trong việc chẩn đoán sức khỏe của trẻ.
- Phân màu trắng không kèm vàng da cùng với tiêu chảy thì có thể là bệnh tả hoặc bị tiêu chảy với tốc độ thải phân rất cao.
Chú ý hình dạng phân
Bên cạnh màu sắc, hình dạng của phân cũng nói lên tình trạng sức khỏe của trẻ. Trong đó, chất thải thành rời từng viên cho thấy tình trạng táo bón lâu ngày. Còn “đầu ra” to, nhiều múi cũng là một dạng của táo bón. Ngay khi có những dấu hiệu này, cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt. Vì táo bón lâu ngày sẽ có nguy cơ bị nứt hậu môn và đẩy trẻ rơi vào vòng lẩn quẩn: sợ đi ngoài - càng bị bón - nứt hậu môn - sợ đi ngoài, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của trẻ, nếu không điều trị tận gốc nguyên nhân táo bón, trẻ sẽ bị nứt hậu môn mạn tính và có thể phải phẫu thuật.
Phân dạng lỏng cho thấy trẻ đang bị tiêu chảy. Khi đó, phụ huynh cần bù nước ngay cho trẻ, vì khi đi ngoài phân lỏng liên tục, trẻ sẽ bị mất nước và bị rối loạn điện giải. Cha mẹ có thể bù nước cho trẻ bằng dung dịch Oresol hoặc cho uống nước dừa tươi pha thêm chút muối, cho trẻ uống sau mỗi lần đi ngoài và theo dõi chặt chẽ biểu hiện của trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu đi ngoài, nôn ói liên tục, mệt lả, ngủ li bì, sốt… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.