edf40wrjww2tblPage:Content
Từ nhỏ, Tyler đã biết mình đồng tính, nhưng phải đến lúc bước vào đại học, anh mới chia sẻ điều này với người thân. Đó là thời gian khó khăn nhất với Tyler, nhưng anh đủ dũng cảm và trung thực chấp nhận thực tế. Tốt nghiệp trung học, Tyler được nhận vào trường đại học Rutgers ở New York. Tyler tin là mình đã trưởng thành và từ nay đã có thể sống thật với bản thân: một người đồng tính nam. Chỉ sau một học kỳ tham gia dàn nhạc của trường, Tyler đã là thành viên chính của dàn nhạc giao hưởng vốn chỉ dành cho những người đã tốt nghiệp và sinh viên năm cuối.
Tyler Clementi và mẹ - Ảnh: NBC News
“Xin lỗi tất cả”
Cuộc đời tưởng như đang trải thảm dưới chân Tyler. Bạn học quý mến, thầy cô đánh giá Tyler không chỉ học giỏi mà còn có nhiều đóng góp cho sinh hoạt cộng đồng. Thế nhưng, không đơn giản có thể vượt qua định kiến. Một chàng trai đồng tính vẫn là hình ảnh xa lạ trong mắt nhiều người. Cay đắng hơn, trong số những người không chấp nhận Tyler “sống thật” có cả bạn học, bạn cùng phòng ở ký túc xá.
Là một chàng trai đầy sức sống, Tyler không tránh khỏi sự thôi thúc của bản năng sinh lý. Không ít lần anh “giải tỏa” chuyện này trong phòng ở ký túc xá của mình. Thảm kịch bắt đầu từ đó. Dharun Ravi, bạn cùng phòng của Tyler, bí mật đặt camera quay lại những cảnh quan hệ đồng tính này, rồi tung lên mạng xã hội. Vào ngày 19/9/2010, Ravi đưa lên trang Tweeter của mình: “Bạn cùng phòng của tôi bảo rằng anh muốn sử dụng phòng một mình cho đến nửa đêm. Tôi đồng ý và đến phòng của Molly. Tại đó, chúng tôi bật camera và thấy cậu ta đang làm điều ấy với một chàng trai khác. Thật thú vị”. Ravi đưa đoạn video đó lên mạng cùng lời mời các sinh viên Rutgers hãy… thưởng thức.
Lập tức, cả trường bàn tán xôn xao. Không ít người công khai dè bỉu Tyler trước mặt anh. Trong những ngày cuối cùng của đời mình, Tyler tự nhốt mình trong căn phòng nhỏ ở ký túc xá, như CNN tiết lộ. Lúc 20g42 ngày 22/9, Tyler post lời vĩnh biệt lên Facebook trước khi nhảy xuống cầu George Washington. “Tôi nhảy xuống cầu GW. Xin lỗi tất cả”, đó là nội dung của tin nhắn cuối cùng trong đời Tyler.
Khi tiến hành điều tra, cảnh sát không khó xác định được những nhân vật liên quan đến cái chết của Tyler nên đã đưa ra cáo buộc đối với Dharun Ravi và Molly Wei về tội xâm phạm quyền riêng tư của người khác trong cả hai cấp độ hình sự: cấp độ thứ tư về việc thu thập hình ảnh về chuyện tình dục của cá nhân khác mà không được đồng ý và cấp độ thứ ba là loan truyền những hình ảnh đó. Nếu thật sự bị xác định “có tội” bởi những cáo buộc này, Ravi và Wei có thể phải nhận mức án 5 năm tù. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, Dharun Ravi chỉ bị kết án 30 ngày ngồi tù. Công tố viên cho rằng mức án đó quá nhẹ và đã kháng nghị.
Cảnh sát tìm thấy xác của Tyler Clementi - Ảnh: New York Daily News
Ai phải thay đổi?
Cho đến bây giờ, bà Jane Clementi vẫn chưa hết bàng hoàng vì cái chết của con mình. Hai ngày trước khi giã từ bố mẹ để nhập học tại trường Rutgers, Tyler thừa nhận với cha mẹ, mình là người đồng tính. “Đó là điều khiến tôi đau khổ nhất bởi tôi luôn nghĩ mẹ con tôi chưa bao giờ giấu nhau điều gì, quan hệ giữa chúng tôi rất cởi mở”, bà Jane Clementi nói. Trong lần nói chuyện đó, bố Tyler có vẻ chấp nhận thực tế về con mình, nhưng mẹ anh thì không. Bà cật vấn Tyler: “Làm sao con biết được điều đó? Con đã nói chuyện này với ai chưa? Con định nói với ai?…”. Một lần tâm sự với bạn thân, Tyler nói: “Mẹ tôi hoàn toàn không chấp nhận điều này”.
Trong cú điện thoại gọi về nhà lần cuối, giọng của Tyler có vẻ khác lạ. Bà Jane nhận ra điều đó: “Giọng của Tyler buồn buồn, nhưng tôi lại cho là nó đang trong thời gian thích ứng với việc sống xa nhà. Tôi nói “mẹ rất nhớ con”, nó trả lời “con cũng rất nhớ mẹ”. Tôi chỉ nghĩ nó đang nhớ nhà”. Chỉ vài giờ sau, ông Joe Clementi nhận được điện thoại của cảnh sát, báo là họ nhặt được điện thoại và ví của Tyler Clementi trên thành cầu George Washington. Thi thể của cậu vẫn chưa tìm được.
Hơn ba năm đã trôi qua kể từ ngày đau buồn đó, nhưng bà Jane luôn dằn vặt vì cái chết của con. “Mọi người khuyên tôi hãy cố quên, tôi cũng dặn lòng mình như thế, nhưng không thể được”. Bà Jane Clementi có lý do. Vào thời điểm Tyler thừa nhận với cha mẹ mình là người đồng tính thì một con chiên ngoan đạo như bà Clementi luôn tin rằng đồng tính thật tội lỗi. Vì vậy, bà không muốn nói với bạn bè và người thân về điều này, bà chưa sẵn sàng bảo vệ con trước những định kiến khắt khe.
Chuyện về Tyler Clementi đã không còn là chuyện riêng của anh và gia đình anh, mà phản ánh một góc tối trong cuộc đời của những đứa trẻ tuổi teen. Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra quanh thái độ ứng xử của các bậc cha mẹ khi biết về trục trặc của con mình, đặc biệt là ở những trẻ đồng tính như Tyler Clementi. Tôi không cho rằng những đứa trẻ như Tyler phải thay đổi bản thân mà điều cần thay đổi chính là thái độ và cách hành xử của các cha mẹ đối với con mình”, bà Jane Clementi nói.
THIỆN NGA
Kỳ cuối: Không dành cho người yếu bóng vía