Đổ xô mua thực phẩm chay ngoại vì tin vào chất lượng

28/08/2018 - 10:00

PNO - Một, hai năm trở lại đây, thực phẩm chay ngoại đổ bộ thị trường. Mặc dù giá thành khá cao, song nhiều người vẫn chuộng vì thực phẩm này được cho là an toàn, ít sử dụng phụ gia, sản phẩm lại đa dạng…

Nhiều món “độc, lạ”

Hiện thực phẩm chay ngoại có mặt trên thị trường từ đủ các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản. Nếu trước đây, sản phẩm chỉ được bán tại các cửa hàng thực phẩm ngoại, số lượng cửa hàng đếm trên đầu ngón tay thì nay đã đổ bộ vào các kênh siêu thị, chợ truyền thống.

Khảo sát thị trường, thực phẩm chay trong nước còn khá đơn điệu về chủng loại, chỉ quanh quẩn một số món như cá, heo, gà, vịt… và thường nhà sản xuất chỉ đóng gói riêng lẻ một loại. Ví dụ, thịt heo khô, cá bống khô, đùi gà khô, sau đó người mua đem về mới tự chế biến theo công thức món ăn.

Trong khi đó, ẩm thực chay ngoại tạo nên sự độc đáo vì có nhiều món độc, lạ; biến tấu sẵn thành một món ăn, người mua chỉ việc chế biến sơ là có thể ăn ngay được.

Do xo mua thuc pham chay ngoai vi tin vao chat luong

Thịt cừu, cá hồi chiên vàng của Malaysia được lòng khách hàng.

Tại cửa hàng thực phẩm chay Trí Huệ (Q.11, TP.HCM), nhân viên giới thiệu với chúng tôi đủ thực phẩm chế biến sẵn được nhập từ Malaysia như cừu nướng, lẩu cừu, cừu xào nấm. Ví dụ trong gói cừu xào nấm, nhà sản xuất đã tự niêm nếm gia vị sao vừa ăn, thịt cừu đóng gói riêng, nấm đóng gói riêng. Người mua chỉ cần thực hiện theo hướng dẫn là được.

“Ưu điểm của thực phẩm  chay ngoại là món ăn sau khi chế biến không có độ giòn sần sật giống như một số thực phẩm chay nội. Màu sắc cũng không lòe loẹt, bắt mắt”, nhân viên tại cửa hàng này cho biết.

Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm mới lạ như cá hồi, trứng luộc, cà ri cá, cà ri mít, bánh mì chiên, tạng động vật (bao tử vịt, tai heo, lưỡi vịt, gan vịt, ruột vịt), chà bông mè đen, chà bông bí ngô, chà bông ngưu bàng, cua, sò điệp… Giá dao động từ 57.000 – 250.000 đ/sản phẩm.

Không chỉ thực phẩm tươi sống mới được sản xuất theo phương thức hữu cơ (organic), thực phẩm chay ngoại đóng gói cũng đang sản xuất theo xu hướng này.

Nhân viên tại siêu thị Hoa Đăng (Q.1, TP.HCM) cho biết, thực phẩm chay organic chủ yếu nhập từ Nhật, Mỹ. Dòng thực phẩm này không có loại chế biến sẵn giống như thực phẩm chay Ấn Độ, Malaysia mà chủ yếu là các loại gia vị phục vụ chế biến món chay. Chẳng hạn như  bơ hạnh nhân, sốt tỏi ớt, tương cà, bơ đậu phộng, dấm táo, dầu oliu, chà bông các loại hạt… Do không có chất bảo quản nên sản phẩm thường có hạn sử dụng ngắn, chỉ 3 tháng.

Bột nêm organic nhập từ Mỹ được làm từ bột bắp, muối, tinh chất nấm và các loại rau củ hữu cơ được bán với giá từ 315.000 - 450.000 đồng/500gr trong khi bột niêm tại Việt Nam chỉ có giá từ 37.000 – 75.000đ; sốt tỏi ớt nhập từ Mỹ giá 160.000/460ml trong khi của Việt Nam có giá 35.000 – 65.000đ; dầu oliu, bơ hạnh nhân nhập từ Mỹ giá 305.000đ/chai, cao hơn dầu thực vật và bơ của Việt Nam rất nhiều.

Hiện giá các loại gia vị chay organic ngoại nhập khá cao, gấp 4 – 5 lần so với gia vị chay bình thường khác, song theo nhân viên thì lượng khách tăng đều theo từng năm vì được đánh giá khá tốt. Mỗi năm người tiêu dùng chỉ ăn chay nhiều nhất vào tháng 7 nên họ không ngại chi tiền để có được bữa ăn chay sạch đúng nghĩa.

Cẩn thận đồ chay ngoại “dỏm”

Thời gian gần đây, khi đi các chợ truyền thống tìm mua đồ chay, chúng tôi gặp không ít tiểu thương mời mọc mua đồ chay ngoại, song lại không hề có nhãn mác, thông tin sơ sài. Nhiều khả năng thực phẩm chay Trung Quốc giả thành.

Tại chợ Bình Tây (Q.6), đồ chay thuộc mặt hàng khô, các nguyên liệu thực phẩm khô sử dụng trong chế biến các món chay như táo tàu, kim châm, bạch quả, nấm đông cô, hạnh nhân… chất đầy hai bên lối đi, đựng trong bao nilon loại 20 ký, nhiều loại còn đựng trong thùng không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm. Tùy loại, thực phẩm chay sẽ có giá từ 100.000 – 250.000 đ/ký.

Tại một số sạp, khi hỏi về thực phẩm chay khô như thịt heo lát, thịt bò lát, gà, vịt… tiểu thương luôn miệng khẳng định hàng ngoại nhập từ Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Nhật; tuyệt nhiên không nghe nhắc đến Trung Quốc. Quan sát một gói sản phẩm mực chay được cho từ Thái Lan, chúng tôi thấy chỉ có một mẫu giấy nhỏ xíu hình con mực, vài dòng chữ Thái, ngoài ra không có bất kỳ thông tin nào về sản phẩm.

Do xo mua thuc pham chay ngoai vi tin vao chat luong
Thực phẩm chay ngoại nhập dù giá cao nhưng vẫn tiêu thụ khá tốt.

Trong khi đó, chủ sạp T.H cho biết, thực phẩm chay khô tại chợ chủ yếu là hàng Việt Nam và Trung Quốc. Chủ mối từ các nơi đổ về vẫn thích lấy hàng Trung Quốc vì sản phẩm đa dạng, khi ăn có mùi vị y như đồ mặn; giá thành lại rẻ. Riêng thực phẩm chay Nhật, Ấn Độ người ta ít lấy vì giá thành đắt hơn.

Chủ cửa hàng thực phẩm chay tại đường Cống Quỳnh (Q.1) cho chúng tôi biết thêm, mỗi nước có văn hóa, ẩm thực khác nhau, thực phẩm chay thường dựa trên nền tảng văn hóa ẩm thực của mỗi nước.

Chẳng hạn, tại Việt Nam, ẩm thực khá phong phú như cá, gà, heo, bò… nên thực phẩm chay thường có những tên gọi này. Nhật Bản nổi tiếng với mì udon, rong biển thì thực phẩm chay của Nhật cũng chỉ quanh quẩn mì udon, các thể loại rong biển; Hàn Quốc nổi tiếng kim chi, rong biển thì thực phẩm chay chỉ một ít sản phẩm như mì kim chi, hạt niêm kim chi; Đài Loan chỉ có các loại chà bông từ hạt, rau, quả; Ấn Độ thì vài loại như sườn, nguyên liệu làm cơm trộn Nepal.

Hơn nữa, các nước Hàn, Nhật, Mỹ… không có phong tục tập quán ăn chay như người Việt Nam nên thực phẩm chay của họ không thể xuất hiện các loại giống thực phẩm Việt Nam. Nếu có, chắc chắn là do người bán tự phong.

Lê Quân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI