Đổ xô mua Tamiflu phòng cúm

10/01/2020 - 07:00

PNO - Bệnh cúm mùa đang vào giai đoạn cao điểm. Trong khi đó, nguồn cung cấp thuốc Tamiflu tại các bệnh viện lại đang tạm thời đứt hàng. Nhiều người dân lùng mua thuốc Tamiflu trôi nổi để dự trữ, thậm chí uống trước với hy vọng phòng được bệnh cúm.

Tình trạng săn lùng thuốc Tamiflu diễn ra từ giữa tháng 12/2019 ở các tỉnh thành phía Bắc vì đặc thù thời tiết lạnh cuối năm, độ ẩm cao, mọi người dễ bị cảm cúm. Nhiều người coi thuốc kháng vi-rút Tamiflu là thần dược, lùng mua bằng được dù với giá cắt cổ và không đảm bảo nguồn gốc. 

Khắc tinh của bệnh cúm?

Người dân săn lùng Tamiflu trôi nổi làm thuốc này bị đẩy giá lên cao
Người dân săn lùng Tamiflu trôi nổi làm thuốc này bị đẩy giá lên cao

Chị N.N.T., 32 tuổi, ngụ tại Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội, cho biết quanh nhà mình đang có dịch cúm. Do không muốn bản thân và gia đình bị lây nên chị đã nghe bạn bè, tìm mua thuốc Tamiflu. “Bệnh viện cũng đang khan hiếm thuốc này, cứ mua sẵn phòng hờ nhỡ trong nhà ai bị cúm thì có để dùng ngay. Chưa bệnh mà uống dự phòng trước cũng có thể ngừa bệnh”, chị T. chia sẻ. 

Chị đến nhiều hiệu thuốc thì đều được trả lời đã hết Tamiflu. Trong lòng bất an, chị T. lên mạng tìm kiếm. Cuối cùng, chị cũng mua được hai hộp Tamiflu hàng xách tay từ Nga với giá 750.000 đồng/hộp/10 viên. Theo hướng dẫn của người bán hàng, chị đã cho cả gia đình uống liều dự phòng (mỗi ngày một viên, uống trong ba ngày). Số thuốc còn lại chị cất tủ thuốc phòng lúc cần.

Nắm được tâm lý người dân, rất nhiều shop online đang rao bán Tamiflu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Tamiflu đang rao bán trên mạng được quảng cáo là hàng xách tay từ Nga nhưng giá thì vô cùng, từ 500.000 đồng/hộp/10 viên đến cả triệu đồng/hộp/10 viên. Thậm chí, nhiều shop còn yêu cầu khách hàng phải đặt cọc trước 50% mới… nhập về. 

Chủ shop online tên K. chỉ dẫn khách hàng rằng: Tamiflu có thể dùng cho tất cả mọi người, thậm chí là trẻ em từ một tuổi. Nếu chưa bị cúm thì uống liều dự phòng mỗi ngày một viên trong ba ngày, nếu người đang bị cúm thì uống mỗi ngày hai viên trong năm ngày. Bệnh sẽ thuyên giảm ngay, những thành viên trong nhà đã uống thuốc dự phòng sẽ không bị lây nhiễm cúm…

TP.HCM tuy không lạnh như Hà Nội nhưng từ nay tới Tết Nguyên đán là thời điểm nhiệt độ xuống thấp nhất trong năm. Sự thay đổi chênh lệch nhiệt độ vào sáng sớm và ban đêm cũng khiến nhiều người mắc bệnh về đường hô hấp, sốt siêu vi. Khi bị cảm sốt thông thường, không phải ai cũng đi khám, làm xét nghiệm để được bác sĩ chỉ định điều trị. 

Nhiều người học theo trên mạng, tự đặt mua thuốc Tamiflu uống chặn dù chưa chắc mình đã bị cúm. Chị P.U.N., 43 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình, cho biết chồng mình vừa bị sốt, ho, chảy nước mũi kéo dài. Sợ con bị lây nên chị đã nhờ bạn bè đặt giúp hai hộp Tamiflu cho cả nhà uống ngừa. Hiện thuốc này rất khan hiếm, khó tìm được ở các nhà thuốc, cách dễ nhất là mua hàng xách tay trên mạng dù giá cao.

Uống Tamiflu tùy tiện coi chừng có xu hướng muốn tự tử

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết: ngày nào cũng có các phụ huynh nhờ tư vấn chỗ mua thuốc Tamiflu. Đây là nhận thức rất sai lầm. Tamiflu là thuốc kê đơn, không thể dùng bừa bãi sẽ gây kháng thuốc, tăng gánh nặng cho gan và thận. Dùng 

Tamiflu không theo chỉ định có thể gặp phải các tác dụng phụ như: khô môi, nôn ói, nhức đầu, tiêu chảy và nguy hiểm nhất là một số trường hợp có ý định tự tử. Các bác sĩ chỉ chỉ định Tamiflu đối với một số chủng cúm nguy hiểm gây suy hô hấp cấp như H5N1, H7N9… hoặc dùng cho bệnh nhân có cơ địa đặc biệt bị biến chứng. Muốn ngừa cúm mùa, cách tốt nhất là chích ngừa. 

Trong trường hợp có dấu hiệu cảm cúm, mọi người nên đi khám, làm xét nghiệm xem chủng vi-rút cúm là gì và tuân thủ theo điều trị của bác sĩ. Cúm mùa thông thường không nguy hiểm, chỉ cần nghỉ ngơi, hạ sốt, tăng cường dinh dưỡng thì sẽ tự hồi phục sau một tuần đến mười ngày. 

 

Hàng trôi nổi “thổi” giá gấp ba lần

Dược sĩ Lê Phước Thành Nhân, Trưởng khoa Dược Bệnh viện Quận 2, cũng ghi nhận tình trạng người dân tự ý săn lùng thuốc Tamiflu và sử dụng bừa bãi. Một số người còn chi ra số tiền rất cao để mua Tamiflu trôi nổi về dự trữ. Giá mỗi viên Tamiflu tại Bệnh viện Quận 2 với bệnh nhân có bảo hiểm y tế khoảng 45.000 đồng, nhưng thuốc trôi nổi lại được “thổi” lên tới cả trăm ngàn đồng/viên, thậm chí 300.000 đồng/viên. 

Tình trạng tạm thời đứt hàng Tamiflu tại các bệnh viện là có thật, nguyên nhân do bên cung ứng nhập về ít. Hiện tại, Bệnh viện Quận 2 đang còn 12 viên Tamiflu nhưng thuốc này rất ít dùng, nhập quá nhiều không dùng để hết hạn sẽ gây lãng phí.

Đâu phải cứ cúm là dùng Tamiflu. Người dân không nên ngộ nhận, Tamiflu không có tác dụng ngừa bệnh. Cơ chế của thuốc là gây bất hoạt men của vi-rút (khi vi-rút xâm nhập vào cơ thể sẽ tiết ra men), nhờ thế mà có tác dụng kháng vi-rút.

Khi chưa bị bệnh thì đã có vi-rút đâu mà tiết ra men, do đó uống trước không có tác dụng phòng ngừa. Đó còn chưa kể các hậu quả khó lường cho sức khỏe do nguồn hàng không đảm bảo, nguy cơ mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng rất cao.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI