Đổ xô mua máy tạo ô-xy, máy trợ thở giá cao

16/08/2021 - 12:01

PNO - Giá bán máy tạo ô-xy, máy trợ thở liên tục tăng; giá phụ kiện (van đồng hồ, dây dẫn, mặt nạ) của các sản phẩm này cũng bị đẩy lên gấp năm lần do nhu cầu mua tăng cao.

Hàng trôi nổi, giá trên trời

Hơn một tháng nay, anh Phạm Nghĩa (TPHCM) liên tục tìm mua các phụ kiện (van đồng hồ, dây dẫn, mặt nạ thở) để hỗ trợ từ thiện cho các ca F0 nặng thở ô-xy. Anh cho biết, mỗi bệnh nhân sử dụng một bộ phụ kiện. Trước đây, giá bán một bộ phụ kiện đủ ba món trên chưa tới 300.000 đồng, nay đã nhảy lên 1,4 triệu đồng/bộ, toàn là hàng Trung Quốc. Giá nhập về của bộ sản phẩm này không quá 150.000 đồng. Phía người bán lấy lý do “hết hàng” để tăng giá. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế, không có chuyện khan hàng, vì khi liên hệ một số nơi bán, chúng tôi được trả lời, muốn mua bao nhiêu cũng có, nhưng phải mua với mức giá họ đưa ra, không giảm. Một số nơi bán máy tạo ô-xy, máy trợ thở báo hết hàng loại máy giá rẻ, chỉ còn loại máy giá cao. 

Giá các phụ kiện ô-xy (van đồng hồ, dây dẫn, mặt nạ thở) tại TP.HCM hiện tăng rất cao - ẢNH: PHẠM NGHĨA
Giá các phụ kiện ô-xy (van đồng hồ, dây dẫn, mặt nạ thở) tại TP.HCM hiện tăng rất cao - ẢNH: PHẠM NGHĨA

Nhân viên Công ty Công nghệ H.H. (Q.Gò Vấp, TPHCM) giới thiệu với chúng tôi đủ loại gồm máy tạo ô-xy y tế, máy tạo ô-xy xách tay, máy trợ thở, máy đo nồng độ ô-xy các nhãn hiệu Wellmed, Yuwell, Owgels, LoveGo, Philips đang có khuyến mãi, giảm giá từ 5 - 20%. Máy tạo ô-xy có loại 3 lít, 5 lít, 10 lít, máy mini, giá dao động từ 30-80 triệu đồng/cái; những loại giá 10-25 triệu đồng/cái đã không còn hàng. Giá các phụ kiện ở đây cũng cao ngất ngưởng: mặt nạ trợ thở 2,5 triệu đồng/cái, chưa kèm van đồng hồ, dây dẫn. 

Một số nơi bán không niêm yết giá bán hoặc chỉ ghi giá tượng trưng, khi chúng tôi liên hệ thì người bán báo giá bán thực cao hơn gấp 4-5 lần so với giá niêm yết. Trên sàn thương mại điện tử Shopee, một số cá nhân cũng rao bán phụ kiện riêng lẻ chứ không theo bộ, như dây ô-xy một nhánh dùng cho các máy tạo ô-xy 3 lít, 5 lít, 10 lít, giá niêm yết chỉ 15.000 đồng/cái; mặt nạ thở ô-xy giá chỉ 35.000 đồng/cái hay van đồng hồ ô-xy 150.000-600.000 đồng/cái… nhưng chúng tôi không thể đặt hàng do bên bán báo “khó vận chuyển”.

Có cần thiết dự phòng bình ô-xy?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) - khuyến cáo người dân không nên đổ xô mua bình ô-xy đại trà khi không hiểu rõ cách sử dụng đúng; việc lưu trữ bình ô-xy tại nhà có thể gây cháy nổ, kể cả những bình ô-xy mini. Hơn nữa, với những trường hợp nhiễm bệnh nặng, cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị chứ không chỉ thở ô-xy là giải quyết được tình trạng. Bình ô-xy chỉ là giải pháp tạm thời đối với trường hợp bệnh nhân chờ cấp cứu, chỉ dùng trong khoảng vài giờ, còn với trường hợp suy hô hấp nặng thì bình ô-xy tại nhà không cứu được. Phải biết khi nào thì dùng bình ô-xy bao nhiêu lít chứ không chỉ vặn mở van là xong. Nếu mua phải máy kém chất lượng, nguy cơ cháy nổ là rất cao. 

Một số người mua máy tạo ô-xy để trong nhà cho yên tâm, phòng trường hợp không thể đưa ngay người nhà đến bệnh viện. Nhưng theo các bác sĩ, phải biết cách sử dụng máy và cần để máy xa khu vực có lửa, không hút thuốc khi sử dụng máy; khi dùng xong, phải kiểm tra và bảo quản máy theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Máy tạo ô-xy hay máy thở đều cần nước để tạo ẩm và nguồn nước này phải bảo đảm vô trùng. Người nhiễm COVID-19, nếu không có triệu chứng thì không nhất thiết phải dùng đến bình ô-xy hay máy tạo ô-xy ở nhà. Nếu người mắc COVID-19 có biểu hiện như hồi hộp, thở hụt hơi, thở khó, cần đưa đến bệnh viện điều trị ngay dù trong nhà có sẵn máy tạo ô-xy. 

Thay đổi tư thế để cải thiện ô-xy phổi

Người bệnh có thể cải thiện ô-xy phổi bằng cách nằm sấp. Nếu kết quả đo ô-xy cho thấy nồng độ SpO2 dưới 94% hoặc thấy mệt, bệnh nhân nên nằm sấp để giữ nhịp thở và tăng độ bão hòa ô-xy. Người bệnh thay đổi các tư thế, mỗi tư thế duy trì trong 30-120 phút; bắt đầu nằm sấp trên giường phẳng, sau đó chuyển sang nằm nghiêng bên phải, rồi ngồi dậy tựa người 30-60 độ rồi tiếp tục chuyển sang nằm nghiêng bên trái, sau đó nằm sấp, co chân và trở lại vị trí nằm sấp như ban đầu. Nếu nồng độ ô-xy của người bệnh giảm xuống dưới 92% SpO2 thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ, tìm sự trợ giúp ngay. Những trường hợp mang thai, huyết khối tĩnh mạch sâu, bệnh tim mạch, bị các vấn đề về cột sống, gãy xương thì không nên áp dụng phương pháp nằm sấp này. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 


Nguyễn Cẩm 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI