Đổ xô làm xét nghiệm HP, lợi bất cập hại

05/04/2019 - 06:40

PNO - Đang có phong trào phụ huynh đưa con đi làm xét nghiệm tìm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) đường tiêu hóa do tâm lý lo sợ có thể dẫn đến ung thư. Chuyện này đã dẫn tới nhiều hệ lụy khôn lường.

Chính sự nhiễu loạn thông tin gây hiểu lầm cho phụ huynh làm các bác sĩ tốn rất nhiều thời gian thuyết phục, nghiêm trọng hơn nữa là ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhi. Lúc không cần thiết lại tự đi xét nghiệm rồi yêu cầu điều trị, lúc cần xét nghiệm và điều trị thì nghi ngờ và tự ra ngoài chọn phương pháp xét nghiệm khác.

Chị T.T.D., 36 tuổi, ngụ tại H.Nhà Bè, TP.HCM, được bạn bè cảnh báo vi khuẩn HP rất nguy hiểm nên tầm soát để điều trị sớm. Chị gọi dịch vụ tới nhà xét nghiệm phân tìm HP với giá 200.000 đồng cho con trai bảy tuổi.

Kết quả, con chị dương tính với vi khuẩn HP. Chị liền tới bệnh viện đề nghị bác sĩ cho con được điều trị ngay nhưng bác sĩ từ chối vì bé chưa có triệu chứng bất thường. Chị D. đã tranh luận với bác sĩ và ra về trong bức xúc bởi sao không cho diệt nó ngay mà còn phải chờ tới khi gây bệnh...

Do xo lam xet nghiem HP, loi bat cap hai
Bác sĩ tại phòng khám tiêu hóa của Bệnh viện Nhi Đồng 1 giải thích cho phụ huynh chưa cần điều trị vi khuẩn HP cho trẻ khi không có triệu chứng bất thường

Bác sĩ Nguyễn Việt Trường - Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cho biết, một tháng nay ngày nào cũng gặp 2-3 trường hợp yêu cầu được làm xét nghiệm tìm vi khuẩn HP. Khi không được đồng thuận, họ tự đưa con đi làm xét nghiệm ở các dịch vụ tư nhân.

Theo bác sĩ Trường, các thông tin quảng cáo về dịch vụ xét nghiệm vi khuẩn HP quá phổ biến nên người dân ai cũng biết nhưng lại chưa hiểu thấu đáo. Tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xét nghiệm thích hợp.

Tình trạng tự ý xét nghiệm vi khuẩn HP tràn lan không chỉ gây hoang mang cho phụ huynh mà khiến việc điều trị bị chậm trễ. Như trường hợp bé trai chín tuổi được mẹ đưa tới khám tiêu hóa do đau bụng dữ dội. Sau khi kiểm tra và làm một số chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ Trường xác định bệnh nhi có vết loét ở dạ dày.

Đối với trẻ em, khi đã loét dạ dày khả năng do vi khuẩn HP gây ra lên tới 90%. Vì vậy, bác sĩ chỉ định làm nội soi tiêu hóa để xác định có phải nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn HP không. Tuy nhiên, bà mẹ phản đối nội soi, cho rằng có rất nhiều cách xét nghiệm tìm vi khuẩn HP như xét nghiệm phân, thử máu, test hơi thở.

Thế mà bác sĩ lại bắt bệnh nhi phải nội soi tiêu hóa, một phương pháp phức tạp nhất. “Phụ huynh dắt con đi, cô ấy nói sẽ cho con làm xét nghiệm HP bằng test hơi thở ở bên ngoài cho nhanh và an toàn. Tôi giải thích cách nào cũng không chịu”, bác sĩ Trường kể. 

Bác sĩ Hoàng Lê Phúc - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cũng gặp nhiều tình huống tương tự. Bác sĩ Phúc lưu ý, phụ huynh cần phân biệt giữa dương tính với HP và điều trị HP. Trên toàn cầu, ước tính 50% dân số bị nhiễm vi khuẩn HP.

Do xo lam xet nghiem HP, loi bat cap hai
 

Tại các nước phát triển, tỷ lệ nhiễm là 25%, còn nước đang phát triển như Việt Nam tỷ lệ nhiễm là 50%. Chính vì nghe nhiễm HP có thể dẫn tới ung thư nên tâm lý các phụ huynh mới hoang mang như vậy. Ở trẻ em, rất hiếm khi bị ung thư tiêu hóa do loét dạ dày - tá tràng vì vi khuẩn HP.

Khi bị nhiễm HP mà chưa có triệu chứng, HP không gây bệnh thì không can thiệp. Bác sĩ chỉ điều trị khi xác định vi khuẩn HP đang gây bệnh. Thuốc điều trị HP có thể gây ra những tác dụng phụ như nôn ói, mệt mỏi. Đó là chưa kể trẻ em chưa nhận thức được nguồn lây nhiễm, khi ăn uống chung rất dễ tái nhiễm. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI