Nhìn cảnh ấm áp của cả gia đình, bạn bè mừng thầm với suy nghĩ: “Chắc họ sẽ lại về với nhau”. Những người chưa biết chuyện đổ vỡ của gia đình ấy thì chưng hửng khi nghe tin vợ chồng NSƯT Minh Hạnh đã chia tay gần 20 năm, bởi chính mắt họ nhìn “cận cảnh” một gia đình hạnh phúc chỉ vài ngày trước đó...
NSƯT Minh Hạnh cười rất tươi: “Từ lâu chúng tôi đã là bạn. Tôi có thể chia sẻ với anh rất nhiều điều, nhiều hơn với một người bạn bình thường. Nhưng để có được tình bạn của ngày hôm nay, mọi thứ đã từng không dễ dàng”.
|
Ly hôn gần 20 năm nhưng những lúc có đủ bốn thành viên, gia đình NSƯT Minh Hạnh vẫn luôn đầy ắp nụ cười |
Khi đã hết yêu thì không thể cố, vì bất kỳ lý do gì. Ly hôn khi con trai 18 tuổi, con gái mới sáu tuổi, NSƯT Minh Hạnh cũng rơi vào cảm giác chông chênh như tất cả những người phụ nữ khác sau ly hôn. Hai con ở với mẹ, với chị vậy là đủ. Chị nói điều chị “ngán” nhất trong thời gian đầu “đường ai nấy đi” là phải gặp lại chồng cũ.
Nhưng “ngán” là… chuyện của chị. Dù mỗi người một nơi thì anh vẫn là cha của các con. Không cùng quan điểm, không cùng suy nghĩ nên đành chấp nhận chia tay sau gần 20 năm chung sống, nhưng giữa vợ chồng còn có sự ràng buộc là các con. Cả hai đều rất thương con nên dù không muốn gặp nhau, họ vẫn cứ phải đối mặt.
Thương con, nên dù có giận chồng cũ cách mấy thì đó vẫn là chuyện của người lớn. Chị vẫn muốn các con có tình thương của cha, của gia đình bên nội. Vợ chồng ly hôn, thay đổi duy nhất là ba má không còn ở chung một nhà với nhau, còn lại mọi chuyện khác không thay đổi. Ngoài việc qua kèm con gái út học, anh có thể qua thăm con bất kỳ lúc nào anh muốn và không giới hạn thời gian.
Chị bật cười nhớ lại: “Tôi cũng là người bình thường chớ có phải gỗ đá đâu. Có khi đi làm về, ngó vô nhà thấy anh… tôi chỉ muốn quay đầu trở ra. Nhưng hành động vậy thì kỳ cục quá, rồi ăn nói sao với con cái? Thôi thì giả lơ". Vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn, giờ giấc của chị bị động liên tục. Có những lúc không kịp về đón con, chị chỉ có thể “kiếm” anh. Những lúc đi công tác, chị cũng không thể trông cậy vào ai khác ngoài người mà chị không hề muốn gặp mặt.
Thế là “vì con”, ngán cách mấy chị cũng phải chạm mặt chồng. Mà “nhu cầu” của con thì không có giới hạn. Không chỉ muốn gặp cha, được cha làm gia sư, được cha chở về nhà nội chơi… các con còn muốn thỉnh thoảng “cả nhà” cùng nhau đi ăn, đi chơi loanh quanh đâu đó. Chiều con, chị đồng ý cho con vui, nhưng cái cảm giác lấn cấn thì không sao giải tỏa được. Đi ăn, ngồi chung bàn, nhưng chị cứ ngó mông lung chỗ khác.
Không thể ngồi trơ như khúc gỗ vì sợ phá vỡ không khí vui vẻ của các con, chị cũng phải góp chuyện. Chỉ có điều, những lúc cần “đối thoại” với chồng cũ, chị ngó chệch sang một bên hoặc nhìn… trên đỉnh đầu của chồng. “Mà thiệt lạ, hình như điều gì mình càng không thích, càng phải đối mặt nhiều. Không thích gặp mặt chồng cũ, nhưng rồi cứ hết chuyện này đến chuyện khác, tôi với anh cứ phải gặp nhau. Không biết có phải vì không ưa nhưng phải gặp anh hoài nên tôi trở thành người hay lèm bèm mỗi khi con có lỗi. Mỗi lần rầy con, tôi “nhỏ mọn” móc ngoéo kiểu: “Sao mà giống… “ổng” dữ vậy không biết nữa!” - chị dí dỏm nhắc chuyện cũ.
“Sự cố” đầu tiên làm NSƯT Minh Hạnh “thót tim” là lần chị bất ngờ “bị” con trai “kiến nghị” con cần có cuộc nói chuyện nghiêm túc với má. Con trai đã nói với chị rất nhiều về suy nghĩ, cảm xúc của mình từ sau ngày ba má ly hôn. Có những điều chị nhớ đến tận bây giờ: “Con tôn trọng quyết định của ba má nhưng con mong muốn ba má dù không thể chung sống thì luôn là những người bạn tốt của nhau. Ba má đã từng rất yêu nhau và tụi con là kết quả của tình yêu ấy”.
Sau lần đó, mỗi khi sắp “lèm bèm” chị lại nhớ cuộc nói chuyện của con và chuyển hướng. Mà cũng thiệt lạ, từ khi thôi “lèm bèm”, chị bỗng thấy mọi thứ trở nên nhẹ hơn vì không còn bị nhắc nhớ những chuyện đã xảy ra. Chị giật mình nhận ra rằng, mình có thể quen một người bạn mới, vui vẻ trò chuyện thì tại sao không thể chấp nhận trở thành bạn với người đã từng một thời đầu ấp, tay gối. Tình đã hết nhưng nghĩa vẫn còn đó, và còn cả những sự ràng buộc thiêng liêng.
|
Ngày cưới của con trai |
Nghĩ vậy, chị tập làm quen “đối diện” với người bạn không cũ nhưng cũng chẳng phải mới. Chắc chắn không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Rất nhiều lần, cảm giác khó chịu lại ùa về. Những lúc đó, chị cố gắng tìm sự cân bằng với suy nghĩ: “Có một người bạn mà cả hai đã hiểu rất rõ về nhau, cả tật xấu lẫn tánh tốt là điều không dễ tìm trong cuộc sống này”.
Thuận lợi lớn nhất của chị và chồng cũ một phần có lẽ cũng do sau khi ly hôn, tuy thường xuyên phải gặp nhau nhưng cả hai đều giữ được cam kết không can thiệp vào đời tư của nhau. Anh cũng từng tìm hiểu “đối tượng” mới và chị cũng vậy. “Nhưng đó là những điều thuộc về tự do cá nhân của đôi bên và được cả hai tôn trọng” - chị cười hồn hậu.
Tình bạn của anh chị trở nên gắn bó hơn từ khi cô con gái bước vào tuổi mới lớn, thời điểm luôn khiến tất cả các ông bố bà mẹ đau đầu. Chị liên lạc với anh thường xuyên hơn, khi “bắt đền” tại anh cưng chiều con, lúc cầu cứu anh phụ chị một tay dạy con. Tần suất anh đến nhà chị cũng dày hơn, thời gian cũng lâu hơn vì phải nói chuyện với con gái. “Mọi việc hết sức tự nhiên khi mình xác định rõ ràng tư tưởng. Tôi cũng không biết chính xác tôi và anh thực sự trở thành những người bạn của nhau ở thời điểm nào”.
Mọi việc quan trọng của các con từ “coi giò cẳng” bạn gái của con trai, cưới vợ cho con đến quyết định cho con gái du học… chị đều bàn bạc và thống nhất ý kiến với anh trước khi quyết định. Ngày cưới con trai, anh chị sánh bước bên nhau với nụ cười rạng rỡ, không chút ngượng nghịu, khiến hết thảy những ai biết họ không còn là người một nhà phải tròn mắt ngạc nhiên.
Vợ chồng không thể tiếp tục chung sống là hết duyên, hết nợ. Nhưng phía sau cuộc chia tay đó còn rất nhiều giềng mối khác: mối quan hệ với cha mẹ, họ hàng, gia đình nội ngoại hai bên… Tất cả những mối quan hệ mà khi chia tay nhau, vợ hoặc chồng đều không thể phủi sạch như chưa có gì. Không còn là dâu, rể, nhưng anh chị vẫn dành cho gia đình hai bên tình cảm gắn bó thân thiết. Lễ tết, giỗ chạp… chị sang nhà nội thắp nhang bàn thờ ông bà, tổ tiên.
Những lúc quá bận rộn, chị vẫn không quên gửi mâm trái cây, bó hoa cúng ông bà. Anh cũng vậy. Không chỉ lễ tết mà thỉnh thoảng anh lại sang thăm nhà ngoại, trò chuyện với ông bà, quà bánh cho ông bà vui. Chị nói, đó là cái lễ, cái nghĩa anh chị phải giữ, phần vì anh chị đều là dâu rể của hai gia đình ngót nghét hai chục năm; phần vì đó cũng là những điều anh chị muốn dạy các con về lễ nghĩa trong gia đình.
Giờ đây, bất kỳ khi nào có việc gì liên quan đến các con, chị đều gọi cho anh. Gia đình hai bên có việc gì hệ trọng đều muốn có mặt cả anh và chị. Các thành viên trong gia đình ấy luôn đứng gần nhau trong những bức ảnh của đại gia đình. Nhìn cách anh chị gắn bó với nhau sau khi ly hôn, nghe anh chị xưng hô bằng ba má, có những thành viên trong đại gia đình vẫn muốn tìm cách vun vén để đưa hai người trở về với nhau.
Nhưng với chị: “Suốt cuộc đời còn lại, tôi vẫn sẽ coi anh là bạn, một người bạn rất đặc biệt để mình có thể tin tưởng chia sẻ với nhau rất nhiều điều. Nhưng để trở lại là một gia đình thì… Khi không còn tình yêu, người ta không thể nhìn sâu vào mắt nhau để tìm kiếm những điều lãng mạn. Giờ đây, khi con trai đã lập gia đình, tôi luôn nhắc con trai và con dâu, tình yêu cũng giống như những bông hoa đẹp. Phải biết chăm sóc, tỉa cành, vun tưới… mỗi ngày. Đừng để đến khi cây tình yêu khô héo, sẽ chẳng có lọ nước thần nào có thể làm cây trở nên xanh tươi.
Nhưng không có nghĩa khi hết yêu, vợ chồng không thể trở thành bạn. Tất nhiên mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chẳng nhà nào giống nhà nào. Riêng với tôi, vợ chồng có thể trở thành bạn sau ly hôn không phải là chuyện ngày một ngày hai. Và cả hai chỉ có thể thực sự trở thành bạn bè khi mỗi người biết gạt bỏ quá khứ để mở ra một trang mới cho cuộc sống sau ly hôn”.
Ngọc Nguyễn