Đồ uống vỉa hè - 100% nguy cơ nhiễm độc

25/07/2013 - 15:06

PNO - PN - Theo công bố của Viện Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam (Hiệp hội TPCN Việt Nam), 100% các mẫu đồ uống như trà đá, nhân trần khô, trà chanh, nước mía… được kiểm nghiệm đều không an toàn với người tiêu dùng. Trong đó,...

Mùa hè cũng là mùa “giải khát đường phố” nở rộ. Ở khắp các tuyến đường, ngõ hẻm của Hà Nội đều có thể bắt gặp những quán cóc, cửa hàng đồ uống di động với đủ các mặt hàng, từ trà đá, trà chanh cho đến tào phớ, nước ngô, nước mía…

Hàng ngày, chiếc xe đạp bán tào phớ dạo của một ông lão ngoài 60 tuổi đều xuất hiện vài lần trên phố Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội). Phớ được chứa trong chiếc nồi nhôm méo mó, đi kèm với những chai sữa đậu nành không nhãn mác, phơi giữa cái nắng nóng lên tới 40 độ C. Có khách gọi là ông lão xúc phớ vào chiếc bát sứ ngả màu, phục vụ tận nơi với giá chỉ 5.000đ/bát. Khách dùng xong, không cần đến nước sạch để tráng, sau khi hất bỏ số đồ thừa còn lại, toàn bộ bát và thìa bẩn được ông dùng một chiếc giẻ, xoay một vòng rồi xếp lại ngay ngắn trên kệ xe chờ khách mới.

Không kém phần mất vệ sinh, chủ quán trà chanh vỉa hè tại khu vực Ngã Tư Sở (Thanh Xuân, Hà Nội) đựng thức uống vào xô nhựa, để tênh hênh bên lề đường đầy bụi bặm. Thay vì sử dụng đá viên tinh khiết, chủ hàng lại dùng đá cây, loại đá chỉ được sử dụng trong bảo quản thực phẩm. Đá được cho vào túi vải, đặt ngay xuống lòng đường để đập rồi bốc tay vào cốc cho khách hàng. Dù đã có thông tin trà chanh được pha từ những loại hóa chất không rõ nguồn gốc nhưng vào các buổi tối, đặc biệt là cuối tuần, những cửa hàng như thế này đều không còn chỗ trống.

Do uong via he - 100% nguy co nhiem doc

Với nhiều khách hàng, đặc biệt là giới trẻ, đồ uống vỉa hè đôi khi không chỉ để thỏa mãn cơn khát mà còn là “mốt thời thượng” để giao lưu, tụ tập bạn bè. Tuy nhiên, theo công bố mới nhất (ngày 23/7) về việc kiểm nghiệm mẫu thức uống đường phố của Viện Thực phẩm chức năng, 100% các mẫu đồ uống được kiểm nghiệm bao gồm nước trà xanh, nước trà đá, nước ngô, nước mía, nước vối và nguyên liệu khô tiền pha chế (nhân trần khô) tại nhiều tuyến phố của Hà Nội như Hoàng Cầu, Đê La Thành, Lãn Ông, Cát Linh… đều không đạt yêu cầu so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống ban hành năm 2009.

Cụ thể, 90% số mẫu nhiễm khuẩn E.Coli, 100% mẫu nhiễm B.Cereus, 33% vượt hàm lượng vi khuẩn hiếu khí, 45% vượt giới hạn nấm men, nấm mốc. Theo ông Hồ Bá Do, Phó Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, Viện phó Viện thực phẩm chức năng Việt Nam, E.Coli là loại vi khuẩn thường xuyên phát hiện trong thực phẩm, gây nguy cơ tiêu chảy, B.Cereus là vi khuẩn gây nhiễm độc, nhiễm khuẩn thực phẩm... Ở Đài Loan, vi khuẩn này được xếp thứ ba trong các nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm. Đáng chú ý, trong số 33% mẫu kiểm nghiệm, Viện thực phẩm chức năng Việt Nam còn phát hiện sự tồn tại của các kim loại nặng như chì, thủy ngân, Cadimi. Lượng kim loại nặng này, theo ông Do, nhiều khả năng tồn dư sau quá trình phun hóa chất để làm khô cây chè và hạt nhân trần thay vì phơi nắng hoặc sấy nhiệt.

Lượng kim loại nặng tồn dư trong đồ uống thường không gây ra tác hại tức thời, nhưng theo ông Hồ Bá Do, đây là nguy cơ dẫn đến các căn bệnh mạn tính và bệnh hiểm nghèo ở người. “Chì là độc tố có thể ảnh hưởng ức chế enzyme tổng hợp máu, dẫn đến phá vỡ hồng cầu. Thủy ngân gây độc tế bào và cơ thể. Cadimi có thể gây ngộ độc mạn tính như rối loạn chức năng gan, loãng xương, dị dạng thai nhi… gây ngộ độc cấp tính như đau thắt ngực, buồn nôn, tiêu chảy… và đặc biệt gây nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi”.

 H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI