'Đo' trinh tiết để chèn ép phụ nữ

22/11/2014 - 19:45

PNO - PN - Để được tuyển dụng, để bảo vệ cuộc hôn nhân của mình hay vì một mục đích nào khác, phụ nữ ở một số nơi phải cắn răng chịu đựng sự bất công không gì lý giải được, đó là bị kiểm tra trinh tiết một cách sống...

Dư luận Indonesia và cả những người trong ngành hết sức bất bình khi nhắc đến quy định tuyển dụng nữ cảnh sát khắt khe của Indonesia. Theo đó, kiểm tra trinh tiết là bắt buộc theo yêu cầu kiểm tra sức khỏe của nữ giới muốn được làm cảnh sát ở Indonesia. Tướng Ronny Sompie, người phát ngôn của cảnh sát Indonesia trấn an dư luận rằng, quy trình kiểm tra rất an toàn, nhằm đảm bảo ứng viên không mắc các bệnh lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên, tổ chức giám sát nhân quyền HRW cho rằng, việc kiểm tra trinh tiết trái với nguyên tắc tổ chức lực lượng cảnh sát Indonesia cũng như chính sách nhân quyền quốc tế. Theo nhiều nữ cảnh sát, kiểm tra trinh tiết được lồng vào nội dung kiểm tra sức khỏe chỉ là cách gọi tránh đi của việc hợp thức hóa hành vi xâm phạm nữ giới.

Chị Yefri Heriyani, nhân viên Trung tâm khủng hoảng tâm lý phụ nữ (trụ sở ở thành phố Padang) cho biết, suốt 12 năm qua, chị gặp rất nhiều nữ cảnh sát và nghe họ tâm sự. Tất cả đều bị ám ảnh về những đợt kiểm tra trinh tiết theo phương pháp “hai ngón tay”. Họ cảm thấy đau đớn và xấu hổ, bị tổn thương tâm lý một thời gian dài. Một nữ cảnh sát từng trải qua khâu kiểm tra bắt buộc này chia sẻ: “Cảm giác khi bước vào căn phòng ấy thật kinh khủng. Khi họ thọc thẳng hai ngón tay vào, tôi nghĩ mình không còn trinh tiết nữa. Có người chung đợt kiểm tra với tôi đã ngất xỉu ngay tại buổi kiểm tra vì quá đau đớn”.

Lực lượng cảnh sát quốc gia Indonesia đề ra chỉ tiêu tuyển mộ thêm 50% nữ cảnh sát để đạt số lượng 21.000 người vào tháng 12 này. Hiện tổng số cảnh sát ở Indonesia là 400.000 người. Với nhu cầu hiện tại, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới này vẫn coi trọng chuyện kiểm tra trinh tiết, bất chấp làn sóng chỉ trích.

'Do' trinh tiet de chen ep phu nu

Nữ cảnh sát Indonesia phải kiểm tra trinh tiết để được tuyển vào ngành - Ảnh: Getty Images

Năm 2013, những người đứng đầu ngành giáo dục ở Sumatra có đề xuất gây “bão” trong dư luận. Theo đó, tất cả nữ sinh muốn tiếp tục học bậc phổ thông phải trải qua đợt kiểm tra trinh tiết, mục đích là khuyến khích gìn giữ sự trong trắng, tránh tình trạng học sinh quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng ở quốc gia này. Bộ trưởng Giáo dục Mohammad Nuh ngay lập tức phản bác ý tưởng trên: “Đây không phải là cách phù hợp, vì chẳng khác nào hành vi xâm hại các em gái”. Cuối cùng, chính quyền đảo Sumatra không tán thành đề xuất trên.

Kiểm tra trinh tiết không chỉ gây nhức nhối ở Indonesia mà còn là nỗi niềm của không ít phụ nữ ở Ấn Độ, Ai Cập… Năm 2013, nhiều nhóm bảo vệ quyền lợi phụ nữ ở Ấn Độ đã phản ứng dữ dội khi cảnh sát thực hiện kiểm tra trinh tiết 450 cô dâu trong một lễ cưới tập thể ở bang Madhya Pradesh. Cô dâu được chứng nhận còn trinh tiết sẽ nhận khoản tiền 100 USD như món quà cưới. Bà Girija Vyas, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về phụ nữ cho rằng, thật xấu hổ khi đưa kiểm tra trinh tiết vào một chương trình hỗ trợ xã hội.

Từ tháng 12/2011, Tòa án hành chính Cairo đã tuyên bố kiểm tra trinh tiết nữ giới là phạm pháp. Thắng lợi này là nhờ nhà hoạt động trẻ tuổi Samira Ibrahim đệ đơn kiện việc mình và ít nhất sáu phụ nữ khác bị buộc kiểm tra trinh tiết khi tham gia biểu tình hồi tháng 3/2011. Thế nhưng, việc kiểm tra trinh tiết bắt đầu nhen nhóm trở lại ở Ai Cập. Một phụ nữ phải kiểm tra trinh tiết hồi đầu năm nay trong lúc bị tạm giữ ở nhà tù Qanater cho biết: “Tôi từng tin chuyện này đã lui vào quá khứ nhưng thực tế nó vẫn không bị xóa bỏ”.

 THIÊN ANH (Theo CNN, ABC News, Huffington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI