Đô thị thông minh, sáng tạo: không cải tổ hệ thống, công nghệ cũng bó tay

05/04/2019 - 06:00

PNO - Để có được sự cộng tác, tham gia của đông đảo người dân trong việc xây dựng, thực hiện mục tiêu, cần thành lập Hội đồng Xúc tiến thành phố sáng tạo và các chương trình đào tạo để phát triển nguồn nhân lực sáng tạo cần thiết.

Trao đổi với chúng tôi về chủ đề “đô thị thông minh, sáng tạo” mà lãnh đạo TP.HCM đang tỏ ra rất quan tâm, ông Nguyễn Minh Đồng - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Devi (Devitec) nói: “Sáng tạo là một quá trình phát triển của con người. Nó nằm trong sự giáo dục con người, tức là cả một quá trình từ nhà trẻ, tiểu học, trung học cho đến khi lên đại học”.

Sáng tạo chỉ có được trên nền tảng giáo dục lâu dài

Ông Nguyễn Minh Đồng lập luận, thành phố thông minh, sáng tạo mà không có con người thông minh, sáng tạo thì ai ở trong đó? Muốn thành phố thông minh, sáng tạo thì phải cải tạo học đường theo hướng thông minh, sáng tạo như thế nào. Thế nên, nhà trường phải từ bỏ lối dạy từ chương, phải dạy, học theo lối đặt câu hỏi, đặt vấn đề để trả lời, giải quyết. “Cô giáo ra đề bài cho trẻ sáu tuổi: làm cách nào để thả quả trứng từ trên cao xuống đất mà không bể? Đây là cách tích cực để tập cho trẻ cách tư duy, nhưng ta hiếm thấy trong nhà trường hiện nay. Người thầy đáng lẽ phải biết cách đặt vấn đề, ra đề bài để cho trẻ sáng tạo” - ông nói.

Do thi thong minh, sang tao: khong cai to he thong, cong nghe cung bo tay

Theo ông, sáng tạo không thể là một sự áp đặt, mà đó phải là cách đặt vấn đề để giải quyết. Nó là sự tiếp nối từ giáo dục trong nhà trường, giáo dục trong xã hội và cả giáo dục trong gia đình. “Tôi có 20 bằng phát minh trong lĩnh vực xe hơi cũng là nhờ từ bé, ở nhà, tôi đã có một ông bố rất chú trọng dạy sự sáng tạo cho con cái. Ông ấy bắt tôi suy nghĩ rất nhiều. Ông nói có lười mới tiến bộ, tất cả mọi phát minh trên thế giới đa số đều để phục vụ sự lười biếng của con người. Nó kích thích tôi ghê gớm. Hãy bắt đầu bằng cách dạy cho đứa trẻ đưa ra một vấn đề để xử lý, để ra ý tưởng giải quyết. Đó là giáo dục sáng tạo” - ông Đồng cho hay.

Ông nhớ lại thời trẻ, lúc mới sang Đức, các sinh viên Đức rất sợ sinh viên Việt bởi chúng ta thuộc lòng các công thức. Nhưng đến khi động đến các vấn đề kỹ thuật, đòi hỏi tư duy thì chúng ta lại thua họ. Chuyên gia hệ thống khí thải xe hơi chỉ tay về phía công trường tuyến metro số 1 đang dang dở, nói: “Phong cách, tập quán, thói quen của người Việt Nam là chen lấn. Có khi tôi nói vui, ở Việt Nam, mỗi người một con đường thì mới không kẹt xe. Muốn bỏ thói quen đó, chỉ còn cách kiên trì gây ý thức giáo dục. Đừng tư duy công thức theo kiểu phải cấm xe máy. Theo tôi, thay vào đó, nên khuyến khích xe máy chạy đúng”.

Không cải tổ hệ thống, công nghệ cũng bó tay

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã nhiều lần nhắc rằng, bên cạnh công nghệ, để xây dựng thành phố thông minh, sáng tạo, cần phải cải tổ hệ thống trước. “Thật ra, để làm được cái này, phải cải tạo khá nhiều chứ không phải cứ đưa công nghệ thông minh vô là đủ” - ông Sơn nói.

Đô thị thông minh, theo cách nhìn của thế giới hiện nay là sử dụng các công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, nhằm tương tác, thu thập thông tin, xử lý thông tin để hỗ trợ việc quản lý đô thị một cách hiệu quả. “Nhưng trước khi sử dụng công nghệ đó một cách hiệu quả, cần phải có cơ cấu quản lý cho phù hợp, nếu không thì giống như mua một cái iPhone đời mới nhất mà không biết xài hết chức năng của nó” - ông Sơn ví von.

Theo ông Sơn, trong hệ thống hiện nay, các sở, ban, ngành có xu hướng làm việc đơn ngành chứ không hợp tác đa ngành. Cần chuyển đổi từ tư duy làm việc đơn ngành sang hợp tác đa ngành, chuyển từ cách làm việc độc lập theo từng sở sang làm việc theo nhóm và các sở cùng phối hợp với nhau. Ví dụ, khi mở rộng đường, phải phối hợp giải quyết khâu đền bù, giải tỏa, hạ tầng giao thông, kế hoạch sửa đường, đào cống, lắp điện của sở này sở kia, tránh tình trạng con đường mới đào lên lắp cống, tháng sau lại đào lên lắp đèn, rồi lại đào lên đi dây cáp.

Ông Sơn cho rằng, các ứng dụng đa dạng đô thị thông minh cũng sẽ giúp thay đổi tư duy quản lý. Hệ thống giao thông công cộng tại TP.HCM hoạt động không hiệu quả, chi phí dành cho dịch vụ này rất nhiều, nhưng dự báo từ nay tới năm 2030, hệ thống vận chuyển hành khách công cộng mới chỉ đạt hơn 30% nhu cầu, trong khi muốn giảm xe cá nhân, con số này phải lên tối thiểu 60 - 70%. 

Do thi thong minh, sang tao: khong cai to he thong, cong nghe cung bo tay
Ảnh: Phùng Huy

“Muốn hiệu quả, phải ứng dụng công nghệ thông minh, bước đầu giúp ta kiểm tra hiện trạng. Một trong những giải pháp khá hiệu quả trong bước này là số hóa vé xe hoặc thẻ xe đi hằng tháng. Khi số hóa, ta sẽ nắm được đối tượng sử dụng xe là ai, họ thường hay đi những tuyến nào, dừng ở đâu, xuống trạm nào và vào thời điểm nào thì họ hay đi, lúc nào họ ít đi... Tất cả được thu thập và tổng hợp để giúp quy hoạch hệ thống giao thông công cộng hiệu quả nhất” - ông Sơn nói.

Cần đặt vấn đề, chính quyền phải tổ chức như thế nào để người dân cùng tham gia xây dựng đô thị thông minh, sáng tạo. “Các thành phố nên hướng tới phát triển đô thị thông minh, sáng tạo để đem lại hiệu quả thật sự cho phát triển kinh tế xã hội chứ đừng nên hướng đến những mỹ từ đó như là một danh hiệu hay trào lưu” - ông Sơn lưu ý.

Cần nhà lãnh đạo biết phân tích trước các khủng hoảng

Tiếp chúng tôi tại nhà ở Q.7, TP.HCM, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nhắc lại sự châm biếm mà mạng xã hội dành cho những mục tiêu “thành phố thông minh, sáng tạo” bằng cách đối chiếu với các hiện trạng như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, quá tải… “Tôi cho rằng, chính vì còn những cái tai hại chưa thông minh, chưa sáng tạo như thế nên càng phải nỗ lực sửa chữa, xóa bỏ bằng công cuộc xây dựng thành phố thông minh, sáng tạo” - ông nói.

Theo ông Tống, với sự dịch chuyển qua nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa, thành phố công nghiệp phát triển thành một loại thành phố mới, đó là thành phố sáng tạo. Nếu như đô thị thông minh dựa trên phát triển khoa học kỹ thuật, hạ tầng, thì đô thị sáng tạo dựa trên sự phát triển tư tưởng, văn hóa. 

Các thành phố sáng tạo này mang đặc tính của những cụm công nghiệp sáng tạo như sản xuất điện ảnh, video, âm nhạc, mỹ thuật. Đây cũng là những thành phố mà các chuyên gia kỹ thuật cao, các văn nghệ sĩ, các nhà sáng tạo mỹ thuật sống và làm việc. Làn sóng này bắt đầu ở các nước Âu Mỹ, hiện đã đến Nhật Bản và châu Á - Thái Bình Dương. Các thành phố như Kanazawa, Yokohama, Sapporo, Fukuoka, Kyoto và và Osaka đặt mục tiêu trở thành “thành phố sáng tạo” và số lượng tăng lên nhanh chóng.

Theo ông, có sáu nhân tố cho thành phố sáng tạo: một là quy tụ đông đảo những tài năng sáng tạo; hai là chất lượng đời sống cao, người dân có thu nhập cao, có thời gian và chi phí cho hoạt động văn hóa và giải trí; ba là có ngành công nghiệp sáng tạo phát triển; bốn là có cơ sở hạ tầng hỗ trợ sáng tạo bao gồm nhiều trường đại học, trường kỹ thuật, viện nghiên cứu, nhà hát, thư viện, các cơ sở văn hóa; năm là có di sản và tài sản văn hóa bao gồm vật thể và phi vật thể được lưu giữ với chính sách bảo tồn di tích lịch sử và di sản văn hóa, nhờ đó người dân phát triển tính sáng tạo và năng lực cảm nhận của họ; sáu là quản trị sáng tạo.

Về phương diện quản trị hành chính công, thành phố sáng tạo có chính sách tích hợp sáng tạo, hợp nhất chính sách văn hóa, chính sách công nghiệp và chính sách môi trường dưới sự quản lý dân chủ, minh bạch về tài chính công. Quản lý nhà nước sáng tạo thì mới đưa tới những chính sách sáng tạo. Tích hợp sáng tạo của tính văn hóa, công nghiệp và môi trường, bao gồm cả môi trường văn hóa, bảo tồn những di tích. 

Ông Tống nêu ví dụ, ngay trong khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, Singapore không những giữ lại đền chùa cũ mà còn phát triển thêm diện tích cho nó đẹp lên thành một điểm nhấn văn hóa, giúp môi trường văn hóa cả khu đi lên. Còn kinh nghiệm đầu tiên mà Nhật Bản đúc kết là, với một thành phố sáng tạo, lãnh đạo thành phố đó phải biết phân tích kỹ lưỡng các khủng hoảng để tìm giải pháp, đưa ra lời giải hợp lý.

Cũng theo ông Tống, các hoạt động về sáng tạo văn hóa phải được công nhận như một yếu tố tác động đến các vấn đề khác. Các hoạt động sáng tạo văn hóa phải là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực đời sống, văn hóa nghệ thuật phải được công nhận như là cơ sở hạ tầng xã hội trung tâm trong một môi trường mà thông tin và tri thức là quan trọng. 

Để có được sự cộng tác, tham gia của đông đảo người dân thành phố trong việc xây dựng và thực hiện mục tiêu trên, cần thành lập Hội đồng Xúc tiến thành phố sáng tạo và các chương trình đào tạo để phát triển nguồn nhân lực sáng tạo cần thiết. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI