Quy hoạch phải đi đầu
Tại TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, lối thoát cho ngập phố được định hình sau khi đã nếm đòn đau mưa lũ. Ông Bùi Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - nói: “Chúng tôi định hướng sẽ tiếp tục đầu tư nhiều cây cầu để kết nối với khu vực phía đông, trong đó phải hướng đến những cây cầu dành cho thoát nước và những tuyến đường chấp nhận ngập lụt để có không gian thoát nước chứ không xây cao như một tuyến đê”.
Ông Trần Trung Hậu - Phó chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - thông tin thêm, trong thời gian tới, chính quyền thành phố sẽ tập trung khớp nối, nâng cấp hạ tầng giao thông, khắc phục ngập úng ở nội thành, hoàn thiện các tuyến phố chính với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 800 tỷ đồng: “Đối với các khu dân cư còn dang dở, chưa khớp nối hoàn chỉnh hạ tầng, cần có lộ trình đầu tư nâng cấp để từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đô thị, tạo thuận lợi cho việc lưu thông.Tổng mức đầu tư đối với 21 khu dân cư dạng này dự kiến khoảng 682 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước, chống ngập úng với kinh phí dự kiến khoảng 230 tỷ đồng”.
|
Các khu đô thị mới cần phải thực hiện quy hoạch bài bản, có không gian dành cho nước hợp lý để không bị ngập úng - Ảnh: Thuận Hóa |
Nhận định tình trạng ngập úng có phần do tác động của các công trình giao thông, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - khẳng định: “Trong quá trình lập quy hoạch, chúng tôi rà soát, đánh giá lại các công trình giao thông trọng yếu, đặc biệt là những công trình gây cản trở dòng chảy, những công trình giao thông được xây dựng ở vùng thấp trũng hoặc các công trình dân cư, đô thị có nguy cơ gây cản trở dòng chảy, gây nên ngập úng để điều chỉnh cho
phù hợp”.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, để giải quyết tình trạng ngập cho TP.Quảng Ngãi, ông Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này - cho biết, theo quy hoạch, TP.Quảng Ngãi có hai tuyến đê thoát lũ hai bên bờ sông Bàu Giang (đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường sắt) và hồ điều hòa phía tây đường Huỳnh Thúc Kháng để thu gom nước cho cả khu vực. Sở cũng cho bố trí một trạm bơm cưỡng bức để bơm nước từ phía nam thành phố ra sông Bàu Giang cùng hai trạm bơm cưỡng bức ở cống Bàu He và ở khu vực xã Nghĩa Hà. Nếu thực hiện đúng theo quy hoạch như trên, cùng với việc cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước hiện hữu, nâng cấp hồ điều hòa quảng trường Phạm Văn Đồng và hồ điều hòa Bàu Cả, việc thoát nước sẽ đảm bảo.
|
TP.Tam Kỳ ngập mênh mông trong đợt mưa lũ cuối tháng 10/2021 - Ảnh: Nguyễn Dương |
Ông Phạm Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị - cho hay, đã chỉ đạo ngành giao thông, môi trường nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các điểm cống thoát nước kém hiệu quả, rà soát lại các khu vực ngập nặng để có hướng xử lý. “Chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước. Đối với những khu đô thị mới (ĐTM), chúng tôi làm kỹ khâu quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước để không xảy ra tình trạng ngập lụt về sau”.
Giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích xanh
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - người từng được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mời rà soát và điều chỉnh quy hoạch khu ĐTM An Vân Dương vào năm 2016, sau 11 năm hình thành khu này - cho rằng, để giải quyết tình trạng ngập lụt thường xuyên ở khu ĐTM An Vân Dương, việc quy hoạch không gian dành cho nước phải liên hoàn, tức là phải làm cho hệ thống sông ngòi, kênh rạch được kết nối liên thông với nhau, được nạo vét thường xuyên. Khi không gian cho nước tăng, tỷ lệ thuận với việc gia tăng phát triển đô thị và diện tích bê tông hóa, thì bên cạnh kênh rạch hiện hữu, cần phải tạo thêm một số kênh rạch mới và các hồ điều tiết mới. Ngoài ra, quy hoạch cốt nền đô thị và hạ tầng cần tính đến độ dốc thoát tự nhiên về phía các con sông và về phía biển.
Theo ông Nam Sơn, không gian xanh cũng góp phần rất lớn trong việc chống ngập lụt. Khu ĐTM An Vân Dương thuộc vùng đất thấp và nằm trên hướng thoát lũ của đô thị ra phía biển, nên cần giảm mật độ xây dựng, giảm diện tích bê tông hóa, tăng diện tích mặt nước. Trong các phân khu của ĐTM An Vân Dương, phải tăng dần tỷ lệ diện tích xanh.
Không gian xanh không chỉ tạo cảnh quan hài hòa mà còn giúp làm chậm dòng chảy của nước thoát, thẩm thấu nước vào lòng đất, giúp bổ sung trữ lượng nước ngầm, gián tiếp giúp tránh tình trạng sụt đất do khai thác nước ngầm quá độ… Việc chống ngập là bài toán khoa học. Có thể tính toán cụ thể từ lượng mưa, diện tích cho bê tông hóa, độ dốc nền, tốc độ chảy của nước… để khi mưa lớn hoặc lũ từ đầu nguồn đổ xuống thì phải có không gian tạm chứa nước, sau đó từ từ chảy ra sông và ra biển.
Ông Nam Sơn cho biết thêm, hạ tầng ở đây là hạ tầng chia sẻ. Việc giải quyết được vấn đề môi trường sẽ nâng cao giá trị công trình của các nhà đầu tư. Do đó, chính quyền cần có chính sách yêu cầu nhà đầu tư các dự án địa ốc trong khu vực đóng góp vào quỹ xây dựng hạ tầng và không gian xanh mặt nước, vì điều đó không chỉ phục vụ cho lợi ích chung mà còn phục vụ cho lợi ích thiết thực của nhà đầu tư. Ông cũng lưu ý, trong các khu đô thị, phải dự trù các tuyến giao thông huyết mạch và các khu đất cao để phục vụ cho việc ứng cứu người dân khi bị ngập trong các tình huống cực đoan.
Năm 2020, tại một hội thảo khoa học về thời tiết diễn ra ở TP.Huế, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy - Cố vấn về biến đổi khí hậu của Tổ chức Oxfam - cho rằng, ngập lụt đô thị xảy ra nhiều nơi là do tốc độ đô thị hóa cao, bê tông kín mít nên nước mưa chảy xuống vỉa hè, chảy ra sông, khi sông không thoát nước kịp thì gây ngập. Từ những năm 1960, 1970, Nhật Bản đã tính đến vấn đề thoát lũ cho các khu đô thị, trong đó có nơi, họ cho xây dựng hồ chứa nước rộng bằng bốn cái sân vận động để làm nơi chứa nước tạm cho những trận mưa to bất thường. Bên dưới lòng đất, họ cũng có những hồ chứa khổng lồ, nên hầu như đô thị ở Nhật không bao giờ bị ngập. Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, về nguyên tắc, khi lấy đi không gian của nước bao nhiêu thì phải trả lại đúng bằng chừng đó. Lấy ví dụ khi tư vấn đánh giá về vấn đề ngập ở khu ĐTM tại TP.Đà Nẵng, ông và các chuyên gia từng khuyến cáo không nên lấy đi không gian thoát lũ của khu vực Hòa Xuân. Hay như ở khu ĐTM An Vân Dương, TP.Huế, cần phải kiểm soát nước từ đầu nguồn, bởi hiện nay rất khó thoát lũ một cách tự nhiên như trước đây được, tức là nước đổ qua các cánh đồng, ra sông và ra biển Thuận An, đổ về Biển Đông. “Phải có phương án phòng lũ trên diện rộng, có bản đồ phân lũ, chia lũ nhiều nơi, và khi quy hoạch các ĐTM, luôn phải đảm bảo cân bằng giữa đào và đắp” - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy nhấn mạnh. Thuận Hóa |
Nhóm phóng viên miền Trung