Đô thị không có 'ký ức thị dân' là đô thị... 'thực vật'

15/12/2018 - 06:00

PNO - Khi xem đô thị như nhà mình, của mình, ứng xử với đô thị sẽ khác. Không cảm thấy đô thị là của mình thì thị dân không thể gắn bó, cũng không có ý thức bảo vệ và mang lại những điều tốt đẹp cho đô thị.

Đô thị cũng có tâm hồn

“Cảm thức thuộc về” - mình thuộc về nơi đó, nơi đó là của mình - chính là cốt lõi của ký ức đô thị. Đó là điểm mấu chốt được nêu trong phiên thảo luận “Di sản kiến trúc và Phát triển đô thị bền vững”, nằm trong chuỗi sự kiện nghệ thuật đa hình thái “Phố bên đồi”, vừa được tổ chức tại TP.Đà Lạt với sự tham gia của nhiều chuyên gia kiến trúc, di sản, lịch sử.

Do thi khong co 'ky uc thi dan' la do thi... 'thuc vat'
Một góc đường Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM

Nhắc tới di sản đô thị, người ta thường nghĩ đến những di sản trên mặt đất hoặc những di sản mang tính truyền thống, hơi cũ. Nhưng di sản đô thị được tạo nên từ nhiều yếu tố khác nhau, như cảnh quan tự nhiên, cảnh quan nhân văn, những công trình kiến trúc tiêu biểu, các sự kiện lịch sử cũng như các di sản văn hóa phi vật thể…

Ký ức đô thị hay còn gọi là ký ức thị dân, được xem là một trong những di sản phi vật thể quan trọng. Mới đây, ký ức đô thị còn được UNESCO công nhận và vinh danh, để thấy giá trị đặc biệt của nó trong vấn đề bảo vệ di sản đô thị.

Thạc sĩ kiến trúc Nguyễn Yến Phi nói: “Hiện nay trên thế giới, có rất nhiều thay đổi trong quan điểm về di sản và bảo tồn. Không chỉ bảo tồn những công trình quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng hoặc có giá trị kiến trúc nổi bật, người ta còn bảo tồn tất cả những gì liên quan tới đời sống con người. Kiến trúc hiện đại tôn vinh những giá trị về đời sống, vì đó là thứ tạo ra cái gọi là “cảm thức thuộc về”. Cảm thức này là một trong những điều quan trọng và đặc biệt, cần phải lưu tâm trong vấn đề bảo tồn di sản đô thị”.

Do thi khong co 'ky uc thi dan' la do thi... 'thuc vat'
 

Nếu như thiết kế đô thị quan tâm tới những công trình dân dụng thì kiến tạo nơi chốn quan tâm tới khái niệm “nhà”. “Nhà” là nơi ta thuộc về, là nơi ta có tình cảm, có đồng cảm văn hóa với những người sống trong đó.

Chính điều ấy đã biến một đô thị mang tính vật thể trở thành nơi chốn có tâm hồn, có dấu vết gắn với ký ức. Mỗi cảnh quan, mỗi công trình mất đi cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng mất đi một phần ký ức, đô thị mất dần một phần lịch sử. Ký ức thị dân khiến đô thị trở nên thân thuộc, gần gũi, dần dần tạo tâm lý an cư lạc nghiệp (vì đô thị là không gian của người nhập cư). Không cảm thấy đô thị là của mình thì thị dân không thể gắn bó, cũng không có ý thức bảo vệ và mang lại những điều tốt đẹp cho đô thị.

Bảo tồn kiến trúc không chỉ là một hành động hoài cảm đơn thuần mà còn là giải pháp cho sự mất định hướng về bản sắc và là một cách tôn vinh đời sống.

Thạc sĩ kiến trúc Nguyễn Yến Phi

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM - cho rằng, trong quy hoạch đô thị, nếu tách rời các công trình kiến trúc ra khỏi cộng đồng cư dân thì đó là cách phá hoại đô thị nhanh nhất.

Văn hóa thị dân tạo nên bản sắc đô thị

Đằng sau đặc trưng của các đô thị là đặc trưng của cộng đồng cư dân đô thị. Mỗi công trình gắn bó với đô thị bị mất đi, đô thị không chỉ mất một cảnh quan, một vật thể, một di sản có thể mang lại giá trị kinh tế mà quan trọng nhất là mất đi ký ức của một thế hệ thị dân, không được di truyền ở đời sau.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đưa ra đánh giá, ở Việt Nam, có tình trạng cứ phát triển đô thị tới đâu, các trung tâm thương mại, khách sạn, resort, nhà nghỉ lại được xây tràn lan tới đó. Bà cho rằng, đó là một điều kỳ lạ: “Nhà nước chưa điều tiết cũng như chưa có định hướng gì về vấn đề này”.

Do thi khong co 'ky uc thi dan' la do thi... 'thuc vat'
 

Tiến sĩ kiến trúc Archie Pizzini (Đại học RMIT Melbourne, Úc) nói, ở nhiều nước phương Tây, các chuyên gia quy hoạch đang cố gắng mang “đời sống phố phường” đặt vào tổng thể phát triển quy hoạch của họ. Ở Việt Nam, thay vì phá bỏ, xây mới hoàn toàn thì nên chăng cần giữ lại những đặc điểm mang tính địa phương đó.

Ông Archie Pizzini dẫn câu chuyện, gần 100 năm trước, các con phố của Mỹ cũng giống ở Việt Nam, nhưng đến những năm 1950-1960, những cao tốc được xây băng qua các khu dân cư, tạo ra một nền văn hóa ô tô và mọi người sống xa thành phố hơn, sự liên hệ và gắn kết của người dân với đô thị ngày càng rời rạc. Vì lý do đó mà nước Mỹ hiện nay đang cố gắng đưa những sinh hoạt cộng đồng vào trong những con phố.

Theo tiến sĩ Archie Pizzini, đó không phải là thành phố dành cho con người mà dành cho những công ty tư bản. Bản thân đường phố Việt Nam đã sẵn có đời sống văn hóa, thay vì phá bỏ hoàn toàn thì nên tìm cách nào đó cân bằng quy hoạch từ trên xuống và từ dưới lên. Ông đưa ra cảnh báo cho TP.HCM: “Hơn chục năm trước, tôi đến thành phố này và rất thích. Đây là một thành phố có bản sắc, có văn hóa địa phương sống động, nhưng điều đó đang ngày càng mất đi”.

Do thi khong co 'ky uc thi dan' la do thi... 'thuc vat'
 

Ông Archie nói tiếp: “Ở Việt Nam, khi bắt đầu quy hoạch phát triển thành phố, có nhiều cái bị bỏ đi, trong khi lại xây dựng quá nhiều. Không có khảo sát nào cho thấy cần xây bao nhiêu là đủ”.

“Mình” và “họ” - kiểu suy nghĩ tai hại

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho biết, hiện cũng có nhiều thay đổi về quan điểm bảo tồn di sản. Có một xu hướng mới được người ta nhắc nhiều là xây dựng các công trình phải hướng tới di sản cùng với không gian của khu vực hoặc đô thị đó, chứ không phải xây dựng tùy tiện, một thời gian sau thấy xấu quá rồi đập đi. Nhà phố dọc tuyến đường Đồng Khởi ở TP.HCM là một ví dụ, vài chục năm nữa, có lẽ sẽ bị đập đi vì quá xấu.

Với tôi, “phát triển bền vững” chính là thế hệ hiện nay có thể sử dụng và thụ hưởng được tất cả những gì thế hệ trước đây để lại nhưng không được gây tổn hại đến sự sử dụng và thụ hưởng của thế hệ sau. 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Trong quy hoạch, phải chú ý tới bản sắc vốn có của đô thị, đặc biệt chú ý tới nhu cầu của cộng đồng. Một đô thị không có đời sống kinh tế, không có văn hóa cộng đồng, sẽ không thể tồn tại được.

Tương tự, một đô thị không có ký ức thị dân, đô thị đó chỉ còn phần xác, không có hồn phách. Việc tách các công trình ra để bảo tồn riêng lẻ và tách công trình đó với chủ nhân của nó (chủ nhân làm ra công trình và chủ nhân đô thị đó) cũng làm cho công trình đó mất sức sống.

Nhưng điều nguy hại hơn, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, khi tách rời như thế, những công trình di sản đô thị rất dễ bị tàn phá bởi tâm lý “của mình” và “không phải của mình”. Tâm lý đó đến một cách vô thức nhưng vô cùng tai hại đối với sự phát triển của đô thị.

Do thi khong co 'ky uc thi dan' la do thi... 'thuc vat'
 

Bởi lẽ, nếu người dân không tìm thấy bản thân họ trong những công trình họ đang sống cùng, không có cảm giác thuộc về đô thị họ đang sống, sẽ không có cảm giác quen thuộc, gắn bó, nấn ná, cũng sẽ không có suy nghĩ gì nếu công trình đó bị phá bỏ.

Quy hoạch đô thị được đặt trong một bối cảnh không gian hẹp, mật độ dân số cao. Đô thị đó lại là nơi diễn ra rất nhiều va chạm lợi ích cũng như sinh hoạt từ các nhóm cộng đồng khác nhau, nên phải có những quy hoạch để điều hòa lợi ích, để nhóm cộng đồng nào cũng được hưởng những lợi ích tối thiểu, chứ không phải phục vụ riêng cho một vài nhóm cộng đồng cá biệt nào đó.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, rất khó điều hòa những va chạm mang tính lợi ích đó, nhưng nếu biết cách dựa vào ký ức thị dân, có thể kéo gần được phần nào khoảng cách đó. Ký ức thị dân cũng là một trong những phương thức để nhận diện cái gì cần được bảo tồn trong sự phát triển của đô thị.

Các chuyên gia dự hội thảo cho rằng, cần phải có giải pháp để những người trẻ can dự vào công việc bảo tồn, phát triển di sản đô thị. Họ là lớp chủ nhân kế cận của đô thị, họ chịu trách nhiệm gìn giữ những giá trị cũ, tạo ra những lớp giá trị di sản mới. Khi đô thị là nơi mà họ gọi là “nhà” và “có cảm thức thuộc về”, ứng xử với đô thị sẽ khác. Họ không đứng ngoài cuộc, không bấn loạn bởi những thứ “của mình” và “không phải của mình”, “mình” và “họ”.

Jane Jacobs - nhà phân tích và lý luận đô thị nổi tiếng thế giới, người đã tạo nên ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy thiết kế đô thị hậu hiện đại - cho rằng, quy luật phát triển của thành phố không nằm trong sự quy củ, chỉn chu mà nằm trong “vũ điệu ba lê”. Với bà, những con phố dài ngắn khác nhau, những tòa nhà cao thấp khác nhau mới là vũ điệu của thành phố. Vũ điệu ấy không lặp lại. Mỗi nơi chốn, lại có những ngẫu hứng mới mẻ. Sự mới mẻ đó tạo nên cảm thức nơi chốn, “cảm thức thuộc về”.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI