Nghiên cứu từ Đại học Michigan (Mỹ) vừa công bố cho thấy, 95% người cao tuổi cảm thấy từ hài lòng đến rất hài lòng với việc công nghệ giúp cuộc sống của họ bớt cô đơn vào lúc xế chiều của cuộc đời.
Trong đô thị sắp vỡ tung này, thấy người già cô đơn quá. Có thật vậy, hay tôi chỉ là kẻ quá bất an trong đời sống này?
|
Con đi làm, cháu đi học, người già may mắn khi gặp được những... người già khác để trò chuyện - Ảnh minh họa |
Tôi đi nhiều. Tôi nhớ cái thuở ban đầu khi đến Singapore, khi ghé Hồng Kông. Tôi thấy nhiều lắm, những người già bước ra tận hưởng cái nhịp sống văn minh hiện đại.
Tôi thấy người già trong nhà hàng sang trọng ngồi uống ly nước, ăn miếng bánh thảnh thơi. Tôi thấy họ đi vào trung tâm thương mại, mua đồ, cà thẻ thành thạo (và biết đâu hôm nay họ đã thành một tín đồ online chuyên nghiệp).
Tôi ngạc nhiên, sao người già đông đến thế. Và có khi họ còn hiện đại văn minh hơn tôi - một gã trẻ thuộc thế hệ 7X lúc đó mới lần mò ra thế giới.
|
Ngóng ra đường mong gặp người quen hay chỉ để được nghe... tiếng người cho bớt cô quạnh - Ảnh minh họa |
Vậy mà tôi cứ tưởng họ phải như bà tôi ở thành phố quê nhà. Bà tôi có lẽ là một người già “điển hình” ở xứ mình, mặc định quanh quẩn trong bốn bức tường với niềm vui con cháu. Bà tôi không tụ họp bạn bè.
Mỗi ngày, bà vẫn có vài phút với những cô hàng xóm cạnh bên, nói dăm câu chuyện rồi lại vào nhà, lại bếp núc. Phạm vi của bà rộng lắm là ngôi chợ nhỏ cách nhà trăm bước chân.
Trường cũ họp mặt giáo chức, ban liên lạc gửi thư mời. Bà xua tay: mấy bà kia có ai buồn đi đâu mà. Thế là bà ở nhà rồi dần quên và trường cũ cũng quên bà.
Thỉnh thoảng là những cuộc gọi đường dài cho bà dì tận trời Tây, nói vội nói vàng vì xao nhãng chút thôi thì nồi thịt kho cho thằng cháu lại hỏng mất.
Bà cứ buồn với mẹ: dì mày cứ hết con rồi đến cháu mà chẳng buồn về chơi cho khuây khỏa. Thế mà khi cả nhà đi chơi, bà nói ngay: để mẹ ở nhà, có bóng người cho yên tâm.
Không ai thuyết phục được bà. Vậy là những chuyến Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang tuyệt nhiên không có bóng dáng bà. À bà có đi ăn tiệc. Bà mặc áo dài gấm thật đẹp đó là khi đám cưới anh tôi. Và đó là chiếc áo dài cuối cùng được theo bà về thế giới bên kia.
Phía bên nhà hàng xóm đêm qua có chuyện. Sáng nay, ông láng giềng dáng khòm gập đang cố quét từng lớp vôi vữa che cái dòng chữ nguệch ngoạc đỏ máu: nhà tranh chấp, không mua bán. Phía trong nhà, vợ ông đang vật vã từng cơn: tôi đã làm gì? Tôi nào tơ hào căn nhà này. Tay ông run run. Mặt ông chẳng ngẩng lên. Mắt ông nhíu lại, môi mím chặt. Chiếc lưng còng đẫm mồ hôi dưới cái nắng tháng Sáu thiêu đốt.
Thì ra con gái và con trai ông làm đấy. Con ông sợ căn nhà có tường cao rào kín sẽ bị bà đoạt mất. Bà là người đến sau. Ai cũng biết, ông bà ghép lại bằng khổ đau nửa đời.
Rồi tháng ngày cực khổ nhưng trôi qua mau như nắng chiều tan trên cửa sổ. Những đứa con lớn lên, ông bà già yếu đi.
Những câu chuyện tranh chấp tưởng chỉ có trên mặt báo giờ đã lan đến căn nhà với những vết chữ dọc ngang. Hỏi thử ai không buồn?
Sáng nay, tôi thấy những xa vắng trong ánh mắt của bà khi mở cửa. Những nhịp sống đô thị thường ngày vừa lướt qua trước cửa nhà. Bà là người mới dọn đến chốn này. Bà rời quê lên phố để gần con cháu cho vui.
Và bà đang vui trong bốn bề phẳng lặng. Bà là người mau mắn, dễ bắt chuyện. Thấy ai đi chợ về, bà cũng hỏi han, rồi khoe rôm rả, “ở dưới tôi mấy mớ này đâu có tốn tiền mua, thò tay bứt một cái là cả đống”.
Rồi bà chép miệng, sao nhớ ruộng, nhớ vườn, nhớ chái bếp, luống rau. Bà tập nấu bếp từ, quen dần với cái robot hút bụi chạy như con chó quanh nhà. Bà thèm nghe vọng cổ mà tìm mãi trong cái truyền hình cáp của thằng con không ra một câu hò nói chi vọng cổ.
“Mua cho mẹ cái đài đi con”, thằng con la làng, “giờ người ta xài đến hỏa tiễn rồi má ơi”. Mà thiệt tình cái radio như mẹ muốn khó tìm thật. Bữa về quê có đám giỗ, bà tất tả lên xe, ông tài xế xe khách mở nguyên tuồng cải lương, thấy lâng lâng cả người. Ừ dẫu rằng con mẹ giỏi, cháu mẹ ngoan nhưng để vui thì thiệt tình mẹ chẳng biết nói sao.
Lần mở trang báo, thấy cảnh bà nội ở chung cư cao tầng nghe cháu khóc mà cửa phòng khóa trái. Bà đánh liều trèo qua ban-công để vào với cháu. Cả một đời chân cứng đá mềm thì sá gì mấy cái cửa, cái tường ngăn cách mong manh này.
Bà yêu cháu, bà hụt chân, một đoạn kết không mong muốn. Chắc hẳn, khi bà nằm xuống, miệng bà vẫn thều thào kêu lên, “cô chú ơi, ai cứu cháu tôi!”. Cháu bà giờ đang ngủ ngon. Còn bà thì ai cứu được bây giờ.
Còn nhớ, Facebook từng chia sẻ cách “dạy” người già phải thông minh lên. Nào là không ở cùng con, không được giữ cháu, dù khá đến mấy con cho tiền vẫn cầm…
Đấy, người già thời 4.0 phải thế đấy. Thế là bao nhiêu cái like cái share hưởng ứng, nào là quyết tâm về hưu sẽ làm điều ấy, nào là ca tụng chân lý là đây. Và tất cả chỉ dừng lại ở một chữ “sẽ”. Càng ngẫm về chữ “sẽ” ấy càng thấy buồn. Thứ ông bà cần là một thái độ sống đúng nghĩa dù đã bị cái chữ “già” phủ bóng. Hãy giúp họ nhận ra sự trọn vẹn để sống tiếp thật ý nghĩa, chứ không phải là đếm ngược ngày về.
Một bà cụ tôi quen cương quyết sống trong nhà người già ở phía bên kia trái đất. Bởi bà chỉ muốn nhận sự giúp đỡ để sống vui những ngày còn lại, sống theo ý mình chứ không phó mặc mình vào tay con cháu.
Điện thoại của tôi vẫn còn lưu khoảnh khắc một bà cụ thong thả vào hiệu sách trong giờ cao điểm cả thế giới lo cơm nước cho con cháu. Bà chọn một góc riêng nghiền ngẫm cuốn sách của thầy Thích Nhất Hạnh. Tôi và nhiều người nhìn bà thật lạ.
Thương quá phải không?
Bài: Phạm
Ảnh: Khoa Nguyễn