Đổ rác không phân loại bị phạt 20 triệu đồng, người dân chỉ biết qua báo chí

27/11/2018 - 09:29

PNO - UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cá nhân nước ngoài phải phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, người dân ở các quận huyện mới chỉ biết thông tin qua báo chí.

Video clip: Minh Thanh

Từ ngày 24/11, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cá nhân nước ngoài có hoạt động phát sinh rác sinh hoạt phải áp dụng quy định phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Phụ Nữ, người dân ở các quận huyện mới chỉ biết thông tin qua báo chí chứ chưa được tuyên truyền.

Do rac khong phan loai bi phat 20 trieu dong, nguoi dan chi biet qua bao chi
Người dân ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh hầu như chưa biết thông tin về phân loại rác tại nguồn, nhiều hộ dân vẫn vô tư đổ rác như thường nhật

Không biết, không nghe ai nói gì

Khi quyết định của UBND TP.HCM về phân rác tại nguồn có hiệu lực, người dân tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh hầu như chưa biết thông tin, vẫn đổ rác như thường nhật. Rác được chứa trong bao xốp, bao tải,... các bao ni lông chồng vào nhau, chai lọ, rau,... đều được để chung một chỗ.

Theo thống kê của Sở Tài Nguyên - Môi trường TP.HCM, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 8.300 tấn rác thải rắn sinh hoạt. Trong đó, 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp; 15% tái chế nhựa; còn lại đốt không phát điện. Mỗi năm thành phố dành khoảng 4.000 tỷ đồng để thu gom rác thải và duy tu sửa chữa hệ thống thoát nước. Trong đó, 88 tỷ đồng chi cho việc phân loại rác tại nguồn; 1.800 tỷ chi cho khâu xử lý rác thải.

Bà Nguyễn Thị Hồng (53 tuổi, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) ngạc nhiên khi được hỏi về phân loại rác. Bà nói: "Mấy hôm trước tôi có đọc báo có biết về phân loại rác. Nhưng ở xã tôi, chưa nghe nói gì về việc này nên nghĩ là chưa làm. Tôi cũng chưa hiểu lắm về cách phân loại này".

Khi phóng viên đến UBND xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh để tìm hiểu, nhiều người trong ủy ban cũng ngạc nhiên về việc phân loại rác. Một người trong ủy ban hỏi lại chúng tôi quyết định này triển khai khi nào?

Người này cho biết: "Việc quản lý phân loại rác rất khó, vì thu gom là công ty tư nhân, nếu dân phân loại tốt mà bên thu gom trộn chung cũng rất khó khăn trong việc phân loại cuối cùng. Đầu năm ủy ban cũng đã có đợt tặng thùng rác, vận động người dân ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh chung".

Do rac khong phan loai bi phat 20 trieu dong, nguoi dan chi biet qua bao chi
Rác để ngổn ngang trước chung cư đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh

Chúng tôi hỏi một người tên Nghĩa (ở đường số 10, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), ông hỏi lại: "Chất thải hữu cơ là gì? Chất thải vô cơ là gì? Tôi không biết, không nghe ai nói gì cả, trước giờ những đồ không xài nữa thì cứ cho vào bao rác mà bỏ thôi. Nhưng nếu phân loại được cũng tốt, tiện cho bên xử lý rác và người đi gom cũng đỡ nguy hiểm hơn với chén, ly bể. Nếu được hướng dẫn tôi sẽ làm theo".

Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND TP.HCM về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, bắt đầu từ ngày 24/11, các hộ gia đình, chủ nguồn thải trên địa bàn thành phố phải phân loại rác và chuyển giao theo nhóm chất thải trước khi chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển.

Khoản 4, điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định: không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng, không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.

Trong khi đó, chị Trần Thị Vĩnh Uyên (31 tuổi, chung cư Ehome 3, quận Bình Tân) cho biết có “nghe loáng thoáng” về việc không phân loại rác tại nguồn thông qua báo chí chứ ban quản lý chung cư hay chính quyền địa phương chưa có có hướng dẫn cụ thể.

“Hai vợ chồng đi làm cả ngày, tối mới về, hỏi mẹ có ai đến hướng dẫn hay phổ biến chưa thì nói không thấy. Chúng tôi đến bảng thông báo của chung cư cũng chẳng thấy có thông tin”, chị Uyên cho biết.

Chị Uyên băn khoăn, ở chung cư của chị, mọi người thường dùng túi đựng rác chung rồi bỏ vào ống thông dẫn đến nhà rác. “Làm sao để kiểm tra, xử lý việc không phân loại rác khi tất cả được dồn về một chỗ và ai có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện? Không lẽ chặn đường người dân mang rác đi đổ để kiểm tra”.

Cần có lộ trình xử phạt

Đa số người dân cho rằng việc xử phạt 15-20 triệu đồng hiện tại chưa khả thi, cần có lộ trình. Trước tiên phải tuyên truyền vận động, sau đó thí điểm mô hình mẫu cho công chúng qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Do rac khong phan loai bi phat 20 trieu dong, nguoi dan chi biet qua bao chi
Người dân cho rằng việc quản lý phân loại rác rất khó, vì thu gom là công ty tư nhân, nếu dân phân loại tốt mà bên thu gom trộn chung cũng rất khó khăn trong việc phân loại cuối cùng

Anh Phạm Hoàng Thuận (ngụ đường Phùng Hưng, phường 14, quận 5) cho rằng quyết định này còn nhiều bất cập, dễ thấy nhất là việc hai ngày mới thu gom một lần đối với chất thải hữu cơ sẽ khiến thức ăn phân hủy, gây mùi khó chịu. “Cơm hay thức ăn thừa bị hỏng mới đổ đi. Nếu còn lưu giữ trong nhà hai ngày thì sẽ rất hôi thối”, anh Thuận chia sẻ.

Bên cạnh đó, nội dung này có hiệu lực từ ngày 24/11 và mức xử phạt đến 15-20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại rác tại nguồn thì quá cao.

“Khi thực hiện Quyết định 44 thì cần phải có thời gian hướng dẫn, hỗ trợ để người dân quen dần với việc đó chứ mới ra quyết định, có hiệu lực là xử phạt ngay thì rất khó khả thi”.

Anh Dương Văn Thanh (32 tuổi, ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) ngơ ngác khi được hỏi về  mức phạt “khủng” 15-20 triệu đồng.

“Đâu có ai đến thông báo hay hướng dẫn gì đâu. Nếu chưa hướng dẫn, tuyên truyền thì làm sao để xử phạt ?”, anh Thanh đặt câu hỏi.

Nhiều ý kiến cho rằng việc đưa ra hình thức xử phạt chưa thoả đáng khi hiện tại nhiều nơi ở thành phố chưa được đầu tư trang thiết bị tối thiểu để phục vụ tốt cho người dân.

Do rac khong phan loai bi phat 20 trieu dong, nguoi dan chi biet qua bao chi
 

Có quyết định áp dụng rồi mới... đi tuyên truyền?

Nói về việc người dân trong huyện chưa nắm được thông tin phân loại rác tại nguồn, ông Trần Phú Lữ - Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết huyện mới thông báo đến cấp dưới và đang cho xây dựng kế hoạch để tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền. Theo ông Lữ, trước đây huyện có thí điểm ở 4 xã, nhưng xã Bình Hưng thì chưa. Lần này có quyết định của thành phố, huyện sẽ tiếp tục triển khai ở những xã còn lại.

Nói về mức xử phạt, ông Lữ  cho hay: “Tôi ủng hộ mức phạt, như vậy người dân mới chấp hành. Trước mắt để đưa nội dung này vào thực tiễn, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân. Vận động trước, rồi nhắc nhở mới xử phạt chứ chưa xử phạt ngay được”.

Trước băn khoăn của người dân về viêc thu gom rác cách nhật, ông Lữ cho rằng ở những xã thưa dân thì có thể làm như vậy, nhưng một số khu vực đông dân cần phải lấy hàng ngày.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho biết, mức xử phạt 15-20 triệu đồng theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã có hiệu lực từ lâu, còn Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của UBND TP.HCM là để hướng dẫn người dân, phân cấp ủy quyền cho các ngành các cấp để tuyên truyền chứ không phải quy định hình thức xử phạt.

Do rac khong phan loai bi phat 20 trieu dong, nguoi dan chi biet qua bao chi
Người dân băn khoăn TP đã có quyết định phân loại rác tại nguồn nhưng họ vẫn chưa nắm được nội dung

“Thành phố không đặt nặng vấn đề xử phạt mà chủ yếu ban hành quy định này để tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường” - ông Thắng khẳng định.

Ông Thắng thông tin, kể từ ngày có hiệu lực, các ngành các cấp bắt đầu công tác tuyên truyền, vận động, thuyết  phục để người dân biết chứ không phải lúc này người dân đã biết hết.

Về việc quy định ngày chẵn, lẻ để lấy rác hữu cơ, và các loại rác khác, ông Thắng cho biết thành phố không giới hạn phương án mà linh động đưa xuống quận huyện, chỗ nào rác nhiều thì ký hợp đồng với các đơn vị dịch vụ thu gom. Thành phố đưa ra 3 phương án để quận huyện chọn. Ví dụ khu vực đó rác hữu cơ nhiều thì chọn ngày đi như thế nào cho phù hợp...

“Khu vực nào chưa tuyên truyền thì phải đi tuyên truyền, khu vực nào người dân chưa biết phải đi làm ngay cho người dân biết” - ông Thắng nhấn mạnh.

Một số quận huyện đã thí điểm

Chị Nguyễn Hân (khu phố 1, phường 7, quận Bình Thạnh) cho biết, từ năm 2017, gia đình chị đã được tổ dân phố hướng dẫn việc phân loại rác. Thời gian đầu, khu phố phát hai loại túi và hỗ trợ nhãn dán trên túi rác. Túi rác màu cam để chứa rác hữu cơ, màu đen chứa rác tái chế. Khi người dân đã quen thì khu phố chỉ phát túi đựng rác hữu cơ và nhãn, rác tái chế tự mua bao để đựng.

Do rac khong phan loai bi phat 20 trieu dong, nguoi dan chi biet qua bao chi
 

“Tôi thấy cách làm này rất hay, tuy nhiên, người dân phải thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường tốt hơn. Việc phân loại rác tại nguồn cần thực hiện đồng bộ toàn thành phố. Quan trọng là các đơn vị thu gom rác dân lập khi thu gom không  trộn lẫn các loại rác lại với nhau”, chị Hân nói.

Bà Nguyễn Thị Dung, tổ trưởng tổ khu phố 1, phường 7, quận Bình Thạnh cho biết: "Chúng tôi thực hiện thí điểm từ năm 2017, trước khi xuống hướng dẫn người dân, cán bộ khu phố được phường tập huấn phân loại rác tại nguồn, cán bộ phường cũng thường xuyên đi kiểm tra việc thực hiện của người dân, đến nay thực hiện khá tốt".

Ông Phi Long (quận Tân Bình) chia sẻ, rất ủng hộ và hoan nghênh chủ trương của thành phố về việc “mạnh tay” trong việc phân loại rác sinh hoạt tại TP.HCM. Tuy nhiên, ông Long lo lắng vấn đề vệ sinh, rác thải của mỗi hộ dân phụ thuộc phần lớn vào ý thức, có người cho tất cả vào một túi to, mang ra các khu vực tập kết rác tại chợ để đổ thì ai sẽ kiểm tra, quản lý và xử phạt?

Phạm An - Quốc Thái - Trường Nguyên - Mai Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI