PNO - Từng đứng trước nguy cơ mai một, nghề đan lát ở bản Diềm nay đang hồi sinh mạnh mẽ, giúp hàng trăm phụ nữ người Thái ở vùng cao có thu nhập ổn định và góp phần bảo tồn nghề truyền thống.
Dạo một vòng quanh sân kiểm tra tiến độ đan lát của chị em, bà Lang Thị Hoa - 60 tuổi, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An - khoe: “Đơn đặt hàng nhiều quá, chị em làm cả ngày lẫn đêm vẫn không kịp”. Từ một làng nghề đang mai một, nay các sản phẩm đan lát của chị em người Thái ở bản Diềm đã xuất đi nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí còn được xuất khẩu sang Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hợp tác xã Mây tre đan bản Diềm hiện đã có hơn 100 lao động, chủ yếu là phụ nữ
Nghề đan lát ở bản Diềm vốn có từ rất lâu đời, nhưng vì sản phẩm không có chỗ tiêu thụ nên bà con bỏ nghề để lên núi hái dược liệu. Nhưng mỗi ngày đi từ mờ sáng đến tối cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Thấy vậy, bà Lang Thị Hoa nảy sinh ý định khôi phục lại nghề đan lát để vừa bảo tồn, vừa tạo công việc ổn định giúp chị em đỡ vất vả.
Nhưng mọi việc cũng không đơn giản, sản phẩm làm ra vẫn không thu hút được khách hàng, khiến chị em chán nản. Không để chị em bỏ nghề một lần nữa, bà Hoa quyết định đến các bản làng khác gặp các nghệ nhân, người già học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật đan lát, nguyên vật liệu mới, để sản phẩm đa dạng hơn. “Mỗi nơi mình học được một ít. Từ đó, mình cải thiện sản phẩm sao cho đẹp mắt nhất” - bà Hoa nói. Tuy nhiên, sản phẩm đan lát của bản Diềm chỉ thực sự được chú ý khi đưa hoa văn trên váy áo thổ cẩm của người Thái vào. Bà Hoa bảo, cách này không chỉ tăng tính thẩm mỹ, tạo nét đặc biệt của sản phẩm mây tre đan làng Diềm, mà còn giới thiệu bản sắc văn hóa của người Thái tới cộng đồng.
Là một trong những thợ lành nghề của HTX, bà Vy Thị Nội (73 tuổi) nói rằng, con gái Thái ngày xưa trước khi về nhà chồng phải tự tay thêu váy áo, gối chăn và đan các vật dụng cho mình. Vì vậy, tuổi như bà ai cũng thạo nghề cả. Bọn trẻ bây giờ học hành rồi đi làm ăn xa nên ít người theo nghề như các bà, các mẹ. “Việc đưa các hình hoa văn đặc trưng vào các sản phẩm không chỉ giúp sản phẩm thêm đẹp mắt mà còn góp phần gìn giữ được nét văn hóa của người Thái. Nhưng thêu hoa văn trên vải dễ hơn, còn đan được hình hoa văn thì cầu kỳ và mất nhiều thời gian hơn” - bà Nội nói.
Dù mới thành lập nhưng Tổ hợp tác đồ thủ công mỹ nghệ xã Châu Khê cũng đã thu hút được nhiều khách hàng
Theo bà Hoa, để tạo được hoa văn trên các sản phẩm, họ đã tận dụng những nguyên liệu tự nhiên sẵn có trên rừng như cây săng vì, cây giang, quả nu… về giã và nấu, nhuộm nan theo những màu sắc khác nhau để làm họa tiết và phối màu lên bề mặt sản phẩm. Cũng nhờ đó mà đồ dùng sinh hoạt hằng ngày của người Thái đã được cách tân, nổi bật, bắt mắt và đặc biệt là không dùng hóa chất, khiến khách hàng rất thích thú. “Nhờ vậy mà sản phẩm của chúng tôi xuất bán dễ dàng hơn nhiều so với trước đây” - bà Hoa khẳng định.
Năm 2017, các sản phẩm của HTX bắt đầu được xuất ra nước ngoài. Hiện HTX có hơn 100 thành viên, mỗi tháng tạo ra hàng ngàn sản phẩm như mâm cơm, ghế, túi thời trang, lồng đèn… với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một sản phẩm.
Truyền nghề, giúp chị em thoát nghèo
Bà Hoa cũng vừa hoàn tất khóa dạy nghề đan lát cho 70 phụ nữ ở các xã lân cận và bắt đầu giao các đơn hàng cho chị em
Ngoài HTX Mây tre đan bản Diềm, mới đây Hội Phụ nữ xã Châu Khê đã hỗ trợ thành lập một tổ hợp tác làm đồ thủ công mỹ nghệ để tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào ở địa phương. Dù mới đi vào hoạt động vài tháng nhưng tổ hợp tác đã tạo việc làm ổn định cho 9 lao động với mức lương trên 5 triệu đồng/người/tháng cùng hàng chục lao động mùa vụ. Sản phẩm của tổ chủ yếu là bình hoa trang trí được chế tác khéo léo từ cây săng vì, cây mét, cây giang, được khảm trai bên ngoài.
“Ở đây nguyên liệu để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ rất nhiều, giá rẻ, nhân công cũng rẻ… nên rất thuận lợi để phát triển. Vì tổ đang làm thủ công nên sản phẩm làm ra còn chậm, không đủ cung ứng cho các đơn đặt hàng. Hiện chúng tôi cũng đã hướng dẫn tổ làm các thủ tục để thành lập HTX, từ đó có thể được hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư máy móc, thiết bị mở rộng quy mô sản xuất” - bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Châu Khê - thông tin.
làm. Bà nói: “Nghề này nếu chịu khó học một thời gian thì ai cũng có thể làm được, đặc biệt là người già, có thể tranh thủ làm những lúc rảnh rỗi. Trung bình, mỗi người có thể kiếm từ 4-5 triệu đồng mỗi tháng, những gia đình có 2-3 người cùng làm thì tháng cũng kiếm được 10-15 triệu đồng”.
Hiện tại, bên cạnh việc tiếp tục tìm tòi để cải thiện sản phẩm, đa dạng mẫu mã, bà Hoa đang lên kế hoạch “truyền nghề” cho phụ nữ ở các bản vùng cao, giúp họ ổn định công việc.
Bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Châu Khê - đánh giá, nghề đan lát ở bản Diềm “phục hưng” không chỉ giúp chị em người Thái có việc làm ổn định mà còn giúp nhiều gia đình xóa đói giảm nghèo.
Ông Vi Văn Quý - Phó chủ tịch UBND huyện Con Cuông - nói về bà Lang Thị Hoa: “Vốn là một người khá rụt rè, nay bà Hoa đã mạnh dạn đi nhiều nơi để quảng bá sản phẩm. Quy mô của HTX Mây tre đan bản Diềm còn nhỏ nhưng sản phẩm có sức tiêu thụ tốt, tạo công việc và mức thu nhập ổn định cho nhiều người địa phương.
Ngày 10/12, quận Tân Bình phối hợp với Ban quản trị chung cư K300, Phòng VH-TT Tân Bình khánh thành khuôn viên hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời.