Nhà tôi cách bến đò gần mười cây số. Người quê xưa chủ yếu di chuyển bằng cách đi bộ - mà dân quê hay nói vui là "xe căng hải" (xe hai cẳng).
Nhưng ngày ấy, khoảng cách chẳng là gì đối với người quê đã quen với việc đi bộ hàng cây số ra bến đò, đi chợ, làm đồng. Bọn trẻ con cũng sớm "dẻo chân" khi mỗi ngày đều phải cuốc bộ cả chục km đến trường. Ngày nắng cũng như ngày mưa, đôi chân miệt mài vạn dặm. Vì thế mà chuyện ra bến đò đón người thân đối với tôi không thành vấn đề, ngược lại còn háo hức mừng vui.
Mỗi lần đi đón có nghĩa là thêm một thành viên trong gia đình về quê ăn tết. Rất nhiều năm tháng như vậy, tôi từ đón anh chị đi học đại học trên thành phố về nghỉ tết, đến đón gia đình các anh/các chị khi đã kết hôn; rồi những lần đón thêm các cháu về nhà... Và ngược lại, mỗi lần tiễn đưa là những lần lưu luyến, bùi ngùi.
|
Qua sông, qua chiều |
Bến đò nhỏ những mùa xuân sang cứ chộn rộn, náo nức. Những lời thăm hỏi, những món quà phố, những tay bắt mặt mừng của người quê... Thuở ấy, "người thành phố" là một hình ảnh luôn được người quê ngưỡng vọng. Vì ai đi thành phố về cũng thấy thay da đổi thịt, ăn mặc khác hẳn, lời ăn tiếng nói cũng khác xưa. Người phố năm ấy để lại hình ảnh thường trực trong lòng người quê về sự thành đạt, sang cả, giỏi giang, giàu có...
Bến đò cũng là nơi để người người mưu sinh, nhất là trong dịp t ết. Cơ hội dành cho các chú xe ôm chở khách từ bến đò tỏa về các xóm làng "trong đồng" và ngược lại. Chi phí cho một cuốc xe khoảng năm cây số ngày ấy chỉ vào tầm 1.000đ-2.000đ (giá tiền mua được một ổ bánh mì thịt lúc bấy giờ).
Rồi các mẹ, các chị cũng tranh thủ pha nước trà đá hoặc nước chanh/chanh muối cho sẵn vào bịch, bán 200đ-500đ/bịch. Những trưa nắng nôi, món nước bình dân coi vậy mà đắt hàng. Hồi đó cũng không có những món nước "xa xỉ" như nước cam vắt hay nước mía. Trái cây chỉ có thơm gọt sẵn vỏ, cắt làm tư làm tám, bày lên mâm cũng bán được rất nhanh. Chủ yếu người lớn mua cho làm quà vặt cho bọn trẻ con. Tết người ta càng dễ "vung tay" xài tiền nhiều hơn ngày thường.
Những thức quà quê ít ỏi, nghèo nàn như vậy, nhưng đã nuôi sống biết bao gia đình. Rất nhiều người đã nương nhờ vào bến đò nhỏ ấy mà có cơm ăn, áo mặc. Quãng sông nhỏ nhưng chia tách giữa miền quê và thị trấn như hai vùng đất hoàn toàn đối lập. Bên kia sông có những chuyến xe đò chở người quê lên phố, bon bon trên những con đường tráng nhựa, nhà cửa san sát, sầm uất...
Còn bên này sông, chỉ có xe ôm - những chiếc xe máy đời cũ người nông dân cũng phải ki cóp lắm mới mua được làm phương tiện sinh nhai, con đường lộ đá đỏ bụi tung mù mịt, những ngôi nhà mái lá nằm khum khum trên cánh đồng...
|
Vỏ lãi - một phương tiện di chuyển trên sông nước tiện lợi sau này |
Tết năm ấy tôi được các chị cho "sang sông", đi chợ huyện. Lòng cứ nôn nao đến không ngủ được. Niềm háo hức thơ trẻ khi lần đầu được qua bên kia sông, đi xe đò ngồi tha hồ ngắm cảnh. Tôi mê mẩn thu vào tầm mắt mình bao điều mới lạ, từ ngôi chùa mà lối vào có hàng hoa hoàng hậu vàng rực lộng lẫy, góc ngã ba có cây bàng cổ thụ tỏa bóng mát, cây cầu gỗ bắc qua một dòng sông khác nối liền những cung đường...
Lúc ấy đã không nghĩ rằng những hình ảnh ấy rồi sẽ trở thành "chỉ dấu ký ức" để mỗi lần nhớ quê, tôi lại nhớ đến xốn xang từng chi tiết trên đường về quê cũ.
Ngày ấy, tôi cứ ước quê mình rồi cũng sẽ có một cây cầu bắc sang sông.
Những giấc mơ thơ bé hồn nhiên, không nghĩ có một ngày tất cả đều trở thành hiện thực. Như giấc mơ về cây cầu, về những con đường tráng nhựa thẳng tắp - chứ không phải là lộ đá đỏ ngày nắng bụi mù ngày mưa nhão nhoẹt, về cả hành trình "qua sông lên thành phố"...
Những giấc mộng và những lựa chọn qua mỗi một mùa Xuân mới cứ thế ngày một đầy lên trong lòng. Con đò chuyên chở những hành khách qua sông, còn thời gian chuyên chở những giấc mơ của đời người.
|
"Sông xưa còn nhớ cánh chim trời..." |
Tôi rời làng trên con đò nhỏ, qua sông quê. Ngày trở về, con đò đã kết thúc sứ mệnh của nó. Cây cầu bê tông sừng sững nối quê và phố. Ngày xưa ô tô từ phố về phải gửi lại bên kia sông, giờ thì xe đò đã về tận thôn xóm. Thời gian đi lại được rút ngắn, phương tiện di chuyển của người dân quê cũng hiện đại hơn. Quê và phố không còn quá cách biệt như ngày xưa.
Mừng cho sự phát triển này nhưng không hiểu sao mỗi lần về đến dòng sông cũ, xe lao vun vút trên cây cầu vững chảy lòng tôi lại cồn cào nhớ con đò nhỏ, cần mẫn những sáng những chiều đưa khách qua sông...
Đường quê bây giờ chẳng còn mấy ai phải dùng "xe căng hải", nên cũng không có những bước chân náo nức đi đón/đưa người thân ngoài bến đò. Không có những khuôn mặt rám nắng hiền lành trên xe ôm thắt thỏm chờ những chuyến đò ngang. Càng không có những cuộc rời quê lên phố sau tết mà hành lý ăm ắp những bánh tét, bánh ít, bánh in, giò chả, thịt kho... thơm thơm mùi làng, vương vương mùi nhớ.
Trên những chuyến đò năm ấy, chỉ cần thời gian sang sông mươi phút là đủ cho người với người hỏi thăm nhau, biết ai lên phố đi học, đi làm, nhà ai năm nay ăn tết thế nào. Mùa xuân rộn ràng về trên những chuyến đò và cũng xốn xang tạm biệt trên những chuyến đò.
Ký ức ở lại cùng kỷ niệm. Những mùa xuân đã qua trong cuộc đời của mỗi người - có thế nào rồi cũng lùi xa vào thương nhớ...
Song Giang