“Độ” pin xe điện dễ chuốc rủi ro

09/12/2023 - 06:13

PNO - Gần đây, có không ít vụ cháy, nổ liên quan đến xe điện. Thế nhưng, một số người ở TPHCM vẫn tìm đến các dịch vụ “độ” ắc quy xe điện thành pin lithium để tăng tốc độ và quãng đường di chuyển.

Dòng xe điện nào cũng "độ" được 

Nghe chúng tôi yêu cầu “độ” chiếc xe máy điện hiệu K. từ chạy bằng ắc quy sang chạy bằng pin lithium (dòng pin thường được dùng cho điện thoại, máy tính), nhân viên bảo trì của một đại lý xe điện trên đường Nguyễn Văn Luông, quận 6, TPHCM cho biết, hãng chỉ nhận thay ắc quy phù hợp với kết cấu cũ của xe, không nhận “độ” từ ắc quy sang pin nhưng lại khuyên chúng tôi nên nhờ dịch vụ bên ngoài. 

Theo nhân viên này, ắc quy có ưu điểm là giá rẻ (khoảng 4 triệu đồng) nhưng nhược điểm là nặng, thời gian sạc lâu (9-12 giờ), chỉ di chuyển được khoảng 80 - 90km/lần sạc, dùng 1-2 năm thì chỉ chạy được khoảng 40 - 60km sau mỗi lần sạc. Nếu dùng pin lithium, quãng đường di chuyển có thể tăng gấp 2-3 lần, thời gian sạc nhanh hơn (6-8 giờ), hạn sử dụng của pin được hơn 4 năm. 

“Hơn 95% xe thuộc dòng chị đang đi đã được “độ” thành pin. Nhưng để đảm bảo an toàn, chị nên tìm cửa hàng uy tín, “độ” pin có cường độ dòng điện khoảng 40 - 50A (ampe), di chuyển được 100 - 120km. Nếu “độ” pin có cường độ cao hơn, sẽ nguy hiểm. Chị nên yêu cầu cửa hàng cam kết về hạn sử dụng pin” - nhân viên này hướng dẫn. 

Các chuyên gia khuyên để an toàn, người sử dụng xe điện cần giữ nguyên thiết kế của xe, không “độ, chế”.  Trong ảnh: Một phụ nữ ở TPHCM mang xe đến cửa hàng xe điện để bảo trì ngày 4/12
Các chuyên gia khuyên để an toàn, người sử dụng xe điện cần giữ nguyên thiết kế của xe, không “độ, chế”. Trong ảnh: Một phụ nữ ở TPHCM mang xe đến cửa hàng xe điện để bảo trì ngày 4/12

Nhân viên cửa hàng B.L. trên đường Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú, TPHCM (chuyên “độ” xe điện) cho biết cửa hàng có thể “độ” cho mọi dòng xe từ ắc quy sang pin. Xe Pega Newtech, Pega S chạy bằng ắc quy 20A có quãng đường 90km/lần sạc, sau khi được “độ” thành pin “khủng” 92 - 95A sẽ chạy được 200 - 250km/lần sạc, tốc độ 120km/h; xe Feliz sau khi “độ” pin sẽ chạy được 220km/lần sạc, vận tốc 90km/h. Cửa hàng còn nhận “độ” pin lithium có cường độ 22A lên pin 92 - 95A cho dòng xe Klara A1 để nâng vận tốc, tăng độ dài di chuyển. 

“Các loại pin này do cửa hàng tự thiết kế, thi công, phù hợp với kích cỡ các dòng xe điện phổ biến trên thị trường, có lớp sắt chống cháy nổ, có bảo hành hẳn hoi, có thể tùy chỉnh và theo dõi trên điện thoại để bảo vệ pin khỏi tình trạng quá tải, quá áp, đoản mạch, giá chỉ 13-15 triệu 
đồng/sản phẩm, trong khi giá pin chính hãng gần 19 triệu đồng. Hiện nay, do nguồn pin dòng xe Klara đang khan hiếm, giá nguyên liệu nhập từ Trung Quốc tăng cao nên bên em tạm thời không nhận “độ” từ ắc quy sang pin mà “độ” ắc quy phiên bản cũ thành ắc quy phiên bản cao cấp hơn, giá chỉ 3,5 triệu đồng/sản phẩm” - nhân viên cửa hàng B.L. nói. Một nhân viên khác cho biết, sau vụ cháy chung cư mini ở TP Hà Nội, cửa hàng không dám nhận “độ” từ ắc quy sang pin đại trà do sợ bị phạt, chỉ “độ” cho người quen. 

Chủ một cơ sở chuyên lắp ráp xe điện hiệu Asaka trên đường An Dương Vương, quận Bình Tân, TPHCM cho biết, do kinh tế khó khăn, một số người vẫn chọn dùng ắc quy nhưng thay vì mua ắc quy mới lại chọn mua ắc quy đã được “độ” hiệu điện thế từ 48V (vôn) lên 60 - 70V để chạy được 100km/lần sạc thay vì 45 - 60km/lần sạc. Chủ cơ sở này còn khoe, có thể lắp nối 4-5 bình ắc quy để tăng công suất và thời gian quãng đường di chuyển, giá rẻ hơn pin nhưng xe nặng hơn: “Bộ 4-6 bình giá khoảng 3,5 triệu đồng. Nếu sạc đúng cách, thường xuyên kiểm tra thì hạn sử dụng cũng ít nhất 2 năm, rẻ hơn vài triệu đồng so với dùng pin”. 

Nguy cơ cháy nổ 

Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy - nguyên giảng viên Trường đại học Bách khoa TPHCM - cho biết, các dịch vụ thường “độ” xe điện theo 2 hình thức: lắp thêm pin phụ để kéo dài quãng đường di chuyển của xe; đổi ắc quy sang pin lithium do pin lithium bền hơn, thời gian sạc nhanh, cường độ mạnh hơn, giúp xe nhẹ hơn. 

Theo ông, giá pin lithium khá cao, chất lượng của pin lại phụ thuộc nhiều vào nguồn gốc, khả năng tương thích với xe. Nếu “độ” không đúng cách - như dùng mạch quản lý pin kém chất lượng, thiết kế của cụm pin và thiết kế của xe không đảm bảo khả năng tản nhiệt, sử dụng vật liệu chống cháy để bọc pin không đúng cách - sẽ gây ra nguy cơ cháy nổ, hỏng động cơ điện của xe. Ngoài ra, có thể nhân viên tiệm xe dùng pin cũ trộn với pin mới để tăng lợi nhuận. Pin càng cũ thì càng mau chai, hỏng, làm mất cân bằng bên trong khối pin, tăng nguy cơ cháy, nổ trong điều kiện cực đoan như chở nặng, chạy nhanh liên tục hay chạy trong thời tiết quá nóng. 
“Sản xuất, lắp đặt pin cho xe điện là hoạt động cần hàm lượng khoa học công nghệ cao, đòi hỏi tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Trong khi đó, các cơ sở “độ” pin thường làm theo kinh nghiệm, thói quen, không qua các bước thực nghiệm, kiểm nghiệm theo quy chuẩn” - ông nói. 

Còn theo ông Lê Yên Thanh - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Phenikaa MaaS - nhiều vụ xe điện cháy, nổ là do đã được “độ” pin. Pin lithium tỏa nhiệt cao do quá tải hoặc dùng sai cách, còn ắc quy không tỏa nhiệt nên an toàn hơn. Nhưng khi “độ” khác với phiên bản của nhà sản xuất thì nguy cơ cháy nổ của pin và ắc quy đều cao. Ở một số nước, có các hãng chuyên “độ” xe nhưng họ phối hợp chặt chẽ với các nhà sản xuất để thử nghiệm các phụ kiện cho đến khi đạt chuẩn an toàn kỹ thuật mới áp dụng. Còn ở Việt Nam, “độ” xe là hành vi vi phạm pháp luật, do các thợ tay ngang tự làm. Do không được đào tạo bài bản nên xe khó đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu về an toàn khi vận hành. 

“Xe đã bị “độ” thì không còn nằm trong diện được nhà sản xuất bảo hành. “Độ” xe là hành vi bị cấm nên chủ phương tiện có thể bị xử phạt tiền, tịch thu phương tiện” - kỹ sư Lê Yên Thanh nói. 

Kiểm tra 5 cửa hàng bán pin xe không rõ nguồn gốc

Trong tháng 10/2023, khi kiểm tra cơ sở kinh doanh, sửa chữa xe mô tô Hòa Lợi (140 Phan Đăng Lưu, phường Đông Ba, TP Huế), Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Huế đã tạm giữ 20 bộ phận pin sạc không có chứng từ đang được bán cho khách hàng mua lẻ.

Ngoài vụ việc trên, Công an TP Huế đang củng cố hồ sơ để xử lý 4 cửa hàng kinh doanh 110 chiếc xe đạp điện, xe máy điện kèm theo pin sạc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, với tổng trị giá hơn 1 tỉ đồng. Qua xác minh, các cửa hàng này đã nhập các bộ phận về tự lắp ráp nên không đảm bảo chất lượng, độ an toàn khi lưu thông, dễ dẫn đến chập điện, cháy nổ.

Thuận Hóa 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI