Đại dịch COVID-19 đang gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có đối với con người. Đã có những mất mát không thể đong đếm và cả những hệ lụy làm tổn thương đến tâm lý, khiến không ít người mắc các rối loạn về tâm thần như căng thẳng, lo lắng, sang chấn tinh thần… Trong bối cảnh đó, chúng ta cần có những giải pháp để hạn chế rủi ro của dịch bệnh đối với tâm lý, bảo đảm ổn định sức khỏe, sẵn sàng đối phó và vượt qua đại dịch.
Stress vì nghỉ dịch
|
Cả người lớn lẫn trẻ nhỏ thường có thói quen dùng thức ăn ngọt như một liều thuốc xoa dịu, giúp giảm cảm xúc tiêu cực |
Bên cạnh việc nhiều người tìm đến các trung tâm hoặc chuyên gia để được hỗ trợ tâm lý, một số khác đã tự tìm đến các giải pháp nhất thời nhằm cải thiện tình trạng stress, căng thẳng, lo âu.
Chị L.T.H. (28 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trải qua ba đợt giãn cách, gần đây chị thường xuyên bị căng thẳng, mệt mỏi… Đã không ít lần chị và chồng cãi nhau to tiếng vì mất kiểm soát cảm xúc.
“Sau những lần stress, tôi lại cảm thấy buồn bực, bất lực và hay khóc. Một phần vì đã phải ở trong nhà một thời gian quá lâu, phần nữa do áp lực công việc, cuộc sống khiến tôi suy nghĩ quá nhiều. Những lúc như thế, tôi thường trút giận lên người thân và tìm đến đồ ngọt như một cách giải tỏa” - chị H. chia sẻ.
Chị Q.T.V. (34 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng có những biểu hiện tâm lý tương tự. Chị tâm sự, bản thân đang nuôi con nhỏ, bé đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên ba, ngang ngược một cách vô lý, không nghe theo những gì người lớn hướng dẫn, thường xuyên cãi lời người lớn bằng hành động và lời nói.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cả mẹ và bé nhiều tháng nay chỉ quanh quẩn ở nhà, không gian bí bách càng khiến mọi thứ ngột ngạt hơn. Lâu dần, bản thân chị và các thành viên trong gia đình trở nên căng thẳng, chán nản, thậm chí không muốn nhìn mặt nhau...
Mỗi lần cảm xúc bất ổn, chị V. lại vào bếp “làm bạn” với đồ ăn, nhất là các món ngọt. Bên cạnh đó, để tinh thần trở lại trạng thái cân bằng, chị cũng không quên tìm cho bản thân một không gian yên tĩnh để thả lỏng cơ thể, duy trì đầu óc trong trạng thái trống rỗng và hít sâu thở đều.
Trong khi đó, P.T.N. (sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) cũng thường xuyên cảm thấy lo âu, căng thẳng, dễ kích động, cảm xúc dễ thay đổi theo hướng tiêu cực. N. cho biết tình trạng trên đã kéo dài hơn nửa năm qua.
“Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, suốt thời gian dài em phải ở nhà học online, lại không giúp được gì cho gia đình nên thường bị bố mẹ cằn nhằn. Mỗi lần buồn bã, em thường đọc sách, ăn uống, đặc biệt là đồ ngọt để nhanh quên đi những chuyện không vui” - N. bộc bạch.
Mối liên hệ giữa chế độ dinh dưỡng và các vấn đề căng thẳng
Những trường hợp tổn thương tinh thần kể trên đều bị tác động tâm lý bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội. Tuy vậy, mỗi người lại có cách giải tỏa stress khác nhau, điểm chung duy nhất trong số họ là tìm tới đồ ăn, nhất là đồ ngọt, với hy vọng tâm trạng được cải thiện. Vậy đồ ăn nói chung và đồ ngọt, nhiều đường nói riêng có thực sự giúp giảm stress?
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết thực tế nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với người bị stress. Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp tạo dựng các thành phần quan trọng trong cơ thể như protein, enzyme, mô não, chất dẫn truyền thần kinh. Chế độ ăn giàu các chất dinh dưỡng như omega-3 và kẽm sẽ làm tăng kết nối giữa các tế bào não.
Chế độ ăn uống lành mạnh còn tăng cường vi khuẩn có lợi cho đường ruột - yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, duy trì môi trường đường ruột khỏe mạnh, làm giảm viêm - yếu tố gây ảnh hưởng đến tâm trạng và nhận thức…
Trong xã hội hiện đại, phát triển ngày nay, nhiều người có thói quen tiếp cận với thức ăn thoải mái và xem đây như liều thuốc xoa dịu, làm thỏa mãn cảm xúc. Tuy nhiên, điều này chỉ là giải pháp nhất thời vì nếu dùng thực phẩm không tốt sẽ để lại hệ lụy ngay sau đó, nhất là với người đang bị stress. Với đối tượng này, tình trạng sẽ trở nên trầm trọng, áp lực hơn.
|
Ban công xanh mát và rổ rau cải thu hoạch trong mùa dịch của một gia đình ở quận 7, TPHCM - Ảnh: Đặng Liên |
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định việc nạp đồ ngọt (thức ăn nhiều đường) có thể giúp tinh thần con người ổn định, bình tĩnh, giảm bớt căng thẳng. Nhưng một chế độ ăn uống quá nhiều đường chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của mỗi người.
Việc thường xuyên ăn nhiều thực phẩm có chứa chất béo bão hòa và đường tinh chế sẽ tác động tiêu cực đến protein trong não, ảnh hưởng đến tinh thần, làm xuất hiện các triệu chứng lo lắng, đặc biệt là ở đối tượng người cao tuổi (trên 60 tuổi) và ảnh hưởng đến quá trình điều trị ở những người có các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường...
Chưa kể, khi cơ thể lạm dụng quá nhiều thực phẩm ngọt sẽ khiến một số chất hóa học trong não bị mất cân bằng, làm xuất hiện các triệu chứng lo lắng. Sự đảo lộn này có nguy cơ gây nên các rối loạn tâm lý.
Chế độ dinh dưỡng nhiều chất béo hoặc đường còn có hại cho đường ruột, từ đó ảnh hưởng đến não bộ.
Giải tỏa căng thẳng bằng cách nào?
Chuyên gia Viện Dinh dưỡng Quốc gia lưu ý, thay vì nạp vào cơ thể những thức ăn ưa thích, bạn hoàn toàn có thể rèn luyện chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây và các loại hạt có thành phần chứa nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu… Ngoài ra, cũng nên tích cực bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm thiểu vấn đề căng thẳng và mệt mỏi.
Bên cạnh những thực phẩm cần bổ sung, để tránh tình trạng tinh thần trở nên nặng nề, người bị stress cần hạn chế các đồ uống có chất kích thích như rượu, bia, cà phê, soda… vì những thức uống này tác động tiêu cực tới hệ thần kinh con người.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người hoàn toàn có thể kiểm soát stress theo các cách vừa đơn giản vừa dễ thực hiện, chẳng hạn như: nghe nhạc, xem hài kịch và các video hài hước trên mạng để tinh thần thoải mái; dừng việc sử dụng các thiết bị điện tử ít nhất vài lần trong ngày; tập hít thở sâu giúp tăng lượng oxy cung cấp cho cơ thể; duy trì hoạt động thể lực tại nhà; suy nghĩ lạc quan, tích cực hơn; dành cho mình những khoảng thời gian để tận hưởng cuộc sống…
Bên cạnh đó, bạn đừng quên đi khám sức khỏe và tư vấn dinh dưỡng định kỳ.
An Bình