PNO - PN - Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM vừa công bố, trong số 22 mẫu nước đá lấy tại các cơ sở sản xuất, có 12 mẫu (chiếm 54,5%) phát hiện nhiễm vi sinh, khuẩn E.coli, Feacal streptoccoc, Pseudomonas aeruginosa, Coliforms... Nhiều...
Xét nghiệm mang tính đối phó
Bà Lê Thị Lệ Ánh, phụ trách thu mua hệ thống cửa hàng tiện lợi Ministop, trực thuộc tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cho biết, do chưa thể tìm được nguồn nước đá đảm bảo nên ban đầu, chuỗi cửa hàng này thường phải lấy từ các đại lý phân phối. Tuy nhiên, nguồn nước đá mà phía Nhật yêu cầu là phải sạch như nước tinh khiết (từ nguồn nước, công nghệ sản xuất phải tự động, đá thành phẩm phải được đóng gói bao bì đảm bảo, phương tiện vận chuyển chuyên dụng...).
Vì vậy, bà Ánh từng đến nhiều cơ sở làm nước đá để quan sát quy trình sản xuất. Tại nhiều nơi, bà nhìn thấy cơ sở sản xuất dùng nguồn nước ngầm hút trực tiếp từ lòng đất cho vào các khuôn làm đá, nhiều khay làm đá gỉ sét vẫn được sử dụng. Hầu hết các cơ sở sản xuất theo lối thủ công, công nhân không được bảo hộ lao động, thậm chí cởi trần trong quá trình làm đá, đa phần dùng tay trần. Bao bì bảo quản hầu hết là loại bao dứa, được dùng đi dùng lại nhiều lần. Có bao đã rách nát, thấm bụi bẩn vẫn được dùng đựng đá...
Tương tự, giám đốc của một chuỗi nhà hàng chuyên về các món ăn truyền thống của Việt Nam tại TP.HCM cho biết, ông cũng mất khá nhiều thời gian để tìm nguồn nước đá sạch cho hệ thống, và chấp nhận trả giá cao để mua được nguồn nước đá đảm bảo. “Thực phẩm của nhà hàng có ngon đến đâu, hấp dẫn đến đâu nhưng chỉ một vài thực khách bị ngộ độc không phải do đồ ăn mà do nước đá cũng đủ làm sụp đổ uy tín thương hiệu của cả hệ thống...”, vị giám đốc này nói. Theo ông, không nên tin vào những giấy xét nghiệm đạt chuẩn mà các cơ sở sản xuất nước đá đưa ra.
Những lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở, bởi theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, năm 2014, có 81 cơ sở sản xuất tự xét nghiệm nguồn nước dùng sản xuất nước đá và kết quả đều đạt 100%. Thực tế, có những cơ sở sản xuất khi đưa mẫu đi xét nghiệm thấy không đạt đã lấy mẫu nước khác cho đến khi đạt. Và họ dùng chính kết quả đó để đối phó với cơ quan chức năng.
Quy trình làm nước đá sạch đòi hỏi đầu tư mạnh về thiết bị, công nghệ và bao bì
Không ngộ độc nên… sạch (?)
Ông Nguyễn Dĩa, Phó giám đốc Công ty sản xuất nước đá Hân Trân (Q.8, TP.HCM) nói, gần 30 năm làm nước đá, ông chưa từng thấy một vụ ngộ độc nào từ sản phẩm này và chất lượng nước đá tại các xưởng sản xuất hiện đã tốt, cơ quan quản lý chỉ nên kiểm tra ở khâu phân phối, vì dễ nhiễm bẩn ở khâu này.
Trong khi đó, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM nói, nước đá sạch hay không cần phải căn cứ vào ba yếu tố chính là nguồn nước, bao bì, tiêu chuẩn hợp quy. Theo số liệu của Chi cục ATVSTP TP.HCM, toàn TP hiện có 193 cơ sở sản xuất nước đá, cung ứng khoảng 500 tấn nước đá cho các cơ sở ăn uống, nhà hàng, quán cà phê... mỗi ngày. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, có 79 cơ sở sử dụng nước máy, trong đó có 27 cơ sở chưa xác minh nguồn nước máy sử dụng. Đáng lưu ý, đến 114 cơ sở (chiếm tỷ lệ hơn 59%) sản xuất nước đá từ nước giếng. Và theo quy định, các cơ sở này phải xét nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu theo quy chuẩn Việt Nam, nhưng thực tế chỉ có 37/114 cơ sở thực hiện đầy đủ.
Theo ông Dương Phát Chiếu, Trưởng phòng Quản lý ngộ độc Chi cục ATVSTP TP.HCM, có những chất trong nước đá không gây độc ngay lập tức mà đi vào cơ thể gây hại lâu dài. Những hợp chất vô cơ, kim loại nặng, các loại khuẩn... có thể gây ra bệnh như tả, kiết lỵ, viêm ruột, thương hàn, viêm gan, bại liệt, suy thận, nhiễm trùng máu, ung thư...
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa khẳng định, Chi cục ATVSTP vẫn thực hiện những đợt kiểm tra đột xuất với cả những cơ sở đạt các chỉ tiêu đăng ký ban đầu, nếu phát hiện sai phạm, mức tiền phạt lên đến 45-50 triệu đồng.
Làm đúng, giá tăng, khó tiêu thụ?
“Cả TP.HCM chỉ có một vài cơ sở đáp ứng yêu cầu của chúng tôi nên chúng tôi phải chấp nhận mức giá nước đá cao hơn hẳn”, bà Ánh cho biết. Nhiều cơ sở sản xuất nước đá cho rằng, nếu làm đúng theo chuẩn đá sạch thì giá thành sản phẩm sẽ đội lên nên khó tiêu thụ. Hiện tại mức giá nước đá phổ biến ở những cơ sở nhỏ lẻ 450-500đ/kg đá, đến tay người bán lẻ (quán ăn, nhà hàng) khoảng 700-1.000đ/kg. Ông Nguyễn Thế Trung, đại diện Công ty sản xuất nước đá Trung Lợi (Q.9) tính toán, nếu dùng bao nhựa PE theo đúng quy định thay bao PP các cơ sở đang dùng hiện nay sẽ tăng chi phí lên 5.000-6.000đ/bao (loại bao 20kg), cộng với chi phí ghi nhãn trên bao bì sẽ tăng thêm 500đ/bao... như vậy giá thành sẽ bị đẩy lên khá nhiều.
Tuy nhiên, theo bà Dương Thị Thu Dung, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Hồng Phúc, đơn vị được nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống của nước ngoài chọn mua nước đá, làm đá sạch thực sự phải đầu tư hệ thống thiết bị lên đến hàng triệu USD. Để kinh doanh bền vững, lâu dài, các cơ sở nên tính toán tiết giảm ở khâu sản xuất. Việc đầu tư dây chuyền đóng gói tự động rất tốn kém nhưng bù lại thì tiết kiệm nhân công. Hiện giá nước đá Hồng Phúc giao trực tiếp, tận nơi cho các hệ thống nhà hàng, quán ăn… là 1.100-1.300đ/kg, không chênh lệch mấy so với giá nước đá thông thường. Bà Dung cũng nói, nước đá cây, dù sạch tại nơi sản xuất, nếu không được đóng gói bao bì kín ngay tại nhà máy thì rất khó đảm bảo vệ sinh khi đến tay người tiêu dùng. Đối với đá viên, trước đây do đều đóng gói bằng bao PP, không nhãn mác nên khó phân biệt nước đá từ các nhà máy khác nhau. Với bao PE, có ghi đầy đủ thông tin về nhà sản xuất, khách hàng có thể đối chiếu thông tin hồ sơ pháp lý với sản phẩm thực tế.
TIẾN ĐẠT - ĐĂNG THƯ
Muốn có nước đá sạch nên… tự làm
Nói nước đá không gây ngộ độc là không đúng, nước đá sử dụng nguồn nước không đảm bảo có thể dẫn đến ngộ độc mạn tính. Người dân nên tự sản xuất nước đá từ tủ lạnh tại nhà, khi ra ngoài nên dùng các loại đồ uống ướp lạnh, không nên sử dụng những loại nước được bỏ đá trực tiếp vào nhằm tránh nguy cơ ngộ độc từ nguồn nước đá không đảm bảo vệ sinh.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa (Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP)
Cú bứt tốc ngoạn mục vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường của VinFast đã truyền cảm hứng để ngày càng nhiều khách hàng tin tưởng, chuyển đổi sang xe điện...
Đón Black Friday, 800 điểm bán trên toàn quốc của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… thực hiện giảm giá từ 50% trở lên.