“Đỏ mắt” tìm giáo viên chuyên biệt

10/04/2024 - 06:15

PNO - Các trung tâm giáo dục đặc biệt, trường chuyên biệt đều đang chung tình trạng thiếu giáo viên được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành. Ở các lớp bình thường, phụ huynh có con cần được giáo dục can thiệp luôn khó khăn trong việc tìm giáo viên chuyên biệt “chuẩn” cho con mình.

Nhu cầu thực tế rất lớn

Chị N.Q.A. (quận Long Biên, TP Hà Nội) có con mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, thường làm việc riêng trong giờ học. Đầu năm học 2023-2024, bé lên lớp Hai, học ở trường bình thường, chị phải tìm giáo viên (GV) chuyên biệt để can thiệp 1-1, vào lớp ngồi học cùng, nhắc nhở để con biết việc cần làm trong giờ học và hướng dẫn con giao tiếp với các bạn. Chị cho biết: “Tôi không tìm được GV đúng chuyên ngành giáo dục đặc biệt, chỉ có GV các ngành khác đi học thêm mấy tháng lấy chứng chỉ rồi đi dạy. Nhiều khi phải chấp nhận nhờ GV đi kèm con với tính chất bảo mẫu hơn là GVcan thiệp”.

Thầy trò Trường khiếm thính Hải Phòng học tập trong  thư viện - ẢNH: M.T.
Thầy trò Trường khiếm thính Hải Phòng học tập trong thư viện - Ảnh: M.T.

Nhiều phụ huynh có con chậm nói, chậm phát triển, tự kỷ, tăng động… học ở trường bình thường cũng rất khó khăn trong việc tìm GV được đào tạo đúng chuyên ngành giáo dục đặc biệt để can thiệp 1-1 cho con. Kể cả GV ở nhiều trung tâm, phần lớn cũng từ ngành khác chuyển qua.

Năm học này, Trường nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng (TP Hải Phòng) có 13 lớp với 160 học sinh. Trong đó có 32 em khiếm thị, 128 em khuyết tật trí tuệ. Mỗi lớp có 14-15 em được xếp theo dạng khuyết tật và độ tuổi. Tuy nhiên, tỉ lệ GV của trường là 1,5 GV/lớp học - như tỉ lệ chung của trường tiểu học. Nhà trường cho biết, với trường chuyên biệt, tỉ lệ tối thiểu là 2-2,5 GV/lớp 10 học sinh mới bảo đảm được chất lượng dạy và học. Nhưng nhân lực ngành này rất hiếm nên khó mà đạt được tỉ lệ đó.

Kết quả một khảo sát do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT) thực hiện cho thấy, tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt, chỉ hơn 40% GV được đào tạo chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Phần lớn GV được đào tạo để dạy mầm non, tiểu học nên chủ yếu được các GV có nhiều năm dạy trong trường chuyên biệt truyền đạt lại kinh nghiệm.

Không chỉ các trường chuyên biệt, nhiều trung tâm giáo dục đặc biệt cũng phải thường xuyên tìm giáo viên. 2 đơn vị giáo dục đặc biệt khá nổi tiếng, có nhiều cơ sở ở Hà Nội và Nam Định đang tuyển 8 GV với mức lương từ 9-20 triệu đồng. Yêu cầu của các đơn vị này không chỉ là cử nhân ngành giáo dục đặc biệt mà “nới” sang sư phạm mầm non, sư phạm tiểu học, tâm lý, công tác xã hội… Thậm chí có đơn vị còn tuyển sinh viên năm 2-3 các ngành trên.

Cần cơ chế phù hợp, thu hút người học

Hiện cả nước có 3 cơ sở đào tạo giáo viên chuyên biệt: Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Trường đại học Sư phạm TPHCM và Trường đại học Thủ đô Hà Nội. Năm 2004, Trường đại học Quy Nhơn, Trường đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cũng mở ngành đào tạo đặc biệt này, song chỉ được vài năm thì phải tạm ngưng do không có giảng viên cơ hữu, chủ yếu phải mời giảng viên từ Trường đại học Sư phạm Hà Nội và Trường đại học Sư phạm TPHCM.

Tiến sĩ Đào Thị Thu Thủy - phụ trách ngành giáo dục đặc biệt, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường đại học Thủ đô - cho biết: Tại Hà Nội, riêng cấp tiểu học đang có hơn 1.000 học sinh học hòa nhập tại các trường, trong đó học sinh mắc chứng tự kỷ chiếm khoảng 80%. Song chương trình đào tạo hiện nay vẫn tập trung chủ yếu vào khiếm thính, khiếm thị. Tuy nhà trường đã cân bằng trong đẩy mạnh đào tạo GV dạy trẻ rối loạn phát triển, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật ngôn ngữ song chỉ tiêu hằng năm - dù tăng thì vẫn là số nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, đây là ngành giáo dục đặc biệt khó, vất vả, nên sinh viên chọn theo học cũng không nhiều. Sau 7 năm mở ngành, Trường đại học Thủ đô Hà Nội tuyển được 263 chỉ tiêu. Dự kiến năm 2024, trường tuyển 40 chỉ tiêu đối với ngành học này. Theo tiến sĩ Đào Thị Thu Thủy, dù nhu cầu xã hội khá lớn nhưng ngành sư phạm giáo dục đặc biệt chưa có vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp nên việc xin chỉ tiêu khá khó khăn. Sinh viên ngành này của trường cũng không được ngân sách thành phố hỗ trợ, từ năm học 2023-2024 không được hưởng hỗ trợ tiền học phí, sinh hoạt phí theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ đối với sinh viên sư phạm.

Tiến sĩ Hoàng Thị Nga - Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm TPHCM - cho biết: hiện chương trình đào tạo của trường cho phép người học lựa chọn học giáo dục đặc biệt theo bậc học mầm non hoặc giáo dục đặc biệt theo bậc tiểu học để chuyên môn tập trung hơn. Năm 2024, trường tuyển 60 chỉ tiêu ngành giáo dục đặc biệt. Bà cũng nhận định, số lượng GV giáo dục đặc biệt được đào tạo bài bản vẫn ít hơn nhu cầu thực tế.

Luật Người khuyết tật, chương 4, điều 28 nêu rõ: “Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật. Giáo dục bán hòa nhập và giáo dục chuyên biệt được thực hiện trong trường hợp chưa đủ điều kiện để người khuyết tật học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập”. Điều này phù hợp với xu hướng của thế giới, giáo dục hòa nhập để người khuyết tật có môi trường giáo dục ít hạn chế nhất.

Để phát triển nhóm nhân lực này phù hợp với mục tiêu của ngành giáo dục cũng như quy định tại Luật Người khuyết tật, một mặt cần những chính sách hỗ trợ sinh viên ngành giáo dục đặc biệt như với các ngành sư phạm khác, một mặt cần có vị trí việc làm của GV giáo dục đặc biệt trong nhà trường - bởi không GV mầm non, phổ thông nào có thể giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật tốt bằng GV chuyên biệt. Và quan trọng là để đảm bảo chất lượng cũng như số lượng GV chuyên biệt trong bối cảnh hiện nay.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI