Dở khóc dở cười khi mang thai ở tuổi làm bà

10/09/2024 - 12:23

PNO - Ở độ tuổi tiền mãn kinh, kinh nguyệt thất thường, nhiều phụ nữ chủ quan cho rằng mình không thể mang thai và bỏ qua các biện pháp tránh thai. Vì vậy không ít trường hợp mang thai ở độ tuổi có thể lên “chức” bà đã gây tâm lý mặc cảm, nhiều rủi ro cho mẹ và bé.

Bà nội bất ngờ… có thai
Mới đây, bà P.T.Đ. - 50 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình - tới bệnh việm khám vì bị rong huyết. Bà kể với bác sĩ rằng kinh nguyệt của mình rất thưa, lúc có lúc không, nhưng 2 tuần nay lại bị rong huyết. Khi cho bệnh nhân thử thai bằng que test nhanh và siêu âm, bác sĩ phát hiện bà Đ. đã mang thai 5 tuần. Tình trạng rong huyết là do bà bị động thai. Nghe tin này, bà Đ. choáng váng, bởi không nghĩ ở tuổi này mình lại mang thai được. Bà bối rối nói với bác sĩ rằng mình đã có cháu nội. Bây giờ, bà nội lại sinh em bé thì rất kỳ. Chính vì vậy, bà mong muốn được bỏ thai.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Bích Hường - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Lê Văn Thịnh - đang tư vấn về thai sản cho một phụ nữ lớn tuổi - ẢNH: H.L.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Bích Hường - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Lê Văn Thịnh - đang tư vấn về thai sản cho một phụ nữ lớn tuổi - Ảnh: H.L.

Bà N.T.D. - 52 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú - đi bệnh viện khám vì thấy khó chịu trong người như bị cảm, hơi đau bụng dưới, trì bụng. Khám xong, bà nhận được tin "sét đánh ngay tai’’: bà đã mang thai 7 tuần. Bà D. nài nỉ bác sĩ cho mình bỏ thai bởi đã có 2 cháu nội, 1 cháu ngoại. Tuy nhiên, bác sĩ thấy bà đang bị tăng huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường và đang uống thuốc chống đông máu do bệnh tim mạch, nếu can thiệp bỏ thai sẽ rất nguy hiểm. Nhưng nếu để sinh em bé thì đứa trẻ cũng đối diện với nhiều nguy cơ. Bà D. rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan chỉ vì chủ quan không áp dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ vợ chồng.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng ghi nhận các trường hợp dở khóc dở cười khi mang thai ở độ tuổi sắp lên bà. Điển hình như bà N.T.S. - 50 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức - có triệu chứng buồn nôn, khó chịu, lo lắng nên đi khám. Không ngờ, bà lại nhận tin mình đã có thai. Bà phân trần với bác sĩ rằng 5 tháng nay không thấy kinh nguyệt, tưởng đã mãn kinh.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Bích Hường - Trưởng khoa Phụ sản của bệnh viện - cho biết, 1 năm không thấy kinh nguyệt thì mới chắc chắn là mãn kinh. Thai nhi của bà S. đã 8 tuần tuổi, sức khỏe lại yếu nên chồng bà động viên giữ lại em bé. Bà ngại ngùng cho biết con dâu cũng đang mang thai. Như vậy, mẹ chồng và con dâu cùng lâm bồn cách nhau chỉ vài tháng.

Nhiều rủi ro

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm - Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM - cho biết, ở độ tuổi trên 40, khả năng sinh sản của phụ nữ giảm sút. Kinh nguyệt của phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh không đều, có khi vài tháng không xuất hiện hoặc có nhưng rất ít nên khó theo dõi. Mặt khác, nếu mắc một số bệnh thường gặp trong độ tuổi trung niên thì chống chỉ định với thuốc tránh thai. Vì thế, nhiều phụ nữ lớn tuổi phải lệ thuộc vào các biện pháp tránh thai của nam giới, khiến tỉ lệ tránh thai thất bại cũng cao hơn.

Những nguyên nhân kể trên khiến phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh rất dễ mang thai ngoài ý muốn, thậm chí khi mang thai không phát hiện ngay. Có thai ở độ tuổi con cháu đã đề huề, 90% họ không muốn giữ lại thai. Tuy nhiên, nhiều người do tình trạng sức khỏe không cho phép bỏ thai hoặc thai đã lớn nên phải giữ lại và sinh em bé.

Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh chớ nên chủ quan, cần thực hiện biện pháp tránh thai khi sinh hoạt vợ chồng. Việc mang thai ở độ tuổi có thể lên “chức’’ bà khiến người phụ nữ phải đối diện với nguy hiểm. Sự suy giảm chức năng buồng trứng và các thay đổi nội tiết tố đặc trưng của giai đoạn này làm tăng nguy cơ các biến chứng như cao huyết áp thai kỳ, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, nhau tiền đạo, nhau bám màng, băng huyết khi sinh do tử cung bị đờ. Các triệu chứng tiền mãn kinh như nóng bừng, mất ngủ, thay đổi tâm trạng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu.

Phụ nữ lớn tuổi mang thai còn dễ bị sinh non, nguy cơ phải sinh mổ cao hơn so với người trong độ tuổi sinh sản. Tuổi cao cũng làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi, đặc biệt là hội chứng Down.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI