PNO - Sau một năm học hành, mùa hè ở quê ngoại, quê nội cho các con cơ hội để con thêm gắn kết với ông bà, cô chú, cậu dì…Thế nhưng, không ít chuyện dở khóc, dở cười khiến mùa hè của trẻ mất vui, ông bà phiền não…
Về quê ngoại chưa hết ngày thứ ba, Vy gọi điện cho mẹ trong tiếng nấc: “Mẹ xuống đón con về liền, con không ở với ngoại nữa. Ngoại không thương con…”. Tiếp ngay sau cuộc điện thoại của Vy là điện thoại của ngoại gọi mắng vốn: “Coi về rước bé Vy lên trển. Tao không biết bay dạy con sao, chớ cái kiểu trả lời tay đôi với người lớn vậy coi không đặng”.
Mùa hè ở quê ngoại của mẹ con diễn viên Hạnh Thúy
Té ra mâu thuẫn giữa ngoại và Vy bắt nguồn từ những sự khác biệt. Thấy cháu ngoại tuổi teen mặc quần short chạy chơi với đám con trai, ngoại kêu giật ngược bắt Vy phải thay. Vy nói: “Ở Sài Gòn con toàn mặc vầy, có sao đâu” càng làm ngoại thêm bực mình, nhất định không cho Vy ra khỏi cổng nếu còn mặc quần đùi. Nghe ngoại kêu cái quần short của mình là quần đùi, Vy ấm ức lắm nên ráng giải thích cho ngoại hiểu cái quần short với cái quần đùi khác nhau thế nào. Tưởng giải thích vậy ngoại thông, ai dè ngoại quạu gấp đôi. Ngoại phán một câu xanh rờn: “Khác nhau chỗ nào ngoại không biết, cái quần ngắn trên đùi thì là quần đùi chớ không có... xọt xẹt gì ráo trọi. Con gái mà mặc quần đùi chạy nhông nhông là con gái hư”.
Vy vốn cá tính, ở nhà lại được ba mẹ cho phép đối thoại nên kiên quyết bảo vệ quan điểm short - đùi không thể giống nhau và không phải cứ mặc quần short là không ngoan. Càng cố gắng bảo vệ quan điểm của mình, Vy càng trở nên hư hỏng, ngỗ nghịch trong mắt ngoại, vì từ trước tới nay ngoại có một nguyên tắc: người lớn nói, con nít không được cãi. “Trứng không bao giờ khôn hơn vịt”. Từ mẹ Vy tới các cậu dì, rồi anh em họ của Vy ở quê, không ai dám hé nửa lời khi bị ngoại la. Vậy mà Vy còn dám “dạy” lại ngoại chuyện quần short, quần đùi khác nhau.
Thuyết phục mấy Vy cũng không chịu ở lại. Dắt con đi trên con đường nhỏ ra khỏi cái cổng rào mà mẹ Vy nghe lòng nặng trĩu. Ngoại vẫn giận, nhưng đôi mắt buồn thiu nhìn cháu vô phòng xách giỏ về Sài Gòn. Còn Vy, vừa đi khỏi cổng một đoạn đường ngắn đã mếu máo: “Mai mốt con không về quê một mình nữa đâu”.
Chuyện của anh em Bun
Chưa nghỉ hè, Bun và em đã hỏi ba mẹ ngày về quê và cứ đếm từng ngày, mong nhanh được về thăm ngoại. Anh em Bun vui mừng bao nhiêu thì ba mẹ Bun rầu bấy nhiêu. Không phải vì ba mẹ không muốn cho anh em Bun về thăm ngoại mà vì lần nào cũng vậy, cứ sau một đợt về quê nghỉ hè, khi anh em Bun trở lại thành phố là ba mẹ phải “lập lại trật tự”. Một năm trời rèn cho anh em Bun tính tự lập, ăn ngủ, sinh hoạt đúng giờ. Mọi việc đi vào nền nếp chưa lâu thì những ngày hè ở quê phá banh tất cả.
Diễn viên Hạnh Thúy và các con đã có những mùa quê ngoại đầy nắng
Sau đợt nghỉ hè về quê, ba mẹ Bun sợ nhất việc gọi anh em Bun dậy đi học. Hò hét, nắm tay, lôi chân mà đánh răng xong cả hai vẫn chưa hết “say ke”. Đi học về, quần áo thay ra quăng la liệt. Tới bữa cơm, hai đứa đã không phụ mẹ thì chớ, ăn xong cứ len lén ngó khi ba mẹ không để ý là chuồn lên phòng thiệt nhanh, để khỏi dọn rửa.
Tật lười biếng, ỉ lại và sinh hoạt không giờ giấc của hai anh em Bun do ngoại và cậu Tư, dì Út cưng chiều mà tạo nên. Anh em Bun giống như “cục kim cương” của cả nhà ngoại, cứ muốn gì là được nấy. Hai đứa lại là dân Sài Gòn, ăn nói lanh lợi hơn tụi trẻ con đồng lứa ở quê nên ngoại càng cưng. Hai đứa muốn gì là được đó, chỉ biết ăn, chơi và được phục vụ mọi thứ đến tận răng. Về Sài Gòn, hai đứa thành hai cậu công tử miệt vườn. Không chỉ ba mẹ Bun rầu lòng mà chính hai đứa cũng khổ sở khi không thể nào vào nền nếp.
Để mùa hè quê vui thiệt vui
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm - Giám đốc Công ty Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, chuyện của Vy và anh em Bun không phải là cá biệt. Khoảng cách thế hệ, sự khác biệt trong suy nghĩ, nếp sinh hoạt giữa thành thị, nông thôn dễ trở thành nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa ba thế hệ khi cho trẻ về quê. “Không thể nghĩ cho con về nhà nội, ngoại cũng như cho con về nhà mà quên chuẩn bị cho cả đôi bên những “kỹ năng”, tâm lý cần thiết để dung hòa những sự khác biệt và chung sống cùng nhau”- bà Tâm nói.
Ba mẹ nên cho trẻ biết nếp sống, cách nghĩ của ông bà. Cho trẻ biết những nguyên tắc trẻ cần phải tuân theo mà không thể trông chờ sự can thiệp của ba mẹ. Trẻ cần được dạy đừng quá câu nệ rằng, điều đó đúng hay sai mà hãy cố gắng chiều ông bà để ông bà vui vì ông bà đã lớn tuổi và các con cũng không có nhiều thời gian chung sống với ông bà.
Trẻ cũng cần hiểu hơn ý nghĩa của chuyến nghỉ hè. Đó không đơn thuần chỉ là một chuyến về quê để trải nghiệm những điều khác biệt, được tham gia những trò chơi chỉ có ở quê, mà trẻ còn mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho ông bà; là lúc trẻ được thể hiện tình thương và lòng hiếu thảo với ông bà.
Ở phía ngược lại, ông bà cũng cần được làm công tác tư tưởng để hiểu hơn suy nghĩ, tính cách, cá tính của các cháu. Ba mẹ nên giải thích để ông bà hình dung ít nhiều sự khác biệt giữa ông bà và các cháu do khoảng cách thế hệ và sự khác biệt giữa hai nếp sống ở thành thị và nông thôn. Cha mẹ cũng nên đặt ra những khó khăn có thể xảy ra và mong ông bà thông cảm.
Bà Tâm nói: “Khi đã hiểu rõ những sự khác biệt và “chấp nhận” nhau thì hai bên sẽ tự tìm cách để dung hòa. Nhưng nếu không tìm được sự đồng thuận từ cả hai phía, ba mẹ cần cân nhắc trước khi cho con ở quê với ông bà mà không có ba mẹ, vì như vậy khó có thể mang lại niềm vui cho cả ông bà lẫn cho trẻ. Thậm chí nhiều khả năng chỉ mang lại sự phiền não cho cả ông bà lẫn con cháu”.
Thường xuyên cho con về ngoại, diễn viên Hạnh Thúy cũng chia sẻ: “Biết ông bà ngoại rất cưng cháu nên mỗi lần cho con về quê, tôi luôn luôn dặn ba mẹ cho các cháu làm những việc mà các con đã có thể làm theo lứa tuổi và ba mẹ cảm thấy việc đó là an toàn. Tôi vẽ cho ông bà thấy viễn cảnh nếu ba mẹ làm mọi việc cho cháu thì cháu sẽ mất khả năng tự lập khi về với mẹ và khi đó cuộc sống của con cháu ông bà sẽ bị đảo lộn. May mắn ông bà và các cháu luôn luôn “hợp tác” nên mỗi chuyến về quê của các con tôi luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc”.