Đổi vai

30/07/2014 - 16:29

PNO - PN - Căn nhà tù mù ánh điện giữa ban ngày. Chị ngồi sâu bên trong, một tay thoăn thoắt làm đồ thủ công, tay kia vói lại chiếc võng bên cạnh, đong đưa. Nằm im lìm trên võng là một cụ già ngoài 80, đang say ngủ. Hình ảnh quen thuộc ấy...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dỏi vai

Chốc chốc, người mẹ lại gắng đưa tay lên, mò mẫm lần tìm rồi nắm lấy tay con gái

Một và tất cả

53 tuổi, không chồng con, chị Nguyễn Thị Liên sống với mẹ. Từ thuở thiếu nữ, bao bận tình duyên tìm đến chị đều gạt đi, vì “còn phải lo cho má”. Trước đây, chị làm công nhân, mẹ ở nhà lo cơm nước, nhà cửa. Lương tháng bao nhiêu, chị đem hết về cho mẹ. Mẹ chị, bà Nguyễn Thị Út, thường xuyên đau yếu, bệnh tật. Sau một lần té ngã, bà Út không đi lại được vì khớp háng bên phải không thể phục hồi. Ban ngày đi làm, ban đêm về chăm mẹ, riết rồi, mỗi lần thấy chị, xóm giềng chẳng ai nỡ nhắc chuyện chồng con.

Khoảng bảy năm trước, chị theo công ty chuyển xuống Long An làm việc. Lúc hàng xóm gọi điện báo mẹ bị té lần nữa, chị Liên ùa chạy vào bệnh viện. Cú ngã nặng làm bà Út bị trật thêm khớp háng bên trái. Bác sĩ cho rằng khả năng bình phục sau phẫu thuật là rất thấp, bởi tuổi của cụ đã cao. Khoản tiền ít ỏi gom góp từ những người hàng xóm tốt bụng vẫn không thấm tháp gì so với chi phí phẫu thuật. Bế tắc, chị đánh liều thủ thỉ với mẹ, xin bán căn nhà hai mẹ con đang ở. Bà Út nằm trên giường bệnh, ngớt tiếng rên la, kiên quyết: “Đừng nói chi đôi chân, kể cả tính mạng này má cũng đổi để giữ cái nhà bà ngoại để lại, cho con còn sống đoạn đời sau này”. Bác sĩ cũng không đồng ý phẫu thuật vì rủi ro quá cao. Chuyện phẫu thuật, chuyện bán nhà đều gác lại; bà Út xuất viện trong tình trạng chỉ có thể nằm một chỗ. Chị Liên nghỉ việc để chăm lo cho mẹ.

“Hai mẹ con ấy hạnh phúc lắm”

Nhìn người mẹ gầy rộp, nằm co quắp trên giường và cô con gái tất tả lau dọn dưới sàn nhà, hàng xóm đùa, “khổ vầy chớ hai mẹ con hạnh phúc lắm, cứ làm nũng rồi tự dỗ dành nhau suốt”. Chị Liên mỉm cười, khoe, mẹ chị hầu như không cử động được, mỗi ngày chỉ nói được vài ba câu, nhưng… làm nũng “số dách”. Mỗi lần mở mắt ra, không thấy con gái ở bên, bà lại rò rè cất giọng: “Liên ơi, Liên à! Con bỏ má con đi rồi hả?”. Nghe thế, chị phải nhanh chân chạy đến nắm tay, vỗ về; chậm chân một tí là bà dỗi cả ngày, không chịu ăn uống…

Chị Phạm Thị Huệ, cùng xóm với chị Liên chia sẻ: “Nếu không nhờ cô Liên chăm từng chút, chắc bà đi lâu rồi”. Nuôi mẹ nằm liệt hai năm mà cơ thể không có một vết lở loét, “bí quyết” của chị rất đơn giản, cứ 30 phút lại trở người, lau sạch sẽ cho mẹ. Mỗi hai tiếng đồng hồ, chị lại ẵm mẹ lên võng nằm để thay đổi tư thế, rồi khẽ đưa võng cho bà ngủ.

Dỏi vai

Công việc hàng ngày của chị Liên

Tạo điều kiện cho chị Liên kiếm tiền, người hàng xóm cho chị nhận khóa áo mưa về làm. Mấy ký hàng, người khác làm non một ngày là xong, nhưng có khi chị Liên phải làm trong nửa tháng, vì chốc chốc mẹ chị lại tỉnh dậy tìm con. Những ngày thời tiết dễ chịu, mẹ không đau nhiều, chị lại đi phụ việc nhà kiếm tiền. Nhưng, dù làm gì, nhiều nhất là hai tiếng một lần chị phải chạy về, trở mình, lau người, vỗ về mẹ. Mức thu nhập ít ỏi từ những công việc vụn vặt ấy chỉ đủ để mua cho mẹ chút thịt và trả tiền mắm muối nợ gối đầu ở tiệm tạp hóa. Ngày hai bữa, chị sang ăn nhờ cơm từ thiện do người hàng xóm nhận ở chùa. Mà, cứ độ một tháng, mẹ lại “dọa” chị một lần. Xương khớp bị tổn thương, cơ thể yếu ớt, chỉ cần một cơn ho cũng có thể lấy đi tính mạng của bà. Mới đây, cơn ho lại đến giữa đêm khuya khiến vết thương đau đớn, hơi thở đứt quãng; bà Út toàn thân tím ngắt, níu áo con gái, thoi thóp nói mấy lời trăng trối. Nhìn ngoài trời tối om, trong túi không có lấy một đồng, chị Liên càng sợ hãi, tuyệt vọng. May có người hàng xóm nghe tiếng khóc rấm rứt của chị, chạy sang giúp đưa bà cụ ra đường bắt taxi lên bệnh viện.

Chị nói: “Nhiều lúc tôi nghĩ, cuộc sống chật vật như thế là đã tận cùng khổ sở, nhưng mỗi lần có thêm biến cố, mới hay mình vẫn còn nhiều điều cần phải quý”. Năm ngoái, thấy lưng thường xuyên đau buốt, chân phải cũng nặng nề, chị đi khám thì phát hiện mình bị thần kinh tọa. Nghe bác sĩ cảnh báo nguy cơ bại liệt nếu không chữa chạy, lại nghĩ cảnh hai mẹ con cùng nằm xuống, không ai chăm lo, chị ôm mặt khóc. Từ bệnh viện về, ngang cầu Phạm Hùng, chị trầm ngâm đứng đó rất lâu. Nhưng ý định quyên sinh rồi cũng dẹp bỏ khi nghĩ đến người mẹ đang mong ngóng mình, chị vội vã chạy về. Hiện tại, bệnh tình có dấu hiệu nặng thêm, cơ hội chạy chữa gần như không có, nhưng tinh thần chị Liên đã lạc quan trở lại. Chị nói như tự an ủi mình: “Má còn thì tôi còn sống được”.

Chỉ cần nán lại ngôi nhà này vài phút, người ta đã dễ dàng chứng kiến niềm hạnh phúc của mẹ con chị Liên. Nằm im lìm bên cạnh như không hay biết về cuộc trò chuyện của chúng tôi, nhưng chốc chốc, bà Út lại gắng đưa tay lên, mò mẫm lần tìm rồi nắm lấy tay con gái. Hàng xóm bảo, tại má bệnh hoài nên nó hổng chịu lấy chồng, chứ thiếu gì người thương. Chị phẩy tay, đính chính: “Có đâu, má còn nằm đây là phước lắm rồi…”. Nằm bên cạnh, mẹ chị bật khóc, nước mắt tràn theo những nếp nhăn, gương mặt gầy càng thêm rúm ró...

Nhìn chị lúc này, tôi chợt thấm thía câu nói đầu tiên chị trả lời tôi khi được hỏi về hoàn cảnh của mình: “Lúc nhỏ má chăm tôi biết bao nhiêu, lúc cuối đời, má còn nán lại cho tôi chăm nom là đã may cho tôi lắm”. Vậy mà, cuộc đổi vai này, niềm may mắn này, biết bao người con giàu sang hơn chị, vẫn chối bỏ mỗi ngày...

 Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI