Mua của người chán, bán cho người cần
Biết tôi đang định sắm vài món nội thất gỗ có dáng dấp xưa với giá cả phải chăng nhưng lại “sang chảnh”, một người bạn đã giới thiệu tiệm Huy Cường, đến đó tìm gì cũng có.
Nằm ở một góc khuất trên đường Trần Não (Q.2, TP.HCM), nhưng tiệm Huy Cường suốt ngày vang lên những tiếng đục đẽo. Trong căn nhà dài rộng, thiếu sáng bụi bay mù như sương, những bộ bàn, ghế, tủ, bàn thờ, kệ ti vi, sập gụ tủ chè, câu đối đại tự... xếp san sát chật cả lối vào.
Khách đến đây có người như tôi - mua để dùng trong nhà; có người dùng trang trí quán cà phê, nhà hàng cho lạ; có người muốn tìm đồ xưa độc lạ làm quà biếu… Lại có những người đến chỉ vì cái thú ngắm đồ cổ, xem cho… đã ghiền.
|
Những món đồ gỗ tại tiệm Huy Cường. |
Ở TP.HCM, Huy Cường là một địa chỉ quen thuộc của những người thích đồ gỗ xưa, từ những nhà kinh doanh sộp cho tới người hành nghề buôn bán nhỏ. Đây vừa là nơi trưng bày để phục vụ thú thưởng lãm của những người yêu đồ gỗ; vừa là nơi thu mua đồ gỗ xưa về “thổi hồn” lại bán cho khách có nhu cầu.
|
Một chiếc xe thồ đang chờ chủ mới. |
Trên đường Bùi Thị Xuân, đoạn cắt ngã tư Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) hiện có một khu chợ “đồ gỗ... xi-cân-hen”, với hơn 30 hộ chuyên kinh doanh đồ gỗ gia dụng đã qua sử dụng.
Chị Thu, một người buôn bán đồ gỗ kỳ cựu ở đây cho biết: “Sau năm 1975, cuộc sống khó khăn, nhiều gia đình phải bán tháo đồ gỗ trong nhà để chi tiêu cho sinh hoạt; chúng tôi thu mua rồi bán lại cho người cần. Mua qua bán lại cũng “sống được” nên theo nghề đến giờ”.
Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn nghe tiếng rao: “Mua bàn cây, tủ cây, giường cây…” len lỏi trong những khu xóm - đó là đội quân chuyên thu mua đồ gỗ cũ. Họ luồn vào từng ngõ hẻm ở TP.HCM, đến cả các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long… để săn lùng đồ gỗ cũ. Nghe đồn, từng có nhiều “lái” trúng đậm do mua được những món thuộc dạng quý hiếm với giá hời.
|
Tân trang một chiếc rương gỗ cũ. |
Có nhiều nguyên nhân khiến người chơi đến với các loại đồ gỗ xưa. Có người nhiều tiền muốn sở hữu những món hàng “độc”. Có người vì thú sưu tầm, mua về chỉ để rảnh rỗi ngắm cho vui. Nhiều người từng có một thời gắn bó với những loại đồ gỗ, vì nhiều lý do mà mất đi, nên muốn tìm lại để lưu dấu kỷ niệm xưa.
Chị Kim Anh (nhân viên ngân hàng ở Q.1) tâm sự: “Gia đình tôi ở miền Bắc, tuổi thơ tôi gắn với những cái bàn, cái tủ cổ kính. Cái bàn xưa là nơi tôi chong đèn học bài có nhiều kỷ niệm, nên tôi mua về để chưng trong phòng làm việc. Thỉnh thoảng nhìn chiếc bàn tôi lại thấy tuổi thơ ùa về...”.
|
Khu chợ đồ gỗ xưa trên đường Bùi Thị Xuân (Q.Tân Bình). |
Hàng xưa nhưng vẫn “mốt”
Ngày nay, đã qua cái thời đồ gỗ cũ bán không ai mua phải thuê người chở đi vứt bỏ hoặc cho làm củi. Giờ nếu có đồ gỗ cũ muốn thay mới, người chủ chỉ cần gọi điện đến các cửa hàng đồ cũ, lập tức sẽ có người đến xem hàng, ra giá, trả tiền ngay và tự thuê phương tiện chở đi.
Giá của mặt hàng này cũng rất đặc biệt, người chủ bán đồ cũ nhưng có thể được giá tương đương 50-70% giá trị của mặt hàng.
“Bây giờ tìm mua đồ gỗ xưa khó lắm. Ai muốn mua phải đặt hàng trước. May mắn sở hữu được một bộ đồ xưa ngon lành mới xứng là dân có đẳng cấp” - anh Nguyễn Văn Hà, chủ cơ sở mua bán đồ gỗ cũ Hà trên đường Phan Huy Ích (Q.12) nói. Anh cho biết, tiệm của anh hiếm khi có hàng nằm sẵn, phần lớn là khách đặt hàng trước, chờ nghe báo có hàng là đến lấy ngay.
Nhiều năm trong nghề “săn” đồ gỗ xưa, anh Võ Văn Tư (ngụ Q.Bình Tân) cho biết, sở dĩ đồ gỗ xưa “sống” được là do người sử dụng đã ngán đồ hiện đại, dù là hàng nhập, dù mẫu mã đa dạng, nhưng chất lượng thì thua xa đồ gỗ cũ.
“Nhiều khách hàng từng phàn nàn với tôi, mấy loại đồ mới bây giờ kiểu gì cũng có, nhưng xài vài năm là xuống cấp, lỗi thời, lại phải thay. Chi bằng mua mấy bộ bàn ghế xưa, xài bền mà chẳng bao giờ lỗi thời” - anh Tư kể.
Các loại đồ gỗ xưa thường làm bằng những loại gỗ rất tốt như lim, gụ, sến, lát hoa... đã có tuổi đời khoảng 30-40 năm, thậm chí có món gần cả trăm năm. Hoa văn họa tiết được chạm trổ công phu, tinh xảo, khác xa đồ gỗ hiện đại và khó có thể “copy” về kiểu dáng. Vì thế, mỗi món đồ đều có cái hồn, cái dáng riêng biệt.
Anh Bùi Ngọc Thạch - thợ chuyên tân trang đồ gỗ cũ chia sẻ, công đoạn chà nhám trước khi làm mới đồ cũ rất quan trọng; nếu thợ non tay nghề, thiếu kinh nghiệm, chà nhám không sạch và nhẵn màu cũ của gỗ thì những khâu “mông má” tiếp theo coi như công cốc.
Sau khi chà nhám bằng nước, mặt của chiếc tủ phẳng lỳ không tỳ vết, màu cũ cũng không còn nữa, nhưng những vết nứt sẽ lộ rõ. Lúc này, người thợ tỉ mỉ dùng mạt cưa (loại mịn nhất) trám vào những vết nứt rồi nhỏ từng giọt keo 502 vào. Đợi keo khô, họ lại chà nhám bằng nước để làm nhẵn bề mặt vừa trét kín. Nước sơn cũng là khâu cực kỳ quan trọng trong việc làm mới đồ gỗ cũ. Không thể phủ sơn PU đang phổ biến, mà phải dùng đúng loại vec-ni của thời trước.
“Quá trình làm “áo” cho sản phẩm đơn giản nhưng quan trọng nhất là phải biết pha vẹc-ni cho phù hợp với màu gỗ” - anh Thạch nói. Người thợ sẽ dùng một nhúm bông gòn to thấm vẹc-ni, chậm vào bột đá rồi đánh thật đều lên bề mặt tủ; đánh đến đâu là màu gỗ nguyên bản của chiếc tủ được phục hồi đến đó.
Đôi khi việc “mông má” trở nên vô cùng phức tạp khi cái bàn, cái tủ... thiếu đi một chân hay mất hẳn một cánh cửa... Việc tìm loại gỗ phù hợp để thay thế là rất khó khăn; có trường hợp không tìm ra, phải thay bằng một loại gỗ có vân tương tự để giữ cho được giá trị của sản phẩm.
Không chỉ làm mới đồ gỗ cũ, người thợ còn cẩn vỏ ốc, vỏ trai lên mặt gỗ theo đúng “mốt” ngày xưa. Những chiếc tủ thờ hay bộ bàn ghế làm từ các loại gỗ tốt như cẩm lai, gõ mật, đinh hương, vàng tâm... sau khi cẩn sẽ trở nên sang trọng và giá trị hơn.
Theo ông Lê Xuân Thành (80 tuổi) - một người sành đồ gỗ xưa, nét khác biệt ở đồ cổ và giả cổ là nét mộc. Nét mộc ngày xưa làm thủ công toàn bộ, các chi tiết không đều nhau nhưng rất sắc sảo, còn nét mộc ngày nay thì đều tăm tắp nhưng không thể đẹp bằng. Đồ gỗ cổ còn dùng kỹ thuật “đóng mộng”, tối kỵ đóng đinh, bắt vít…
“Hầu hết gỗ xưa đều được phơi nắng kỹ nên độ bền rất lớn, lại làm từ gỗ quý nên không bị mối mọt. Bàn ghế ngày nay đa số làm bằng ván ép và gỗ dán, độ bền thấp, chưa kể gặp nước rất dễ bong tróc” - ông Thành phân tích.
Phúc Hưng