Đồ gia dụng làm từ tre, bã cà phê... gây chú ý tại ngày hội tái chế

09/11/2024 - 14:32

PNO - Ngày hội Việt Nam Xanh quy tụ hàng loạt "ông lớn" là các doanh nghiệp đa ngành nghề cùng giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế tái sử dụng, do báo Tuổi Trẻ cùng các đơn vị tổ chức đã khai mạc sáng 9/11 tại Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1, TPHCM.

Ngày hội thu hút 60 doanh nghiệp, thương hiệu tham gia trưng bày, giới thiệu những sản phẩm/ giải pháp xanh với mục tiêu mang đến cơ hội trải nghiệm, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn, tái chế… và đặc biệt là thúc đẩy sản xuất xanh, tiêu dùng xanh.

Sản phẩm xanh tái chế thu hút khách tham quan
Sản phẩm xanh làm từ các nguyên liệu tái chế thu hút khách tham quan tại Ngày hội Việt Nam Xanh

Sản phẩm làm từ tre bản địa
Các sản phẩm bình nước, ly uống nước, bút bi, muỗng, sách... làm từ tre bản địa được giới thiệu tại ngày hội

Tham gia ngày hội, chị Ngô Mai Trang (quận Bình Thạnh) bày tỏ sự bất ngờ khi biết những sản phẩm độc đáo và hữu dụng trong cuộc sống lại làm từ những vật liệu tưởng chừng như bỏ đi như bã cà phê, các chai nhựa, hộp nhựa… với một quy trình tái chế đặc biệt để mang lại một vòng đời mới cho các sản phẩm trong nền kinh tế tuần hoàn.

Đại biểu trải nghiệm quy trình tái chế
Đại biểu trải nghiệm quy trình tái chế vó chai tại ngày hội

Phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội Việt Nam xanh, ông Huỳnh Thanh Nhân - Phó chủ tịch HĐND TPHCM - cho biết: TPHCM đối mặt với vấn đề nhức nhối là rác thải nhựa, biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên… Đây cũng là những vấn đề toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực ứng phó của từng địa phương, quốc gia cũng như sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng quốc tế. TPHCM đã xác định mục tiêu phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Vì thế lãnh đạo thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường bởi đây là lĩnh vực bao trùm lên mọi hoạt động kinh tế - xã hội của TPHCM.

Do đó, từ nay đến 2030, TPHCM sẽ triển khai 5 nhóm giải pháp tiếp tục ngăn chặn xu hướng tái ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện chất lượng môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Một số giải pháp phải kể tới như tăng cường vai trò của truyền thông trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các ngành nghề đầu tư trong lĩnh vực môi trường; nâng cao năng lực quản lý, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng phó với biến đổi khí hậu…

36 đội tranh tài vòng chung kết “Khởi nghiệp Xanh - Phát triển bền vững”

Cuộc thi Ý tưởng/ dự án “Khởi nghiệp Xanh - Phát triển bền vững” lần thứ 10 năm 2024 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp - BSA phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức sáng ngày 9/11 tại Hội trường Thống nhất, quận 1, TPHCM.

Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Giám đốc BSA, cuộc thi năm nay có 12 ý tưởng và 24 dự án đến từ 26 tỉnh, thành trên khắp cả nước, trong đó có nhiều bạn trẻ, thanh niên nông thôn là đồng bào các dân tộc Dao, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái, Raglai… tham gia với các dự án từ tài nguyên bản địa quê mình.

Sản phẩm từ xương rồng

Các sản phẩm trà được chế biến từ xương rồng của Công ty TNHH Xương Rồng Việt Nam (Phú Yên) thu hút sự chú ý của khách tham quan

Sau 10 năm tổ chức, cuộc thi đã có 2.300 thí sinh đến dự, trong đó có đến 1.600 dự án. Các ý tưởng, dự án tham dự cuộc thi mỗi năm sẽ góp phần bổ sung, mở rộng, làm mạnh thêm, đa dạng thêm cộng đồng doanh nông khởi nghiệp.

Theo quan sát của phóng viên, những ý tưởng/ dự án tham gia tranh tài năm nay khá độc đáo, chẳng hạn dự án "Than hoạt tính, bột đánh răng từ than hoạt tính, túi khử mùi" của anh Thông Long (người dân tộc Raglay ở thôn Tân Quang, xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) cùng cộng sự. Sản phẩm sản xuất từ tài nguyên bản địa, đã ra mắt 4 tháng, bán với giá 20.000 đồng/sản phẩm và đã có được nguồn khách quen, khách du lịch đến thăm địa phương.

Một dự án cũng khá độc đáo khác là “Thực phẩm từ xương rồng - Leafking - Tái sinh nguồn sống” của Công ty TNHH Xương Rồng Việt Nam (Phú Yên). Xương rồng có hàm lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất cao, từ lâu đã được biết đến với nhiều lợi ích sức khỏe. "Chúng tôi đã tận dụng tối đa những ưu điểm của loại cây này để tạo ra các sản phẩm đa dạng như nước uống xương rồng, trà xương rồng túi lọc…” - đại diện của đơn vị này cho biết.

Cuộc thi Ý tưởng/ dự án “Khởi nghiệp Xanh - Phát triển bền vững” có tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 967 triệu đồng, trong đó 222 triệu đồng tiền mặt cho các ý tưởng/dự án đạt giải ở cả 2 bảng A - B.

Bên cạnh đó, tương ứng với những giải đạt được, các ý tưởng/dự án còn có thêm cơ hội tham gia Hội chợ quốc tế có liên quan đến nông nghiệp - công nghệ thực phẩm cùng Trung tâm BSA; Tham gia các lớp học nâng cao kiến thức về phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, thực hành tiêu chuẩn; tham gia kỳ study tour trong nước (học thực tế tại doanh nghiệp, nông trường, trang trại có chuyên gia huấn luyện trong 2-3 ngày); Các phiếu mua vật tư nông nghiệp; tham gia Phiên chợ Khởi nghiệp xanh; thực hiện các clip truyền thông ngắn giới thiệu doanh nghiệp…

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI