Đo đường huyết bằng đồng hồ đeo tay: Có đáng tin cậy?

14/01/2025 - 06:06

PNO - Trong các hội nhóm người bệnh đái tháo đường trên mạng xã hội đang có rất nhiều quảng cáo về thiết bị đồng hồ đo đường huyết có khả năng đọc chính xác nồng độ đường mà không cần lấy máu. Sự thực có đúng như vậy?

Đường máu cao, đồng hồ báo thấp

Điều trị đái tháo đường type 2 gần 5 năm, mỗi ngày chị P.T.N.H. (42 tuổi, ở quận 3, TPHCM) đều phải chích máu ở đầu ngón tay để kiểm tra đường huyết. Khoảng 2 tháng trước, lướt Facebook, chị vô tình thấy quảng cáo về đồng hồ đeo tay có thể đo đường huyết mà không cần lấy máu. Liên hệ với người bán, chị được cho biết ngoài đo đường, đồng hồ còn đo được chỉ số tim mạch, huyết áp. Chị H. kể: “Nhiều bình luận nói chỉ số trên đồng hồ rất chính xác mà không cần phải chích máu để đo. Giá chỉ khoảng 5 triệu đồng, đồng hồ xuất xứ từ Nhật Bản nên tôi khá yên tâm”.

Khoảng 1 tuần đầu, chị H. vừa chích máu đo, vừa xem chỉ số đồng hồ, kết quả chênh lệch chỉ 0,5 - 1mmol/L nên chị yên tâm sử dụng. Từ tuần thứ hai trở đi, chị ngưng lấy máu ở đầu ngón tay, chỉ dùng đồng hồ đeo tay theo dõi. Cho tới khi chị liên tục thấy hụt hơi, mệt mỏi, tim đập nhanh…, phải đến bệnh viện khám mới biết lượng đường lên đến hơn 9mmol/L trong khi đồng hồ đeo tay chỉ báo 4,8mmol/L.

Đồng hồ đeo tay được quảng cáo  có nhiều chức năng theo dõi sức khỏe
Đồng hồ đeo tay được quảng cáo có nhiều chức năng theo dõi sức khỏe

Mắc bệnh đái tháo đường, anh T.M.Q. (33 tuổi, ở quận Gò Vấp) luôn cảm thấy bất tiện mỗi khi phải chích máu đo đường huyết. Anh lên các hội nhóm người bệnh đái tháo đường trên mạng xã hội tìm hiểu thì thấy nhiều người tin tưởng đồng hồ đeo tay thông minh, đo được huyết áp, nhịp tim, ô xy trong máu, đường huyết… Cảm thấy phù hợp, anh hỏi mua 1 đồng hồ với giá gần 15 triệu đồng. “Tôi đang xài đồng hồ thông minh để xem giờ, nghe gọi, chụp ảnh… cũng hơn 20 triệu đồng nên thấy giá đồng hồ kia hợp lý. Ngoài theo dõi sát chỉ số sức khỏe, còn có các tính năng tương tự đồng hồ tôi đang sử dụng” - anh Q. nói.

Từ khi có đồng hồ đo đường huyết, anh Q. theo dõi chỉ số mỗi 15 phút sau bữa ăn, tập thể dục, trước khi đi ngủ và mỗi sáng thức dậy. Nhận thấy đường huyết luôn ổn định, chỉ số dưới 5,5mmol/L, anh đỡ áp lực kiêng cữ hơn trước. Sau 1 tháng sử dụng, anh Q. bỏ thuốc duy trì.

Khoảng 1 tuần trước, trong lúc tập thể dục, anh chóng mặt, khó thở rồi ngất xỉu. Khi cấp cứu ở Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, các bác sĩ cho biết lượng đường trong máu tăng cao, làm anh bị lên huyết áp đột ngột, ảnh hưởng đến thận. Nếu tiếp tục không kiểm soát đường huyết, khả năng anh bị biến chứng suy thận mạn tính rất cao.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân đến tái khám đái tháo đường đã hỏi về đồng hồ đeo tay đo đường huyết. Tuy nhiên, các bác sĩ đều khuyên không nên sử dụng.

Không thể đo đường huyết mà không lấy máu

Với bệnh nhân đái tháo đường, việc theo dõi đường huyết thường xuyên rất quan trọng giúp người bệnh kiểm tra lượng đường trong máu, từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và dùng thuốc, phòng ngừa biến chứng. Việc đồng hồ đo đường huyết cho kết quả sai lệch sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tính mạng người bệnh.

Bác sĩ Trần Quang Nam cho biết: “Hiện trên thế giới chưa có thiết bị điện tử nào có thể đo đường huyết chính xác mà không lấy máu. Kể cả khi người bệnh dùng đồng hồ đeo tay theo dõi các chỉ số như tim mạch, huyết áp… cũng phải thận trọng, bởi hầu hết nghiên cứu về hiệu quả, độ chính xác của thiết bị này vẫn chưa có kết luận rõ ràng. Quá tin tưởng, người bệnh có nguy cơ đối mặt với biến chứng nghiêm trọng của đái tháo đường”.

Điều nguy hiểm là nếu đồng hồ hiển thị mức đường huyết cao, bệnh nhân sẽ tăng liều thuốc uống hoặc tiêm thêm insulin khiến lượng đường trong máu hạ quá thấp, dẫn đến hôn mê và tử vong. Khi đồng hồ hiển thị đường máu ở mức bình thường sẽ khiến bệnh nhân lầm tưởng bệnh đã được kiểm soát tốt, dẫn đến chủ quan. Trong khi thực tế đường huyết ở mức cao dễ dẫn đến các biến chứng như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, loét bàn chân, tổn thương đáy mắt, suy thận… Đã từng có trường hợp người bệnh cho bác sĩ biết chỉ số đường của mình chỉ từ 4 - 5mmol/L, nhưng khi đang tái khám, chỉ số huyết áp bỗng tăng vọt, hôn mê. Kết quả xét nghiệm đường huyết gấp 3 lần mức mà người bệnh cung cấp. Bệnh nhân đã tự ý ngưng thuốc, ăn uống không kiêng cữ do liên tục 4 tháng, đồng hồ đo đường huyết luôn báo chỉ số ổn định.

“Đến nay, theo dõi đường huyết bằng máy đo định lượng máu vẫn là phương pháp chuẩn xác nhất” - bác sĩ Trần Quang Nam khẳng định.

Các bác sĩ ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng cho biết đang có rất nhiều thiết bị điện tử như đồng hồ đeo tay, băng đeo bắp tay, bút điện tử… quảng cáo có chức năng theo dõi nhịp tim, huyết áp, đường huyết, rất tiện lợi đối với người bệnh. Tuy nhiên, mọi người chỉ nên tham khảo, tuyệt đối không phụ thuộc vào chúng. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, thở khó, bủn rủn tay chân… - biểu hiện nguy hiểm - cần phải đến bệnh viện ngay.

Các bệnh nhân tiểu đường hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bệnh nếu tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, theo dõi đường huyết, và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Việc tự chăm sóc, hiểu rõ tình trạng bệnh, nhận biết các dấu hiệu của tăng đường huyết rất quan trọng để bệnh nhân có thể sống khỏe mạnh và tránh các biến chứng.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI