Bán xăng kiểu "nhỏ giọt"
Anh N.C. - tài xế taxi “công nghệ” - phản ánh, trưa 19/2, giữa trời nắng nóng, anh chạy qua bốn cửa hàng xăng dầu quanh ngã tư An Sương mà không đổ đủ xăng. Các cửa hàng đều báo hết xăng hoặc chỉ bán với số lượng ít.
Theo ghi nhận của chúng tôi sáng 20/2 tại các quận 3, 5, 8, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, đa số cây xăng vẫn hoạt động bình thường, vẫn đổ xăng theo nhu cầu của khách nhưng vẫn có một số cây xăng đóng cửa hoặc lúc bán, lúc không. Cụ thể, lúc 10g sáng 20/2, đại lý bán lẻ xăng dầu của Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Đến 2 trên đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) kéo rào, đóng cửa ba trụ bơm xăng chính nhưng không thông báo lý do đóng cửa. Một trụ dầu vẫn hoạt động, không bị rào chắn.
Chị Quỳnh Hoa (Q.Bình Tân) phản ánh, chị thường đổ xăng ở cây xăng số 94 trên đường An Dương Vương (Q.8). Cây xăng này nằm ở ngã ba nên có hai mặt tiền. Vài ngày trở lại đây, vào giờ cao điểm, cây xăng này thường bị rào một phía, treo bảng “đang cung cấp xăng”, chỉ đổ ở một mặt còn lại. “Nếu chạy xe trên đường An Dương Vương, thấy rào vậy thì mình không vào đổ xăng. Chỉ trong tuần rồi, tôi thấy rào hai lần nhưng không thấy xe bồn tiếp xăng như mọi khi” - chị Hoa nói.
Theo anh Hùng - tài xế xe ôm, thường chờ đón khách ở góc đường Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) - mấy ngày nay, nhiều cây xăng tư nhân bán rất vô chừng, nhìn người để bán. Có thể buổi sáng, họ bán theo nhu cầu của khách, nhưng buổi chiều thì giới hạn 25.000 - 30.000 đồng/lần đổ cho xe máy số, 50.000 đồng/lần đổ cho xe tay ga, mô tô với lý do đang thiếu xăng dầu. Một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa sớm hơn thường lệ.
Càng bán càng lỗ?
Theo chị N. - quản lý chuỗi 17 cây xăng ở TPHCM - hầu hết cửa hàng xăng dầu của Petrolimex, Saigon Petro, SFC mở bán xăng bình thường theo yêu cầu của khách, trừ những trường hợp khách mang can đến mua xăng tích trữ. Cùng một hệ thống nhưng những cửa hàng xăng dầu quy mô lớn hoạt động suốt ngày đêm, còn các cửa hàng nhỏ thì đóng, mở cửa theo thời gian đã đăng ký với Sở Công Thương. Chị N. cho hay: “Công ty mẹ cung cấp đầy đủ xăng cho 17 cửa hàng để cung ứng cho thị trường, không có tình trạng khan hiếm, thiếu hụt xăng. Những cửa hàng xăng dầu nhỏ lẻ thường nhập xăng thông qua các đại lý, đơn vị cung ứng nên có thể thiếu hụt xăng tạm thời hoặc với giá xăng hiện nay thì càng bán, càng lỗ nên họ hạn chế lượng xăng bán ra”.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu lớn, xăng không thiếu nhưng do càng bán, càng lỗ nên có thể các cửa hàng giảm lượng xăng bán ra để giảm lỗ. Các cơ quan quản lý nhà nước phải nhìn vào thực tế này để có hướng giải quyết. Vị này nói: “Đúng ra, ngày 1/2/2022 điều chỉnh giá xăng nhưng đến ngày 11/2/2022 mới được điều chỉnh. Lúc này, Nhà nước lấy giá cơ sở từ ngày 21/1/2022, trễ 21 ngày, trong khi giá xăng dầu thế giới đang tăng cao. Tính ra, các đơn vị kinh doanh xăng lỗ khoảng 1.000 đồng/lít sau đợt điều chỉnh giá ngày 11/2 và lỗ 1.200 đồng/lít từ đợt điều chỉnh giá ngày 1/2. Các đại lý chiết khấu cho hệ thống rất thấp, chỉ từ 50 - 100 đồng/lít, thậm chí 0 đồng vì họ đang lỗ. Cửa hàng nhập xăng về kho tốn phí vận chuyển, chưa kể chi phí bán hàng (điện, nước, công nhân) nên tính ra, chưa bán đã lỗ ít nhất 700 - 800 đồng/lít. Do đó, cửa hàng tư nhân không muốn bán nhiều”.
|
Nhiều khách chờ đổ xăng tại cửa hàng xăng trên đường Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp sáng 20/2 - ẢNH: N.CẨM |
Cần xem xét trách nhiệm của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nhận được nhiều sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước ngay từ đầu, có những chính sách ưu đãi, thậm chí trong thời điểm giá xăng dầu thế giới thấp. Cần xem xét lại trách nhiệm của lãnh đạo nhà máy này. Không thể tuyên bố thua lỗ rồi đóng cửa. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan |
Vị này phân tích thêm, hệ thống xăng dầu của các đơn vị đầu mối lớn đương nhiên phải chấp nhận lỗ để đảm bảo cung ứng đủ xăng cho thị trường, tăng lượng nhập khẩu lên 20 - 30% để bù khoản hụt khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (chiếm 35% thị phần nội địa) dừng hoạt động. Còn các đơn vị tư nhân không có được cơ chế bù lỗ thì càng bán càng lỗ. Vấn đề nằm ở giá, còn nguồn cung xăng 2/2022 vẫn ổn. Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện đã đồng ý tăng công suất dần lên 80% trong tháng 3/2022. Tuy nhiên, giá xăng sẽ tiếp tục tăng do nguồn xăng dầu thế giới còn khan hiếm bởi tình hình chính trị thế giới chưa ổn. Có khả năng trong đợt điều chỉnh giá ngày 21/2, giá xăng sẽ tăng khoảng hơn 900 đồng/lít, tình trạng bán xăng nhỏ giọt sẽ giảm.
Qua kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu, đoàn kiểm tra của Sở Công Thương TPHCM ghi nhận tình trạng cửa hàng rút ngắn thời gian kinh doanh do thiếu nhân viên hoặc tạm ngừng bán xăng do nhà phân phối không cung cấp đủ xăng cho cửa hàng. Đối với các trường hợp tạm ngưng kinh doanh do thiếu nguồn cung, Sở Công Thương đã liên hệ với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, đề nghị kịp thời bổ sung.
Sở Công thương TPHCM đề nghị Bộ Công thương đề xuất liên bộ Công thương - Tài chính kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh giá linh động trong những trường hợp đặc biệt trên cơ sở bám sát diễn biến giá xăng, dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu trong nước để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường, đồng thời phát huy vai trò quỹ bình ổn giá để ổn định giá xăng dầu và hạn chế tác động tiêu cực lên hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thông tin sớm kết quả xử lý hành vi vi phạm của các doanh nghiệp đầu mối, các tổ chức, đơn vị kinh doanh xăng dầu để qua đó kịp thời cảnh báo, tác động và góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự.
Doanh nghiệp vận tải đang tính chuyện tăng giá cước Hoạt động vận tải hành khách mới phục hồi sau dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của hành khách còn thấp, chỉ đạt khoảng 20 - 30% so với trước. Việc giá xăng tăng cao nhất trong vòng tám năm qua khiến hoạt động vận tải khó phục hồi thuận lợi. Việc tăng giá cước hiện nay rất khó do nhu cầu đi lại chưa cao, nhưng nếu giá xăng dầu tăng cao kéo dài thì các doanh nghiệp vận tải buộc phải điều chỉnh giá cước. Một số doanh nghiệp hiện đã tính đến phương án tăng giá cước vận tải. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cần đề xuất với Chính phủ xuất quỹ bình ổn xăng dầu bù vào giá xăng, dầu để “hạ nhiệt” giá xăng dầu và giảm thuế, phí trong giá xăng dầu. Các loại thuế, phí chiếm đến 40 - 60% giá xăng dầu dẫn tới giá xăng dầu trong nước cao so với thế giới, làm giảm lợi thế cạnh tranh vận tải hành khách, hàng hóa so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và TPHCM |
Giá xăng, dầu có thể tăng mạnh từ 15g ngày 21/2 Giá xăng, dầu được dự báo có thể tăng thêm 1.000 đồng/lít ở kỳ điều hành giá bán hôm nay (21/2) theo đà tăng của giá xăng thế giới. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17/2 đã tăng nhiều so với kỳ tính giá gần nhất, ngày 11/2. Cụ thể, giá xăng 92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 trung bình 108,8 USD/thùng, giá xăng 95 dùng để pha chế xăng RON95 ngày 14/2 lên đến 112,72 USD/thùng, trung bình ở mức 111,32 USD/thùng, tăng trung bình khoảng 8% so với kỳ trước. Trong khi đó, giá dầu cũng biến động theo chiều tăng: giá dầu diesel ngày 14/2 vượt mốc 111,6 USD/thùng. Theo đại diện một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TPHCM, nếu ở kỳ điều hành chiều 21/2, nếu cơ quan quản lý không áp dụng các biện pháp kiềm chế, giá xăng sẽ tăng thêm từ 800 - 1.200 đồng/lít, tùy loại; các loại dầu cũng được điều chỉnh tăng giá từ 700 đồng/lít, riêng dầu diesel có thể tăng hơn 1.000 đồng/lít. |
Nguyễn Cẩm - Quốc Thái